Sầu riêng ra "quả tiền tỷ" ở Tiền Giang, hái 5 tấn trái cầm ngay 650 triệu, cứ 1ha dân thu 2,6 tỷ
"Quả tiền tỷ" ở Tiền Giang ra quả vô số, một nhà hái 5 tấn trái cầm ngay 650 triệu, cứ 1ha thu 2,6 tỷ
Minh Trí (Cổng TTĐT Tiền Giang)
Chủ nhật, ngày 28/01/2024 14:18 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Văn Đông, nông dân trồng sầu riêng ở xã Phú An, huyện Cai Lậy, (tỉnh Tiền Giang) cho hay, ông trồng 2.000 m2 sầu riêng, chủ yếu giống sầu riêng Mong Thong chất lượng cao. Gần đây, ông thu hoạch đạt sản lượng gần 5 tấn quả sầu riêng bán với giá sầu riêng bình quân 130.000 đồng/kg, thu 650 triệu đồng.
Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, nông dân các vùng chuyên canh sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang rất phấn khởi bởi giá sầu riêng đang tăng mạnh, mang lại cho bà con nguồn thu nhập cao.
Hiện nay, thương lái đang thu mua sầu riêng tại vườn với giá từ 130.000 đồng - 135.000 đồng/kg tùy loại, như vậy, giá sầu riêng đang cao gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Với năng suất sầu riêng bình quân đạt từ 20 tấn - 25 tấn/ha, mỗi ha trồng sầu riêng thu hoạch đúng thời điểm hiện nay cho nông dân nguồn thu kỷ lục, từ 2,6 tỷ đồng trở lên.
Ông Nguyễn Văn Tấn, nông dân trồng sầu riêng ở xã Long Tiên, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) cho biết, ông vừa thu hoạch được gần 10 tấn quả, bán giá 130.000 đồng/kg, thu gần 1,3 tỷ đồng.
Theo ông Tấn, những ngày qua, giá sầu riêng tăng mạnh nên nông dân vùng chuyên canh trong những ngày giáp Tết Giáp Thìn ai cũng phấn khởi bởi cây trồng đặc sản này đang cho hiệu quả kinh tế rất cao.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đông, nông dân trồng sầu riêng ở xã Phú An, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), ông trồng 2.000 m2 sầu riêng, chủ yếu giống Mong Thong chất lượng cao. Gần đây, ông thu hoạch đạt sản lượng gần 5 tấn quả bán với giá bình quân 130.000 đồng/kg, thu 650 triệu đồng.
Nông dân huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) chăm sóc vườn sầu riêng ra trái nghịch vụ niên vụ 2023-2024. Giá sầu riêng nghịch vụ bán dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cao gấp đôi so với cùng kỳ. Năng suất, sản lượng sầu riêng duy trì tốt giúp nông dân có thu nhập cao.
Lãnh đạo xã Phú An cho biết, địa phương có vùng chuyên canh sầu riêng trên 800 ha. Trong năm 2023, sầu riêng có giá mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân vùng chuyên canh; nhiều người dựng nên cơ nghiệp.
Nhờ vậy, cây sầu riêng đã giúp xã Phú An nâng thu nhập bình quân đầu người lên gần 70 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều xuống chỉ còn 0,71%.
Thu nhập tăng cao là nhân tố tích cực góp phần giúp xã Phú An trong năm 2023 hoàn thành các tiêu chí và được công nhận, ra mắt thành công xã nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, xã đang hướng đến mục tiêu ra mắt xã nông thôn mới kiểu mẫu trước năm 2025.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương hiện có trên 20.000 ha trồng sầu riêng, tập trung tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây: huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè, thị xã Cai Lậy, huyện Châu Thành... với sản lượng sầu riêng mỗi năm khoảng 300.000 tấn quả.
Thời điểm giáp Tết, nông dân vùng chuyên canh sầu riêng đang thu hoạch vụ nghịch trong năm. Vụ sầu riêng nghịch tại Tiền Giang thường có giá bán cao mang lại lợi nhuận lớn cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Mẫn đánh giá, sầu riêng có giá nhờ đầu ra thuận lợi và là một trong những chủng loại trái cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, là nguồn nông sản xuất khẩu quan trọng của địa phương.
Để phát huy hơn nữa thế mạnh cây trồng đặc sản, địa phương chú trọng chuyển giao kỹ thuật thâm canh, khuyến khích nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học để đạt năng suất, sản lượng cao.
Đặc biệt là xử lý sầu riêng rải vụ cho thu hoạch vào thời điểm nghịch vụ trong năm, tránh thu hoạch rộ lúc chính vụ nhằm giảm nguy cơ trúng mùa, dội chợ, mất giá.
Theo đó, vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5 hàng năm, nông dân xử lý vườn sầu riêng làm bông, dưỡng trái và sẽ cho thu hoạch trái già, trái chín vào tháng 11 trở đi. Thời điểm này, sầu riêng trái vụ có giá bán cao, bà con thu lợi nhuận cao.
Đồng thời, trong nỗ lực tận dụng cơ hội trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và thị trường các nước, Tiền Giang quan tâm xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.
Toàn tỉnh Tiền Giang, hiện có 72 mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích trên 2.600 ha và 66 mã số cơ sở đóng gói được cấp xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Nhờ trái sầu riêng xuất khẩu thuận lợi, đầu ra ổn định, các địa phương vùng kiểm soát lũ đầu nguồn vốn xây dựng được các vùng chuyên canh sầu riêng tập trung lớn, ngày càng sung túc, ấm no và xây dựng nông thôn mới thành công.
Điển hình như huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, nằm trong vùng kiểm soát lũ phía Tây đã được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, huyện Cái Bè và huyện Châu Thành dự kiến sẽ tiếp tục ra mắt huyện nông thôn mới vào đầu năm 2024.
Đặc biệt, các xã Long Khánh (thị xã Cai Lậy), xã Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy) trong tháng 01/2024 cũng vừa công bố ra mắt thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Đây là những địa phương có vùng chuyên canh sầu riêng cho sản lượng hàng hóa lớn, đóng góp quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới nông nghiệp - nông dân - nông thôn ở địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.