Như Dân Việt đã đưa tin, TAND Cấp cao tại Hà Nội ngày 25/12 sẽ xét xử phúc thẩm 22 bị cáo có kháng cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu.
Bất ngờ, bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, đã nhận tội đồng thời tác động, nhờ người thân, bạn bè nộp thay 18,8 tỷ đồng nhằm khắc phục hậu quả vụ án. Ông Hưng cũng viết đơn xin được xét xử vắng mặt trong phiên phúc thẩm.
Trước đó, trong suốt quá trình xét xử sơ thẩm, bị cáo Hưng kêu oan, cho rằng cáo buộc ông ta lừa đảo tiền chạy án là không có căn cứ. Viện kiểm sát còn chiếu video thể hiện cựu điều tra viên này nhận chiếc vali đựng 400.000 USD nhưng ông ta phản bác, cho hay bên trong chỉ là 4 chai rượu vang.
Những người đưa tiền cho ông Hưng là bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội và Nguyễn Thị Thanh Hằng, Giám đốc Công ty Bluesky, khẳng định Hưng đã nhận tiền. Tuy vậy, điều tra viên này cho rằng họ vu khống mình.
Tuy nhiên khi tuyên án sơ thẩm, TAND TP.Hà Nội khẳng định, đủ căn cứ xác định bị cáo Hoàng Văn Hưng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 800.000 USD (tương đương 18,8 tỷ đồng) tiền chạy án cho bị cáo Hằng. Tòa sơ thẩm do vậy phạt Hoàng Văn Hưng án tù chung thân.
Sau phiên sơ thẩm, bị cáo Hoàng Văn Hưng tiếp tục kháng cáo kêu oan nhưng trước giờ khai mạc phiên tòa lại bất ngờ nhận tội, các luật sư của ông ta thông tin.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, HĐXX phiên phúc thẩm gồm 3 thành viên, 2 Thẩm phán dự khuyết và do Thẩm phán Mai Anh Tài (Chánh tòa Tòa Kinh tế, TAND cấp cao tại Hà Nội) làm chủ tọa. Dự kiến phiên tòa diễn ra trong 4 ngày.
Theo án sơ thẩm, Hoàng Văn Hưng từng là điều tra viên cao cấp, được phân công điều tra vụ chuyến bay giải cứu. Anh nhiều lần gặp bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng tại nhà bị cáo Nguyễn Anh Tuấn.
Tại các buổi gặp, Hưng hướng dẫn Hằng và thông qua Hằng hướng dẫn Lê Hồng Sơn khai báo. Do vậy, Hằng, Sơn chi tiền, nhờ ông Tuấn đưa cho Hưng "chạy án".
Ông Tuấn khai đã chuyển 2,2 triệu USD nhận từ Hằng để Hưng lo cho Hằng, Sơn không bị xử lý hình sự. Hoàng Văn Hưng bác bỏ, nói không nhận tiền nhưng anh ta xác nhận nhiều lần gặp Hằng và có nhận chiếc cặp tại trụ sở cơ quan.
Dùng Hưng khai không nhận tiền, Hội đồng xét xử thấy từ tháng 1/2022 – 9/2022, Hưng được phân công điều tra vụ án và sau tháng 9/2022, bị điều chuyển công tác. Anh ta biết quy định không được tiếp xúc ngoài trụ sở với người bị điều tra nhưng vẫn gặp Hằng tại nhà Tuấn, ngoài giờ làm việc, không báo cáo cấp trên.
Đầu tháng 10/2022, Hưng trao đổi với ông Tuấn nội dung viện kiểm sát căng thẳng với Sơn, một số điều tra viên cũng nói phải xử lý Sơn nên cần chi tiền để ủng hộ không xử lý Sơn. Hằng ghi chép 13 lần chuyển tiền cho Tuấn để đưa cho Sơn.
Lúc này, Hưng còn nói mình bị chuyển công tác chỉ là hành chính, anh ta vẫn phụ trách vụ án. Hưng nói viện kiểm sát chê ít, có nghĩa phải chi gấp đối. Hằng nói khi đưa tiền, Tuấn gọi điện lại để cô ta yên tâm việc Hưng đã nhận tiền.
Căn cứ dữ liệu điện tử, lời khai nhân chứng, Hưng có nhận chiếc cặp đựng 450.000 USD do Tuấn gửi đến. Sau khi nhận, giữa Hưng, Tuấn và Hằng có gặp nhau và Hằng Tuấn hỏi có kiểm soát tình hình không? Hưng nói vẫn kiểm soát, việc bắt Sơn là bất khả kháng vì A01 gay gắt, có thể do em chưa kịp xử lý A01 nên A01 xử lý Sơn.
Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng làm đúng quy định; viện kiểm sát có hỏi cung Hoàng Văn Hưng sau khi bắt và yêu cầu anh tạ tự bào chữa, cung cấp thông tin nhưng chính bị cáo từ chối, chủ tọa nêu.
Bị cáo Hưng còn khai không có mâu thuẫn gì với nhóm Hằng, Sơn còn ông Tuấn là người "có ân tình, giúp đỡ bị cáo". Vì vậy, không có căn cứ thể hiện 3 người này vu khống anh ta.
Ngoài lời khai của ông Tuấn và bị cáo Hằng, phía điều tra còn thu thập lời khai của bị cáo Sơn và các nhân chứng; nội dung các lời khai đều thống nhất và có chứa thông tin bí mật điều tra; nếu Hưng không nói, nhóm này sẽ không biết.
Ngược lại, tòa án đánh giá lời khai của Hoàng Văn Hưng không thống nhất, không trung thực nên không có căn cứ chấp nhận. Hội đồng xét xử khẳng định anh ta lợi dụng chức vụ Trưởng phòng thuộc cơ quan điều tra để cung cấp một số thông tin cho ông Nguyễn Anh Tuấn và Hằng. Cựu điều tra viên sau đó yêu cầu phải chi tiền cho viện kiểm sát, cục nghiệp vụ… để "chạy án". Thông qua ông Tuấn, Hoàng Văn Hưng nhận tiền của bị cáo Hằng nên phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngày 23/12, nguồn tin của phóng viên Dân Việt cho biết, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa ban hành kết luận điều tra bổ sung vụ "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", liên quan đến CEO Nguyễn Phương Hằng, nhà báo Hàn Ni, luật sư Trần Văn Sỹ.
Trước đó, ngày 14/11, VKSND TP.HCM cho biết đã trả hồ sơ vụ án "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", liên quan tới bị can Đặng Thị Hàn Ni (46 tuổi nhà báo - luật sư) và ông Trần Văn Sỹ (66 tuổi, luật sư), để làm rõ một số vấn đề. Cụ thể: Yêu làm rõ những phát ngôn từ một số tài khoản Facebook có phát ngôn thông tin nào sai sự thật xúc phạm danh dự, nhân phẩm, vu khống và làm nhục người khác hay không, trưng cầu giám định đối với các nội dung này.
Làm rõ có người nào cùng tham gia giúp sức cho bà Đặng Thị Hàn Ni và ông Trần Văn Sỹ hay không; là làm rõ yêu cầu bồi thường từ phía ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng. Căn cứ để chứng minh những thiệt hại về vật chất và tinh thần do những phát ngôn sai sự thật gây ra cho ông Dũng và bà Hằng.
Tuy nhiên, sau khi điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra chưa xác định được thông tin chủ đăng ký, quản lý và sử dụng các tài khoản Facebook nêu trên, nên đã ra quyết định tách hành vi và tài liệu liên quan trong vụ án đối các với tài khoản Facebook này, để tiếp tục xác minh về các hành vi vu khống, làm nhục người khác và lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đối với nội dung liên quan đến nhà báo Đặng Thị Hàn Ni, luật Trần Văn Sỹ, bà Hàn Ni khai không có ai khác giúp sức cho bà thực hiện việc này. Quá trình điều tra, bà Hàn Ni không thừa nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật.
Còn luật sư Trần Văn Sỹ cũng khai sử dụng máy điện thoại di động cá nhân tại văn phòng luật sư ở TP. Cần Thơ là tự ghi hình và đăng phát 8 video clip có nội dung vi phạm trên tài khoản YouTube tên "LS Trần Văn Sỹ", liên quan đến CEO Nguyễn Phương Hằng, ông Huỳnh Uy Dũng, Công ty CP Đại Nam và Quỹ từ thiện Hằng Hữu, mà không có ai giúp sức. Quá trình điều tra, ông Sỹ không thừa nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, đối với dân sự, vợ chồng CEO Nguyễn Phương Hằng, ông Huỳnh Uy Dũng không có yêu cầu bồi thường đối với bị can Đặng Thị Hàn Ni và Trần Văn Sỹ cụ thể với số tiền là 500 tỷ đồng.
Theo hồ sơ vụ án, bà Đặng Thị Hàn Ni đã sử dụng tài khoản YouTube và Facebook "Nhà Báo Hàn Ni" để phát buổi ghi hình tiêu đề "bà Hằng có quyền ngồi xổm trên pháp luật không", đăng ngày 3/9/2021.
Cơ quan chức năng xác định trong buổi phát sóng trên, bị can Đặng Thị Hàn Ni có 4 phát ngôn liên quan thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của bà Nguyễn Phương Hằng.
Tại cơ quan điều tra, bị can Đặng Thị Hàn Ni khai những thông tin nói đến đời tư của bà Nguyễn Phương Hằng là căn cứ một phần thông tin và nội dung chính trong các bài báo đã đăng, nên bà không kiểm chứng lại để xác định đúng hay sai; không cần hỏi ý kiến và không cần sự đồng ý của Nguyễn Phương Hằng; không cần thiết kiểm tra, không cần sự chấp thuận của cơ quan báo chí cho phép.
Bên cạnh đó, việc bà Hàn Ni khai biết bà Phương Hằng có tên gọi khác là Nguyễn Thị Thanh Tuyền, và là người liên quan tới vụ án Năm Cam, Hàn Ni khai nguyên nhân có những phát ngôn trên là vì bà Nguyễn Phương Hằng đã ghi hình, phát trực tiếp trên mạng xã hội cùng ngày hôm đó và có những lời lẽ xúc phạm đến bà.
Từ đó, Đặng Thị Hàn Ni có buổi ghi hình phát lại vào ngày 3/9/2021, để phản biện lại những nội dung bà Nguyễn Phương Hằng nói mà bà Hàn Ni cho là không đúng về mình, như việc Hằng nói bà Ni "tống tiền doanh nghiệp", "là bồ của ông Tất Thành Cang"...
Ngoài bà Hàn Ni, trong vụ án này, Công an TP.HCM còn đề nghị truy tố ông Trần Văn Sỹ (66 tuổi, luật sư) cùng tội danh.
Theo cáo buộc, bị can Sỹ đã dùng mạng xã hội để đưa thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty cổ phần Đại Nam; đưa nội dung bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân ông Huỳnh Uy Dũng; xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín, nhân phẩm của bị can Nguyễn Phương Hằng.
Quá trình điều tra, nhà chức trách đã ghi lời khai ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng. Ông Dũng yêu cầu cơ quan điều tra xử lý đúng quy định của pháp luật đối với bị can Đặng Thị Hàn Ni đã đưa ra những nội dung bịa đặt, sai sự thật, xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của ông Dũng và bà Hằng.
Còn bà Hằng yêu cầu cơ quan điều tra xử lý đúng quy định của pháp luật đối với bà Đặng Thị Hàn Ni, vì đã đưa ra những nội dung làm nhục, vu khống bà Hằng, ông Dũng, Công ty cổ phần Đại Nam và Quỹ từ thiện Hằng Hữu.
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 23/12, Đồn Biên phòng Hướng Lập (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) xác nhận, trên địa bàn có 2 người thương vong vì bị trâu tấn công.
Trước đó, khoảng 15h ngày 21/12, ông Hồ Văn Q (65 tuổi, trú thôn Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hoá, Quảng Trị) vào khu vực Trặc Nòi (thôn Trăng Tà Puồng, xã Hướng Việt) tìm trâu bò của gia đình chăn thả thì bị 1 con trâu đực lao đến tấn công.
Con trâu hung dữ tấn công khiến ông Q bị thương vùng đầu, gãy nhiều xương sườn, thủng phổi. Sau khi con trâu bỏ đi, ông Q gọi điện báo tin cho người thân, hàng xóm đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Tuy nhiên, vì thương tích quá nặng, đến chiều 23/12, ông Q tử vong, được đưa về nhà lo hậu sự.
Sáng 23/12, khi em Hồ Văn Kiều (16 tuổi, trú thôn Trăng Tà Puồng) đi vào khu vực nêu trên (cách địa điểm ông Q gặp nạn khoảng 2km) để tìm đàn bò của gia đình. Kiều cũng bị 1 con trâu đực lao vào tấn công. Con trâu đã húc rách đùi của em Kiều.
Vụ việc trâu húc người thương vong xảy ra khiến người dân địa phương rất lo lắng, hầu hết mọi người không dám đi làm.
Lãnh đạo Đồn Biên phòng Hướng Lập cho biết, đang cùng chính quyền địa phương khuyến cáo người dân trước mắt không đi vào khu vực Trặc Nòi. Về lâu dài, chính quyền địa phương cần phối hợp các cơ quan chức năng và người dân xác định trâu dữ tấn công người là trâu của ai và có biện pháp xử lý, phòng tránh sự việc tương tự xảy ra.
Cũng theo lãnh đạo Đồn Biên phòng Hướng Lập, người dân xã Hướng Lập và Hướng Việt thường thả trâu, bò vào rừng cho tự do tìm kiếm thức ăn, ở lại trong rừng. Vài ngày hoặc lâu hơn người dân mới vào rừng để kiểm tra đàn trâu, bò của mình.
Như Dân Việt đã thông tin: Liên quan đến vụ người phụ nữ giao gas bị sát hại, giấu xác trong bể phốt 13 năm, Cơ quan CSĐT Công an Hải Phòng đã tạm giữ hình sự với Bùi Trung Thành (SN 1993, trú thôn 5, Xã Lại Xuân, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) để điều tra hành vi giết người, cướp tài sản.
Tại cơ quan công an, Thành thừa nhận ngày 9/12/2010 đã thực hiện hành vi cướp tài sản của chị T. tại nhà ông N.V.Q. rồi gây ra cái chết của người phụ nữ này. Sau khi gây án, Thành giấu xác nạn nhân vào bể chứa phốt phía sau nhà ông Q. Thời điểm gây án, Thành mới 17 tuổi.
Theo nguồn tin Dân Việt, Thành là con riêng của bà H. Người phụ nữ này có quan hệ tình cảm với ông N.V.Q và sống với ông Q. như vợ chồng tại ngôi nhà có bể nước trên.
Năm 2009, ông Q. chấp hành án phạt tù. Một năm sau, bà H. cũng đi chấp hành án phạt tù. Lúc này, Thành sống một mình ở tại ngôi nhà đó.
Ngày 9/12/2010, Thành đã gây ra cái chết của chị N.T.T. khi đang thực hiện hành vi cướp tài sản của chị tại ngôi nhà này. Sau đó, nghi phạm giấu xác nạn nhân vào bể chứa nước phía sau nhà ông N.V.Q. Sau khi sát hại nạn nhân, Thành rời đi, không ở ngôi nhà này nữa. Khu bể nước cũng bỏ hoang, ít ai để ý.
Sau 13 năm từ khi Thành gây án, ông Q. chính là người đã phát hiện ra hài cốt chị T. dưới bể nước thải trong lúc đi tìm chó lạc.
Trước đó, chiều tối 6/12, ông N.V.Q. (ở xã Lại Xuân) đi tìm con chó của gia đình. Khi đến bể phốt bỏ hoang nhiều năm trong khu vườn không có tường rào, ông lo con chó có thể rơi vào bể gần đó nên lại gần kiểm tra.
Tại đây, ông Q. phát hiện một bộ hài cốt không còn nguyên vẹn bên trong bể nước. Ngay sau đó, ông Q. đã báo sự việc lên chính quyền địa phương.
Kết quả giám định ADN do Công an Hải Phòng trưng cầu cho thấy bộ hài cốt là của chị N.T.T. (SN 1988), có dấu hiệu bị đánh gây thương tích.
Như Dân Việt đã đưa tin: Sáng 23/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phối hợp với Viện KSND tỉnh tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, điều tra vụ án mạng xảy ra trên địa bàn thị xã Phú Mỹ ngày 22/12.
Nghi phạm gây án chém chồng tử vong tại chỗ ở nhà là bà Nguyễn Thị Hào (SN 1969, thôn Phước Tân, xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Nạn nhân là ông B.V.M (SN 1958, chồng bà Hào).
Theo điều tra, vào sáng 22/12, giữa bà Nguyễn Thị Hào và chồng là ông B.V.M xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau tại nhà riêng ở thôn Phước Tân, xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ về việc bà Hào không cho ông M sử dụng điện thoại và ngăn cản không cho ông này ra ngoài.
Lúc này, ông M và bà Hào đánh nhau bằng tay trước sân nhà. Trong lúc đánh nhau, bà Hào thấy một con dao (kích thước 45cm x 7,5cm) ở trên kệ bê tông ngay gần đó nên đã lấy chém nhiều nhát trúng đầu ông M.
Sau đó, bà Hào tiếp tục dùng dao chém nhiều nhát khiến ông M nằm bất động tại chỗ.
Đến khoảng 10h45 cùng ngày, người con rể của ông M và bà Hào đi về nhà thì nhìn thấy bà Hào đang đứng cạnh ông M, ông M nằm thoi thóp nên hô hoán mọi người xung quanh và báo cho cơ quan chức năng.
Nhận được tin báo, Công an thị xã Phú Mỹ phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức bảo vệ hiện trường, khám nghiệm hiện trường, tử thi để điều tra.
Kết quả khám nghiệm tử thi ban đầu xác định, ông M tử vong tại hiện trường, nguyên nhân tử vong là do bị đa vết thương, đứt tĩnh mạnh cảnh, chấn thương sọ não, mất máu cấp.
Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra làm rõ.