Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London hiệu chỉnh sau 5 phiên tăng liên tiếp. Kỳ hạn giao tháng 3 giảm 12 USD, xuống 2.938 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 14 USD, còn 2.831 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Trái lai, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao tháng 3 tăng 2,90 cent, lên 184,05 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 2,05 cent, lên 181 cent/lb, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay quay đầu giảm đồng loạt 200 đồng/kg. Chi tiết, các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 70.000 - 70.700 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 70.000 đồng/kg. Tiếp đến là tỉnh Gia Lai và tỉnh Đắk Lắk với giá 70.600 đồng/kg. Song song đó, tỉnh Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 70.700 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương.
Giá cà phê Robusta kỳ hạn tại London vừa có phiên hiệu chỉnh nhẹ sau chuỗi tăng nóng, khi các chỉ báo kỹ thuật cho thấy thị trường này đã vào vùng “quá mua”, trong khi nguồn cung Robusta từ các nhà sản xuất Đông Nam Á hiện vẫn khó mua do sự kháng giá của người sản xuất và dữ liệu báo cáo của ICE – London ngày hôm qua thứ năm 11/1 đã giảm thêm 80 tấn, xuống ở mức 34.100 tấn (568.333 bao).
Trong khi đó, biến động của tỷ giá hối đoái sau báo cáo CPI tháng 12 của Mỹ tăng 0,3% so với tháng trước, khiến hầu hết giá cả hàng hóa tăng theo. Đồng Reais – Brazil tăng 0,32% lên ở mức 1 USD = 4,8754 R$ đã thúc đẩy giá cà phê tại các thị trường nội địa Brazil phải tăng thêm mới mua được hàng.
Dữ liệu báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy xuất khẩu cà phê trong tháng 12 đã đạt 207.613 tấn (tương đương 3.460.217 bao) tăng 74,03% so với tháng trước và tăng 5,40% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, kết quả xuất khẩu cà phê cả năm 2023 đạt tổng cộng 1.623.138 tấn (khoảng 27,05 triệu bao) giảm 8,68% so với xuất khẩu cả năm 2022. Điều này phản ánh nguồn cung cà phê Robusta từ châu Á tạm thời vẫn còn bị thắt chặt trong ngắn hạn.
Trong năm 2023, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu cà phê 4,2 tỷ USD, tăng 4,6%. Giá xuất khẩu của mặt hàng này liên tục tăng cao trong năm vừa qua với ba thị trường xuất khẩu lớn là Đức, Italy và Nhật Bản.
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới. So với các nước sản xuất cà phê trên thế giới, diện tích cà phê của Việt Nam chỉ đứng thứ 6 sau Brazil, Indonesia, Colombia, Ethiopia và Bờ Biển Ngà.
Thị phần cà phê của Việt Nam chiếm 8,81% tổng kim ngạch nhập khẩu của EU từ thế giới. Thị hiếu tiêu dùng cà phê của người dân EU có sự thay đổi và EVFTA giúp ngành cà phê Việt Nam gia tăng giá trị và mở rộng thị phần tại EU trong thời gian tới. Ngành cà phê Việt Nam được hưởng lợi nhờ thị hiếu tiêu dùng cà phê trên thế giới có sự chuyển dịch sang cà phê Robusta có giá thành thấp hơn.
Các chuyên gia dự kiến xuất khẩu cà phê toàn cầu sẽ bị trì hoãn khoảng 36% trong quý I của năm nay, chủ yếu là cà phê đi từ Đông Nam Á do căng thẳng gia tăng ở Biển Đỏ làm cước phí vận chuyển tăng cao vì các tàu container phải tìm kiếm các tuyến đường khác dài hơn.