Trồng lúa ở Đồng Tháp giám sát bằng hệ thống viễn thám, xịt thuốc bằng máy bay không người lái

Huỳnh Xây Thứ ba, ngày 14/11/2023 05:47 AM (GMT+7)
Trồng lúa giám sát đồng ruộng bằng ứng dụng hệ thống viễn thám, ghi nhật ký trên điện thoại, xịt thuốc bằng máy bay không người lái (drone),...là các công việc mà người dân vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) đã hoặc sắp thực hiện, hướng tới việc xây dựng nhãn hiệu gạo sếu (seu rice).
Bình luận 0

Phun thuốc bằng máy bay không người lái (drone): Vừa nhanh, vừa rẻ

Những ngày này, phóng viên Dân Việt về vùng đệm vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) thì vô cùng ngỡ ngàng khi hơn 100ha lúa nơi đây đang áp dụng quy trình kỹ thuật mới vào sản xuất.

Trồng lúa ở Đồng Tháp: Giám sát bằng ứng dụng hệ thống viễn thám, ghi nhật ký trên điện thoại, phun thuốc bằng máy bay - Ảnh 1.

Người dân trồng lúa ở vùng đệm vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) phun thuốc bằng máy bay không người lái (drone). Ảnh: Huỳnh Xây

Cụ thể là đa số người dân phun thuốc bằng máy bay không người lái (drone) thay vì phun bằng bình 25 lít nước mang trên vai như trước kia. Ngoài ra, người dân ít phun thuốc hóa học nên nhiều loại cá vẫn còn sống tốt trên đồng ruộng.

Gặp phóng viên, ông Nguyễn Văn Mẫn - người dân có 10ha lúa tại vùng đệm Vườn quốc gia Tràm Chim cho hay, vụ lúa thu đông 2023 này, ông trồng lúa OM18. Khác với những vụ lúa trước, vụ này ông chỉ phun thuốc bằng máy bay không người lái (drone).

Theo ông Mẫn, phun thuốc bằng máy bay không người lái rất tiết kiệm về lượng thuốc phun, không tốn nhiều thời gian. Hơn nữa, chi phí phun thuốc cũng rất ít, chỉ khoảng 10.000 đồng/1.000m2.

Trồng lúa ở Đồng Tháp: Giám sát bằng ứng dụng hệ thống viễn thám, ghi nhật ký trên điện thoại, phun thuốc bằng máy bay - Ảnh 2.

Người dân cho hay, phun thuốc bằng máy bay không người lái (drone) vừa nhanh, lại vừa rẻ. Ảnh: Huỳnh Xây

Nhiều hộ dân trồng lúa ở vùng đệm Vườn quốc gia Tràm Chim cho hay, phun thuốc bằng máy bay không người lái không chỉ hiện đại mà còn không làm hư đồng ruộng. Bởi khi phun bằng bình 25 lít nước, người dân phải lội ruộng làm hư hao nhiều cây lúa trên lối đi.

Ông Lưu Văn Tiến - Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Tam Nông cho biết, thời gian qua, địa phương đã vận động người dân trồng lúa ở vùng đệm vườn quốc gia Tràm Chim theo hướng sinh thái. Vụ hè thu trước đó có 37ha. Sau vụ thu hoạch đầu tiên, diện tích tăng lên nhanh chóng như hiện nay.

Đây là thành công bước đầu của kế hoạch hình thành vùng trồng lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại vườn quốc gia Tràm Chim trong giai đoạn 2023-2027.

Ứng dụng hệ thống viễn thám quản lý đồng ruộng, ghi nhật ký canh tác trên điện thoại

Ngoài phun thuốc bằng máy bay không người lái, trong giai đoạn 2023 - 2027, ngành nông nghiệp huyện Tam Nông còn phấn đấu có ít nhất 70% vùng trồng lúa (lúc này diện tích lúa có thể đạt khoảng 200 ha) được số hóa về quy trình trình canh tác.

Trồng lúa ở Đồng Tháp: Giám sát bằng ứng dụng hệ thống viễn thám, ghi nhật ký trên điện thoại, phun thuốc bằng máy bay - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Mẫn - người dân có 10ha lúa tại vùng đệm Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Huỳnh Xây

Cụ thể là ứng dụng hệ thống viễn thám quản lý đồng ruộng. Thông qua hệ thống, sẽ giúp nông dân quản lý, giám sát tình hình sinh trưởng cây lúa, phát hiện và giúp máy bay không người lái phun thuốc chính xác những vị trí sâu bệnh hại cần xử lý, không phải phun thuốc đều khắp ruộng, giúp tiết kiệm chi phí và kiểm soát dư lượng trên hạt gạo tốt.

Ngoài ra, người dân đều sử dụng nhật ký sản xuất điện tử trên điện thoại. Điều này giúp cho người dân ghi chép nhật ký canh tác trở nên đơn giản và ở bất kỳ nơi đâu, giúp các nhà quản lý và các doanh nghiệp thu mua lúa gạo nắm được tất cả quy trình trồng lúa của người dân. Qua đó cũng giúp cho thị trường dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm gạo sếu (seu rice).

Trồng lúa ở Đồng Tháp: Giám sát bằng ứng dụng hệ thống viễn thám, ghi nhật ký trên điện thoại, phun thuốc bằng máy bay - Ảnh 4.

Trong giai đoạn 2028 - 2032, huyện Tam Nông sẽ nâng 200ha lúa sinh thái lên 900ha lúa hữu cơ. Ảnh: Huỳnh Xây

Trong giai đoạn 2028 - 2032, huyện Tam Nông sẽ nâng 200ha lúa sinh thái nói trên lên 900ha lúa hữu cơ (nội địa hoặc tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế). Đồng thời, thực hiện các biện pháp phát triển sản phẩm giá trị gia tăng sau gạo.

Theo Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Tam Nông, những hộ dân tham gia trồng lúa trong vùng đệm vườn quốc gia Tràm Chim như đã đề cập ở trên sẽ được hỗ trợ chi phí về gieo trồng và được địa phương mời gọi doanh nghiệp đến thu mua sản phẩm cao hơn thị trường.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều hộ tham gia rất phấn khởi vì chi phí đầu tư thấp hơn cách trồng bên ngoài nhưng thu nhập cao hơn. Đây cũng là lý do diện tích vùng trồng lúa sinh thái thời gian qua tăng lên rất nhanh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem