Diễn đàn do Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức. Tại đây, nhiều ý kiến các đại biểu cho rằng, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đang ngày càng được ưu tiên sử dụng.
Cụ thể, theo bà Hương, xu hướng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học ngày càng gia tăng, phổ biến ở các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Dự báo trên thị trường thế giới, trong giai đoạn 2023 - 2028, thị trường thuốc bảo vệ thực vật sinh học sẽ phát triển với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 15,9%. "Trong năm 2023 đạt 6,7 tỷ USD và dự kiến năm 2028 sẽ đạt 13,9 tỷ USD" - bà Hương nói.
Cũng có dự báo, thị trường thuốc bảo vệ thực vật sinh học sẽ tương đương với thị phần thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong năm 2040 - 2050.
Tại Việt Nam, bà Hương cho biết, trong giai đoạn 2020 - 2023, số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học tăng từ 768 lên 810 tên thương phẩm được phép sử dụng.
Về xuất khẩu, lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học xuất khẩu của nước ta trung bình 600 tấn/năm, chiếm khoảng 5% so tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật xuất khẩu.
Thị trường thuốc bảo vệ thực vật sinh học xuất khẩu chủ yếu là Đài Loan, Campuchia, Ấn Độ, Nhật Bản... Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang Campuchia chiếm tỷ lệ 51,4% và Đài Loan 32,9%.
Lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhập khẩu từ 18.000 - 20.000 tấn/năm, chiếm khoảng 15 - 20% so tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu. Nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, EU,...Trong đó, Trung Quốc chiếm phần rất lớn, từ 60-65%.
Hiện nay, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trung bình giảm từ 3,81 kg/ha năm 2020 xuống 3,19 kg/ha năm 2022. Trong đó, lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học sử dụng tăng từ 16,67% năm 2021 lên 18,49% năm 2022. Các địa phương sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhiều chủ yếu ở Đông Nam bộ (1,49 kg/ha), ĐBSCL (0,79 kg/ha).
Trưởng phòng Thuốc Bảo vệ Thực vật của Cục Bảo vệ thực vật cho hay, vừa qua, Bộ NNPTNT đã ban hành Đề án phát triển sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2023, tầm nhìn 2050. Đề án hướng tới được một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn.
Cũng tại diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam chia sẻ, giải pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế thuốc hóa học là xu thế tất yếu, giúp tăng trưởng xanh và đạt được sự đồng thuận cao của các quốc gia trên thế giới.
Nhiều dự báo cho thấy, trong giai đoạn 2040-2050, giá trị thị trường thuốc bảo vệ thực vật sinh học sẽ bằng và vượt giá trị thị trường thuốc hóa học.
Tuy nhiên, việc phát triển thuốc bảo vệ thực vật sinh học vẫn gặp một số rào cản như hiệu lực chậm, không phong phú về chủng loại, thời gian bảo quản ngắn, chi phí sử dụng cao,...
Do vậy, theo ông Hồng, trong thời gian tới, các chính sách lớn cần tập trung truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết về sử dụng có trách nhiệm thuốc bảo vệ thực vật. Đào tạo nguồn nhân lực (cán bộ quản lý, nghiên cứu, khuyến nông) và xây dựng các mạng lưới trung tâm, viện trường nghiên cứu về thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Ngoài ra, cần có chính sách tài chính cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, sản xuất, cung ứng thuốc bảo vệ thực vật sinh học...