Theo Quyết định số 724/QĐ-CTN ra ngày 22/06/2023, có 77 nghệ sĩ được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân lần thứ 10. Trong số này có tên nghệ sĩ Trần Lực, đạo diễn tài năng của sân khấu kịch, cũng là nam diễn viên danh tiếng của dòng phim truyền hình một thời.
Vinh dự này cũng giúp gia đình cố NSND Trần Bảng làm được điều hy hữu trong giới nghệ thuật Việt Nam, khi hai cha con cùng được phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân.
Hai nghệ sĩ tài danh của sân khấu Việt Nam
NSND Trần Bảng sinh năm 1926 tại xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ông là con trai nhà văn Trần Tiêu và cháu gọi nhà văn Khái Hưng là bác ruột. Ngay từ nhỏ ông đã say mê văn chương, kịch nghệ nước ngoài. Hai mươi tuổi, ông đã đọc được sách Hán Nôm, thông thạo nhiều thứ tiếng.
Sau Cách mạng tháng 8, ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1951, ông tham gia vào Đoàn Văn công Trung ương, cùng tổ kịch với Thế Lữ, Song Kim, Nguyễn Hoài... Cũng thời gian này, ông bắt đầu đến với nghệ thuật chèo. Năm 1957, ông cùng nhiều nghệ sĩ thành lập Ban nghiên cứu chèo. NSND Trần Bảng đã cùng đồng nghiệp cải biên, xây dựng lại nhiều vở chèo cổ như Quan Âm Thị Kính, Suý Vân (từ vở Kim Nham), Nàng Thiệt Thê (từ vở Chu Mãi Thần)...
Năm 1953, ông phối hợp nghệ sĩ Năm Ngũ, Dịu Hương dựng vở Chị Trầm - vở chèo hiện đại đầu tiên của sân khấu chèo cách mạng. Sau thành công của vở diễn, ông tiếp tục viết nhiều kịch bản khác như Con trâu hai nhà, Đường đi đôi ngả, Cô gái và anh đô vật, Tình rừng, Chuyện tình 80 năm, Máu chúng ta đã chảy...
NSND Trần Bảng là một trong những nghệ sĩ có công đầu phục dựng lại chèo cổ và phát triển chèo mới. Ông viết kịch bản, đạo diễn, nghiên cứu, phê bình lý luận, dạy học trò… Nhà thơ Huy Cận đã viết tặng ông một bài thơ, trong đó gọi Trần Bảng với danh xưng "trùm chèo".
Tình yêu dành cho nghệ thuật chèo cũng giúp NSND Trần Bảng nên duyên với NSƯT Trần Thị Xuân - một diễn viên chèo tài sắc. Hai người con của ông là diễn viên, đạo diễn Trần Lực và họa sĩ, kiến trúc sư Trần Thị Mây.
NSƯT Trần Lực sinh năm 1963 tại Hà Nội. Vào năm 1983, anh tham gia học lớp đạo diễn sân khấu và tu nghiệp 7 năm ở Bulgaria. Sau khi về nước, Trần Lực chuyển sang điện ảnh và trở thành nam diễn viên nổi tiếng, ghi dấu trong lòng các khán giả truyền hình qua những vai diễn trong các phim: Chuyện tình bên dòng sông, Hoa ban đỏ, Người yêu đi lấy chồng, Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong... Sau này, Trần Lực chuyển sang vai trò đạo diễn và gây ấn tượng qua các phim: Chuyện nhà Mộc, Tết này ai đến xông nhà, Đời chè, Cocktail cho tình yêu...
Năm 2017, Trần Lực bất ngờ quay trở lại với sân khấu thông qua việc thành lập LucTeam - đoàn kịch tư nhân đầu tiên ở phía Bắc. Với nhiều sáng tạo về phong cách thể hiện, LucTeam từng giành được nhiều giải thưởng lớn: Vở Quẫn của Lucteam giành được huy chương Bạc còn Trần Lực được nhận giải "Đạo diễn xuất sắc" tại Liên hoan sân khấu Thủ đô. Sau đó, vở Bạch đàn liễu cũng đã giành giải Vàng ở hạng mục đạo diễn và tác phẩm tại Liên hoan sân khấu Thủ đô 2020.
Nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật cho con từ chiếu chèo
Tình yêu nghệ thuật của NSND Trần Bảng ảnh hưởng nhiều tới cậu con trai duy nhất - NSƯT Trần Lực. Nam nghệ sĩ kể, khi còn bé, anh thường tha thẩn chơi quẩn quanh sau cánh gà của Nhà hát Chèo Việt Nam. Các làn điệu chèo cứ thế trở nên quen thuộc trong tâm trí anh. Cũng bởi thế, sau khi đạt nhiều thành công với điện ảnh, Trần Lực quyết định tiếp bước cha, dành nhiều thời gian cho công việc đạo diễn.
Ngay từ khi xây dựng LucTeam, Trần Lực đã xác định đoàn kịch của anh theo đuổi phong cách biểu hiện - ước lệ. Anh mong muốn sử dụng những chi tiết biểu đạt nghệ thuật hình thể trong sân khấu truyền thống Việt Nam, điển hình là chèo, tạo nên những tác phẩm kịch mới mẻ, giàu sức sáng tạo. Tại đó, người xem cùng tham gia vào quá trình tưởng tượng của diễn viên, cùng đắm chìm và suy ngẫm trong không gian của sân khấu kịch.
Trong cuộc sống đời thường, cha con NSND Trần Lực rất thân thiết, gắn bó: "Tôi vẫn nhớ khi tôi mới tập chơi saxophone, bố cổ vũ tôi bằng cách bảo: "Lực ơi, thổi kèn đi!". Tiếng kèn của con trai chưa hay, nhiều lúc nghe chói tai, thế nhưng ông luôn thể hiện niềm vui vẻ, sự thích thú. Ông cũng thường nghe tôi đọc sách một cách hào hứng".
Ngày 23/7, LucTeam diễn buổi đầu tiên kịch Búp bê, chỉ 5 ngày sau khi NSND Trần Bảng qua đời. Trần Lực tâm sự: "Trước khi diễn tôi thắp nén hương mời papa về xem. Lạ lắm, cảm giác cha đang ngồi trong khán phòng xem kịch của con trai khiến tôi phấn khích vô cùng. Buổi diễn thành công như mong muốn, khán giả vỗ tay liên tục".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.