Bộ ba chị em gái: NSƯT Lê Vân, NSND Lê Khanh và NSƯT Lê Vi đã quá nổi tiếng với khán giả Việt bởi nhan sắc rực rỡ và tài năng nổi trội. Họ cũng sinh ra trong một gia đình hiếm hoi trong làng nghệ thuật mà tất cả các thành viên đều được phong tặng danh hiệu. (cha là cố NSND Trần Tiến, mẹ là nghệ sĩ Lê Mai, vừa được phong tặng danh hiệu NSƯT trong đợi phong tặng thứ 10).
NSƯT Lê Vân sinh năm 1958, là biểu tượng nhan sắc của điện ảnh Việt những năm đầu của thập niên 80. Với vai Duyên trong phim Bao giờ cho đến tháng mười, Lê Vân mang về giải thưởng Bông sen vàng dành cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam năm 1985. Phim chinh phục nhiều giải thưởng của các liên hoan phim quốc tế và là bộ phim Việt hiếm hoi từng được CNN đánh giá nằm trong Top 18 bộ phim châu Á xuất sắc mọi thời đại.
Sau nhiều bộ phim thành công, NSƯT Lê Vân gần như biến mất khỏi làng điện ảnh Việt. Chị chọn cuộc sống lặng lẽ, ít xô bồ, cũng hiếm khi xuất hiện tại các sự kiện.
Trong khi đó, Lê Khanh là nữ nghệ sĩ được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân trẻ nhất. Khi được phong danh hiệu cao quý này, chị mới 38 tuổi. Không chỉ đóng góp tài năng cho sân khấu kịch với hàng loạt huy chương danh giá, NSND Lê Khanh còn nổi tiếng qua các bộ phim: Săn bắt cướp, Chuyện tình bên dòng sông, Bản tình ca cuối cùng, Dòng sông hoa trắng... Mới đây, chị tham gia hàng loạt phim điện ảnh: Mẹ ơi, bố đâu rồi?, Gái già lắm chiêu... Các vai diễn của Lê Khanh đều được đánh giá cao bởi biểu cảm phong phú, nét diễn đầy chiều sâu, mang nhiều ý tứ.
NSƯT Lê Vi là cô út trong gia đình tài sắc của NSND Lê Khanh. Tuy là một nghệ sĩ múa, Lê Vi được biết đến nhiều qua điện ảnh. Vai diễn trong phim Truyện cổ tích cho tuổi mười bảy đã khiến chị được khán giả trẻ những năm cuối thập niên 80 yêu mến. Tuy nhiên, sau bộ phim này, Lê Vi dành trọn vẹn niềm đam mê cho nghệ thuật múa. Hiện tại, Lê Vi đã rời Việt Nam và định cư tại Pháp cùng chồng.
Chia sẻ với Dân Việt về ba con gái, nghệ sĩ Lê Mai bày tỏ niềm tự hào, mãn nguyện. Bà nói: "Từ bé các con đã theo tôi lên sân khấu, diễn cùng mẹ không ít vở kịch. Những hình ảnh đó, cho tới giờ này, tôi vẫn thi thoảng mở ra xem lại, vừa yêu thương, vừa xúc động. Tôi luôn hạnh phúc bởi các con đã nối nghiệp của bố mẹ, giành được những thành tựu riêng và hơn hết, cả ba đều được công chúng yêu mến, ghi nhận. Hiện tại, Lê Khanh ở cạnh nhà tôi, còn Lê Vân, Lê Vi vẫn thường xuyên hỏi han, săn sóc mẹ. Tết này, Lê Vi cũng có hẹn về Việt Nam ăn Tết".
Nghệ sĩ Thoại Miêu là một trong những tên tuổi lớn của nền cải lương Việt Nam. Năm 2019, bà vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm đợt IX cùng với các nghệ sĩ cải lương gạo cội: Thanh Tuấn, Thanh Ngân, Minh Vương, Thanh Nam, Giang Châu...
NSND Thoại Miêu nổi bật với vai diễn Tuyết Mai trong vở Cây sầu riêng trổ bông, vai diễn Ngọc Hà trong vở Tâm sự Ngọc Hân của tác giả Lê Duy Hạnh, vai Thiên Hương trong Muôn dặm vì chồng của nhà văn Ngọc Linh, vai Hoàng Anh trong vở Nàng Hai Bến Nghé của nhà văn Ngọc Linh. Năm 1985, Thoại Miêu giành huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc với vai diễn Hồng trong vở Dốc sương mù của tác giả Lê Duy Hạnh.
NSND Thoại Miêu cũng chính là người dìu dắt em gái - NSƯT Thoại Mỹ đi theo con đường cải lương chuyên nghiệp. Trong một lần đi xem chị gái biểu diễn, Thoại Mỹ được gọi vào trong hậu trường thử giọng bởi bỗng nhiên người diễn vai cô bé Sầu Riêng không thể đến kịp. Nhờ cơ hội này, chị đã đã thế chỗ thành công, hóa thân trọn vẹn vào nhân vật dù chỉ có ít giờ tập luyện ngắn ngủi.
Sau này, Thoại Mỹ giành một loạt thành công lớn trong sự nghiệp: Huy chương Bạc tại Liên hoan sân khấu toàn quốc năm 1990; huy chương Vàng Giải Trần Hữu Trang 1992; huy chương Vàng tại Hội diễn cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2005. Chị cũng là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi có đến 2 liveshow thành công trên bước đường làm nghệ thuật của mình. Đó là liveshow Sáng mãi niềm tin tại sân 4A Nhà Văn hóa Thanh Niên, năm 2005; Liveshow Tung cánh phượng hồng tại sân khấu Lan Anh, năm 2007.
NSƯT Thoại Mỹ từng tâm sự, có một người chị cùng nghề là may mắn của chị vì có sẵn bàn đạp từ ngày đầu, được chị chỉ dẫn từng li từng tí. "Mình có thể chia sẻ được với chị rất nhiều điều từ chuyện nghề chuyện đời. Về chuyên môn, không ai nhận xét, nói thật với mình bằng chị ruột của mình".
Quế Hằng và Thúy Phương là cặp chị em nghệ sỹ có tiếng của Nhà hát Kịch Việt Nam và là số ít các cặp chị em hoạt động bền bỉ cùng nghề trong suốt gần 50 năm.
NSƯT Quế Hằng là lứa diễn viên trưởng thành từ lớp đào tạo nghề diễn đầu tiên của Nhà hát Kịch Việt Nam. Chị là bạn học với vợ chồng NSƯT Lan Hương - Đỗ Kỷ, với các nghệ sĩ Quốc Khánh, Trung Anh, Phú Đôn, Ngọc Bích...
Khán giả nhớ tới nghệ sĩ Quế Hằng với các vai diễm như Quỳnh trong Nhân danh công lý; Yến trong Khúc đoạn trường; vai Thùy trong Con thuyền chở linh hồn; vai Trần Thị Dung trong vở Trần Thủ Độ... Trong đời diễn của mình, có hai lần Quế Hằng nhập vai Trần Thị Dung trong hai vở diễn khác nhau, đó đều là vai diễn mà chị yêu thích và dành nhiều tâm huyết. Đây cũng chính là hai vở diễn từng tham gia Hội diễn Sân khấu toàn quốc và đều giúp Quế Hằng giành được Huy chương Bạc. Năm 2010, nghệ sĩ Quế Hằng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Trong khi đó, NSƯT Thúy Phương - em gái nghệ sĩ Quế Hằng nổi bật ở sân khấu kịch. Chị từng giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu Kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012, Liên hoan Sân khấu Kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018. Trong số các vai diễn, vai bà Minh trong vở kịch Điều không thể mất do Thúy Phương đảm nhận gây ấn tượng với nhiều thế hệ khán giả.
Nói về việc chị gái Quế Hằng được công chúng biết tới nhiều hơn, NS ƯT Thúy Phương từng chia sẻ: "Mỗi người có một duyên khác nhau. Nếu chị Quế Hằng nổi tiếng ở phương diện điện ảnh, truyền hình thì tôi tự tin với sân khấu. Tại Nhà hát Kịch Việt Nam, tôi luôn làm tốt mọi vai diễn mình đảm nhận và có khán giả riêng của mình".
Hai chị em Quế Hằng - Thúy Phương rất thân thiết và gắn bó. Họ luôn bên cạnh nhau, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống.