Điều đặc biệt về hai nữ Đại tá cách nhau 19 tuổi được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân

Tùng Long - Yến Thanh Chủ nhật, ngày 24/12/2023 18:54 PM (GMT+7)
Với hàng loạt cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc nước nhà, Đại tá Hà Thủy và Đại tá Hồng Hạnh vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Bình luận 0

Đại tá Hà Thủy - người được ưu ái gọi là "phù thủy thanh nhạc"

NSND Hà Thủy sinh năm 1960 tại tỉnh Lào Cai. Năm 17 tuổi, bà được tuyển chọn vào Đoàn ca múa Quân đội. Sau đó, Hà Thủy thi đỗ trường Trung cấp Nghệ thuật Quân đội và luôn giành điểm giỏi tất cả các môn trong 4 năm học. Kiên trì theo đuổi con đường học tập, bà tiếp tục thi vào hệ Đại học của Nhạc viện Hà Nội và được cử đi học hệ chính quy chuyên ngành Thanh nhạc sau đó.

Hai nữ đại tá được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân - Ảnh 1.

Đại tá, Nghệ sĩ Ưu tú Hà Thủy. (Ảnh: TL)

Năm 1982, bà giành giải nhì cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp do Bộ VHTT tổ chức với ca khúc “Khúc hát người mẹ”. Đến năm 1983, bà giành Huy chương vàng khi thi ca múa nhạc nhẹ tại Hải Phòng. Năm 1985, 1987, cô giành Huy chương bạc đơn ca toàn quân. Năm 1987 cũng là năm bà tốt nghiệp đại học loại giỏi. Không chỉ thành công với dòng nhạc nhẹ, NSND Hà Thủy còn thành công cả ở dòng nhạc thính phòng và opera, tạo được nét cá tính riêng trong âm nhạc.

Đến năm 1992, nữ nghệ sĩ trở thành giảng viên môn Thanh nhạc tại khoa Ca múa nhạc của trường Trung cấp Nghệ thuật Quân đội. Là một nhà giáo tâm huyết, NSND Hà Thủy không chỉ được biết đến với vai trò “bà đỡ” của nhiều ngôi sao ca nhạc mà còn được học trò hết mực yêu quý vì luôn là hậu phương vững chắc và thầm lặng, đồng hành giúp học trò thành công. 

Có thể kể tới những cái tên như: Hồ Quỳnh Hương, Phương Anh, Phương Thảo, Hoàng Nghiệp, Thái Thùy Linh, Ngọc Anh, Ngọc Khuê, Minh Chuyên, Văn Mai Hương, Hoàng Quyên, Hương Tràm… Bà cũng là huấn luyện viên thanh nhạc của nhiều chương trình lớn như: Sao Mai điểm hẹn, Giọng hát Việt, Tiếng hát Hà Nội...

Điều đặc biệt về hai nữ Đại tá - Ca sĩ được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân  - Ảnh 2.

NSND Hà Thủy cùng ca sĩ Hương Tràm. Ảnh: FBNV

Hình ảnh người phụ nữ có gương mặt xinh đẹp, sắc sảo ngồi sau bàn của Hội đồng nghệ thuật trong từng đêm diễn, luôn chăm chú theo dõi các phần thi của thí sinh đã trở thành hình ảnh quen thuộc của khán giả truyền hình khi đó. 

Nhìn lại gần 30 năm làm giảng viên thanh nhạc, NSND Hà Thủy nói bà không coi học sinh nào là nhất vì mỗi người đều có màu sắc riêng. Bà tự hào vì hơn 10 học trò của mình đã trở thành NSƯT, các học sinh của bà như Hồ Quỳnh Hương, Văn Mai Hương hay Hương Tràm đều đang sống bằng nghề, làm ca sĩ chân chính, cống hiến nhiều cho các quân đoàn hay đoàn ca múa nhạc...

NSƯT Hà Thủy thể hiện ca khúc "Hà Nội những kỷ niệm trong tôi". (Clip: MN)

Khi được hỏi về quá trình đào tạo học trò, NSND Hà Thủy xem đó là một sứ mệnh. Nữ nghệ sĩ thừa nhận từ trước đến nay, chưa bao giờ bà lựa chọn mà đó là mối lương duyên để những người chung đam mê, mơ ước được gặp nhau. 

"Tôi chưa bao giờ chọn học sinh cho mình. Chưa bao giờ xin để được dạy người này, người kia. Rất nhiều giọng ca tôi muốn nhưng vì các bạn đang học ở giảng viên khác nên tôi không dám bày tỏ nguyện vọng", bà bộc bạch thêm.

Nhận được danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân ở tuổi 63, nghệ sĩ Hà Thủy cho biết, bà vô cùng vui mừng và biết ơn Đảng, Nhà nước, Quân đội. Hiện tại, bà vẫn làm việc không ngừng với đam mê truyền nghề cho thế hệ kế tiếp.

Đại tá Hồng Hạnh - Nữ Giám đốc đầu tiên của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội

Đại tá, NSND Nguyễn Thị Bích Hạnh (nghệ danh Hồng Hạnh) sinh năm 1979, tại Quảng Ninh. Chị là nữ nghệ sĩ đầu tiên giữ cương vị Giám đốc của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội.

Hai nữ đại tá được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân - Ảnh 3.

Đại tá Nguyễn Thị Bích Hạnh (Hồng Hạnh). (Ảnh: TL)

Chị sinh ra tại Quảng Ninh, sau đó theo học Trường Nghệ thuật Quân đội và về công tác tại Đoàn Ca múa Quân đội, nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Với chất giọng nữ trung, mang đậm màu sắc dân gian, điêu luyện về kỹ thuật, Hồng Hành từng chinh phục nhiều thế hệ khán giả. Năm 1995, ca khúc Cho con xin câu hát (Minh Quang) do chị trình bày đoạt Huy chương Vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 2001, Hồng Hạnh hát Mẹ tôi 1 của nhạc sĩ An Thuyên, giành Huy chương Vàng tại Cuộc thi Mùa xuân và người chiến sĩ do Bộ Quốc phòng tổ chức.

Trước khi trở thành Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, NSND Hồng Hạnh từng đảm nhiệm các chức vụ: Đội trưởng, Phó đoàn trưởng, Phó Giám đốc Nhà hát. Nghệ sĩ Khắc Tuế, nguyên Đoàn trưởng có “thâm niên” của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội cho hay: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử gần 70 năm của Nhà hát, có một nữ nghệ sĩ làm Giám đốc, và cũng là lần đầu tiên có một ca sĩ làm Giám đốc”. 

 NSƯT Hồng Hạnh thể hiện ca khúc "Một rừng cây một đời người". (Clip: Vancongquandoi)

Ngoài ra, chị cũng ghi dấu ấn ở nhiều ca khúc khác như Mẹ tôi (Đoàn Bổng), Huyền thoại mẹ (Trịnh Công Sơn), Lời ru cỏ non (Hữu Ước). 

Tiếng hát của NSND Hồng Hạnh là tiếng hát của một người lính. Sân khấu biểu diễn của chị ngoài Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội và các sàn diễn nghệ thuật lớn, còn là trên thao trường, bãi tập, nơi núi rừng, làng bản xa xôi, những đồn biên phòng cheo leo trên sườn núi… để phục vụ bộ đội. Tiếng hát của chị cũng vượt không gian, vươn ra quốc tế, đến với nhiều quốc gia châu Á, châu Âu…

NSND Hồng Hạnh luôn tâm niệm, người lãnh đạo, chỉ huy phải truyền lửa, phát huy được sức mạnh tập thể và tài năng, sự sáng tạo, nhiệt huyết của mỗi nghệ sĩ, khiến cho mỗi nghệ sĩ như một bông hoa tỏa hương khoe sắc. Với chị, cách lãnh đạo tốt nhất là coi cán bộ, nghệ sĩ là đồng đội, cũng là gia đình. 

Điều đặc biệt về hai nữ Đại tá - Ca sĩ được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân  - Ảnh 6.

Nghệ sĩ Hồng Hạnh (áo dài tím) cùng nghệ sĩ Nông Thị Bích Kim,Trần Quốc Đạt. Ảnh: QĐND

Khi còn là ca sĩ trẻ, đến khi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, rồi đảm nhiệm vai trò Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, NSND Hồng Hạnh luôn quan tâm trau chuốt từng ca từ, điệu múa, không ngừng nghiên cứu, tư duy để mỗi tác phẩm phải chạm đến trái tim khán giả. 

Chị đã thành công với nhiều bài hát về Đảng, quê hương, đất nước, về mẹ... đặc biệt là về Bác Hồ, như: "Vầng trăng Ba Đình", "Bác Hồ một tình yêu bao la", "Miền Trung nhớ Bác", "Lời Bác dặn trước lúc đi xa", "Thăm Bến Nhà Rồng"... Có lần chị chia sẻ, những bài hát về Bác cũng gắn liền với các giải thưởng và sự trưởng thành trong nghệ thuật của chị. Là nghệ sĩ hát về Bác, lúc nào trong chị cũng dâng lên niềm tự hào, xúc động và luôn hát về Bác bằng tất cả sự tôn kính, bằng tất cả trái tim.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem