Trao đổi với PV Dân Việt, ông Gabor Fluit – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Tổng Giám đốc khu vực châu Á Tập đoàn De Heus cho biết, sau khi Việt Nam áp dụng chính sách phát triển các khu công nghiệp thành công, cho thuê đất 50 năm, chính sách một cửa... thì các doanh nghiệp nước ngoài nhìn thấy nhiều cơ hội đầu tư từ Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp châu Âu đã chọn Việt Nam đặt nhà máy sản xuất, sau đó xuất khẩu hàng hoá đi khắp thế giới, trở thành những "con chim đại bàng" đem lại nhiều giá trị về kinh tế và xã hội.
Thưa ông, theo con số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính trong 9 tháng 2023, thương mại 2 chiều Việt Nam - EU đã đạt 44 tỷ USD; bên cạnh đó, đến tháng 8/2023, đã có 25/27 nước thuộc EU đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đạt 27,6 tỷ USD gồm 2.384 dự án trong các lĩnh vực. Những con số này nói lên điều gì về "sự hấp dẫn" của Việt Nam đối với các doanh nghiệp EU?
- Sau khi Việt Nam áp dụng chính sách phát triển các khu công nghiệp thành công, chính sách cho thuê đất 50 năm, chính sách một cửa... thì các doanh nghiệp nước ngoài nhìn thấy nhiều cơ hội hơn từ Việt Nam. Trong đó, nhiều doanh nghiệp từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, đặc biệt có nhiều doanh nghiệp châu Âu đã tìm đến Việt Nam đặt nhà máy, chủ yếu là ở các lĩnh vực điện tử, may mặc, da giày...
Lúc đầu, các doanh nghiệp chọn Việt Nam làm địa điểm đặt nhà máy sản xuất bởi có nguồn lao động dồi dào và rẻ, nhưng sau này các doanh nghiệp đã nhìn thấy cơ hội đầu tư, bán sản phẩm ở ngay thị trường nội địa với gần 100 triệu dân và hàng chục triệu khách du lịch đến Việt Nam mỗi năm. Đơn cử như Tập đoàn De Heus đã và đang đầu tư hàng chục nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam không phải nhằm mục tiêu xuất khẩu sản phẩm đi nước ngoài, mà chủ yếu phục vụ người chăn nuôi trong nước.
Mấy năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam có một số thay đổi rõ rệt khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Đặc biệt là từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, xung đột giữa các nước Nga - Ukraine, thì nhiều doanh nghiệp đã xem xét lại chuỗi liên kết cũng như chiến lược kinh doanh của họ, theo đó nhiều công ty đánh giá Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế phù hợp để họ chuyển giao một phần chuỗi cung ứng.
Thực tế cho thấy, nhiều công ty nước ngoài đi trước đã gặt hái thành công ở thị trường Việt Nam như Samsung, Intel, Adidas, Heineken, Unilever, Nestle... Sắp tới, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp quan tâm tới một số lĩnh vực mới mà trước đây Việt Nam chưa chú ý đến như điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp bán dẫn...
Khi một doanh nghiệp nước ngoài tìm địa điểm đầu tư, yếu tố đầu tiên họ quan tâm thường là an ninh, sự bền vững về kinh tế và chính trị, cũng như mối quan hệ của nước đó với các nước trong khu vực và thế giới. Việt Nam được nhiều nhà đầu tư lớn lựa chọn bởi đã áp dụng uyển chuyển thành công chính sách ngoại giao "cây tre", đặc biệt gần đây mối quan hệ ngoại giao với Mỹ và Trung Quốc đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Đó cũng là lí do Tập đoàn De Heus đến từ Hà Lan đã chọn Việt Nam để đặt trụ sở chính của mình ở khu vực châu Á.
Việt Nam là đất nước nông nghiệp, song 20-30 năm gần đây lĩnh vực công nghiệp đã có bước phát triển mạnh, các ngành dịch vụ, du lịch, ngân hàng tài chính cũng phát triển nhanh song cái gốc của Việt Nam vẫn là nông nghiệp. Số lao động đang làm việc trong lĩnh vực này lớn, và đặc biệt, khi thế giới xảy ra nhiều biến động, những quốc gia tự sản xuất được nhiều lương thực, thực phẩm như Việt Nam lại cho thấy lợi thế về an ninh lương thực, an ninh thực phẩm. Các sản phẩm Việt Nam tự sản xuất được vô cùng phong phú, từ gạo, thịt, cá, trứng, sữa, rau củ, trái cây…, thậm chí có dư bán cho nhiều quốc gia khác.
Nhìn qua con số giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 là hơn 53 tỷ USD - con số khá lớn, song tôi cho rằng, nếu Việt Nam đi đúng hướng và tiếp tục gia tăng được giá trị sản phẩm, giảm tỷ lệ xuất thô, tăng chế biến sâu thì chắc chắn kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng gấp đôi. Theo tôi, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu nông sản được 100 tỷ USD.
Một đất nước nhỏ bé như Hà Lan, kim ngạch xuất khẩu nông sản đã đạt 120 tỷ USD thì trong tương lai, với tiềm năng xuất khẩu nông sản dồi dào, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt con số 100 tỷ USD.
Các doanh nghiệp nước ngoài chắc chắn cũng đã nhìn thấy tiềm năng đó, nên nhiều thành viên của EuroCham đã tìm đến Việt Nam để tìm cơ hội đầu tư, hợp tác sản xuất kinh doanh.
Trong đại dịch Covid-19 và bối cảnh suy thoái kinh tế, lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam đã thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, nhiều chuyên gia cũng đánh giá đây là "mỏ vàng" để khai thác, đầu tư. Với các doanh nghiệp EU, hiện nay họ quan tâm lĩnh vực này như thế nào?
- Quan sát một số doanh nghiệp đang đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam, tôi thấy chia thành 2 nhóm. Một là đến Việt Nam cung cấp nguồn đầu vào, dịch vụ, sản phẩm cho người chăn nuôi giống như De Heus; hoặc các công ty chuyên cung cấp máy móc thiết bị, dịch vụ tư vấn, vật tư công nghệ…
Hai là họ đến Việt Nam thu mua sản phẩm, chế biến rồi xuất khẩu đi khắp thế giới, ví dụ điển hình như Nedspice. Doanh nghiệp này đang có các nhà máy chế biến hạt tiêu ở Bình Dương, Bình Phước, họ thu mua hạt tiêu ở Việt Nam và các nước khác để sản xuất, trở thành nhà cung cấp lớn nhất thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu hạt tiêu. Cũng có một số công ty làm cả 2 lĩnh vực nói trên.
Nông nghiệp ít khi thu hút những dự án rất lớn như ngành công nghiệp, điện tử, số tiền có thể không lên đến hàng tỷ USD, nhưng sẽ có rất nhiều dự án vừa và nhỏ đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt. Gần đây có sự biến động lớn về thị trường công nghệ 4.0, máy bay điều khiển từ xa… Chi phí đầu tư công nghệ ngày càng rẻ, cơ hội tiếp cận công nghệ đối với nông dân Việt Nam ngày càng gần hơn. Khi đó, chắc chắn hiệu quả, năng suất nông nghiệp sẽ tăng lên, đồng nghĩa giá trị kinh tế cũng tăng cao.
Trong thời gian tới, De Heus có kế hoạch đầu tư gì vào nông nghiệp hay không, thưa ông?
- Tháng 3/2024, chúng tôi sẽ khánh thành nhà máy thức ăn tôm ở Vĩnh Long – đây là nhà máy áp dụng công nghệ cao. Tháng 5/2024, De Heus sẽ phối hợp cùng đối tác là Tập đoàn Hùng Nhơn khánh thành khu nuôi gà giống công nghệ cao tại Tây Ninh, đồng thời khởi công đồng loạt một số dự án khác nhằm phục vụ chuỗi liên kết sản xuất gà trắng hướng tới xuất khẩu tại Tây Ninh.
Chúng tôi đang khẩn trương phối hợp với Bộ NNPTNT xây dựng vùng chăn nuôi gà an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu của thị trường châu Âu.
Bên cạnh đó, De Heus cũng sẽ triển khai một số dự án chăn nuôi bền vững. Hiện nay có nhiều trang trại tự do tại Việt Nam gặp khó khăn trong việc xử lí môi trường. Luật đã có rồi, nhưng các trại vừa và nhỏ vẫn chưa thể áp dụng triệt để trong việc xử lý phân, nước thải, mùi hôi… và rất nhiều trang trại như vậy đang trong diện buộc phải di dời. Do đó, từ nay tới năm 2025, De Heus sẽ triển khai mạnh mẽ hơn chương trình trợ giúp các trang trại tháo gỡ khó khăn.
Mục đích của De Heus là giúp đỡ những người chăn nuôi thực sự muốn tồn tại với nghề, chủ yếu là về vốn, kỹ thuật, công nghệ để họ có thể đi tiếp con đường đó.
Đối với sản phẩm xuất khẩu, yêu cầu của thị trường ngày càng cao, do đó các thành viên của chuỗi sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, các tiêu chí liên quan đến giảm phát thải nhằm hướng đến xây dựng kinh tế xanh… Việt Nam đang có chủ trương cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn vào năm 2025, do đó rất nhiều dự án của De Heus trong thời gian tới sẽ quan tâm nhiều hơn tới vấn đề này.
Để chủ động hơn nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giảm bớt nhập khẩu, De Heus cũng đang phối hợp với một số tỉnh Tây Nguyên xây dựng vùng nguyên liệu trồng thức ăn chăn nuôi, tăng năng suất trồng bắp để đáp ứng nhu cầu chế biến. Đây cũng là một dự án trọng điểm của De Heus tại Việt Nam.
Phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp xanh có thể nói đang là "trend" tại Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050, tuy nhiên thực tế nhiều doanh nghiệp cũng như nông dân chưa hiểu lắm về điều này và cho rằng nó chưa thực sự cần thiết. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Đây không phải vấn đề của riêng Việt Nam mà ở đâu cũng vậy thôi. Nhưng muốn đi xa hơn, sản xuất bền vững hơn thì tôi nghĩ bắt buộc phải thay đổi.
Đơn cử, muốn xuất khẩu cá tra, tôm vào châu Âu thì doanh nghiệp phải chứng minh được nhà máy đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Sự thay đổi lớn nhất là nhiều sản phẩm nông sản, thuỷ sản của Việt Nam đã đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu, được nhiều thị trường khó tính lựa chọn thì tôi tin người nông dân sẽ sớm quen với việc đáp ứng các tiêu chí ngày càng cao hơn của thị trường.
Chiến lược hợp tác quốc tế ngành nông nghiệp tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 70 tỷ USD, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn FDI) đến 25 tỷ USD, thu hút vốn vay đạt 5 tỷ USD, viện trợ không hoàn lại đạt 1 tỷ USD...
Chiến lược hợp tác quốc tế ngành nông nghiệp tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 70 tỷ USD, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn FDI) đến 25 tỷ USD, thu hút vốn vay đạt 5 tỷ USD, viện trợ không hoàn lại đạt 1 tỷ USD…
Đặc biệt, ngành nông nghiệp tập trung vào định hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn và huy động nguồn lực bên ngoài phát huy uy tín, nâng cao vị thế nông nghiệp Việt Nam.
Hiện EuroCham đã cùng một số doanh nghiệp thành viên tại các tỉnh tổ chức hướng dẫn doanh nghiệp chuẩn bị những vấn đề cần đáp ứng để thích ứng với những đạo luật mới liên quan đến sản xuất xanh, chính sách với người lao động tại châu Âu…
Thực hiện sớm, thay đổi sớm thì chúng ta có thể tự tin xuất khẩu đi bất kỳ nước nào, cũng như cung cấp ngay cho những khách hàng Việt Nam cao cấp hơn.
De Heus cũng có một chính sách nội bộ, đó là định hướng đến năm 2025- 2030 sẽ giúp các thành viên trong chuỗi liên kết và các nhà cung cấp trong nước xây dựng được lộ trình thực hiện sản xuất xanh. Không có doanh nghiệp nào đi từ 1 đến 100 chỉ trong ngày một ngày hai mà chúng ta phải có lộ trình, có định hướng, tầm nhìn từ 3-5 năm, tối thiểu đảm bảo được một số tiêu chuẩn nội bộ.
Cụ thể, De Heus đang triển khai dự án điện mặt trời áp mái trong toàn bộ hệ thống nhà máy, trang trại của De Heus cũng như các doanh nghiệp liên kết. Trước đây sử dụng xe nâng bằng dầu thì nay chuyển sang xe điện. Chúng ta đi từng chút, từng chút, dần dần sẽ thu được kết quả.
Nhưng để thay đổi được như ông nói, không chỉ tốn thời gian mà cả tiền bạc nữa. Đây cũng là một điểm yếu của doanh nghiệp và nông dân Việt Nam. Theo ông, còn những trở ngại nào trên con đường sản xuất xanh?
- Thực tế có nhiều khâu trong sản xuất mọi người cho rằng tốn chi phí, nhưng nếu chúng ta đầu tư đồng bộ, ban đầu thực sự có thể tiêu tốn số tiền lớn nhưng sẽ mang lại lợi ích lâu dài, không chỉ tiết kiệm được nước, điện, mà còn giảm rác thải ra môi trường. Nhiều người nghĩ rằng việc đầu tư này chưa cần thiết, còn bao nhiêu chuyện khác quan trọng hơn, nhưng đây là xu hướng chung của thế giới, ai không theo thì sớm muộn cũng bị tụt lại.
Đối với nông dân, do nguồn lực còn hạn chế nên để bà con tự bỏ tiền ra xanh hoá quá trình sản xuất của mình thì rất khó. Cho nên tôi cho rằng, phía các ngân hàng Việt Nam cần có hỗ trợ nông dân cụ thể hơn. Ví dụ Việt Nam đang triển khai một đề án rất độc đáo, đó là thí điểm sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải. Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, nếu chúng ta làm được 1.000ha, thì 1 triệu ha cũng sẽ làm được.
Về chính sách kinh tế xanh, tôi thấy vai trò của các trường học rất quan trọng. Họ cần chú trọng đào tạo cho sinh viên, nguồn nhân lực trẻ nhiều hơn về chuyển đổi xanh để lực lượng này đóng góp vào thực tế nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Với vai trò là người đứng đầu Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, ông sẽ làm gì để đồng hành cùng các doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh, hiệu quả và bền vững?
- Theo tôi, với chiến lược chuyển đổi kinh tế xanh, phát triển bền vững, tiêu chuẩn của châu Âu ngay từ ban đầu đã rất cao, khi doanh nghiệp đến làm ăn tại Việt Nam, là khách của một quốc gia đang phát triển thì yêu cầu đầu tiên là phải đáp ứng tốt luật pháp, thậm chí sẽ phải làm tốt hơn luật. Ví dụ như các tiêu chí về môi trường, chính sách cho người lao động…
Đừng nghĩ làm ăn ngắn hạn, kiếm tiền tại chỗ mà cần nghĩ tới chiến lược phát triển bền vững, cùng các đối tác và doanh nghiệp trong nước phục vụ tốt hơn cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu...
Xin cảm ơn ông!
Tập đoàn De Heus (Hà Lan) đầu tư vào Việt Nam năm 2008 bằng việc mua lại 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Hải Phòng và Bình Dương. Từ đó đến nay, De Heus liên tục mở rộng quy mô sản xuất bằng việc đầu tư xây dựng nhà máy mới, xây dựng hệ thống chuỗi liên kết với các trang trại sản xuất con giống quy mô lớn, các nhà máy giết mổ nhằm đảm bảo đầu ra cho khách hàng, mang đến nguồn thực phẩm sạch, an toàn và truy xuất nguồn gốc đến người tiêu dùng Việt Nam và quốc tế.
Gần đây, tập đoàn này đã gây tiếng vang khi mua lại một loạt nhà máy thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn Masan, đồng thời liên kết với Tập đoàn Hùng Nhơn xây dựng hệ sinh thái mới là các tổ hợp dự án nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Tổng vốn đầu tư De Heus đổ vào nông nghiệp Việt Nam đến thời điểm này khoảng 1,1 tỷ USD.