Giải diễn ra từ 2 đến 18/2, trong đó, môn bơi sẽ khởi tranh ngày 11/2 tới (mùng 2 Tết). Để chuẩn bị cho giải đấu này, "kình ngư" Nguyễn Huy Hoàng vừa kết thúc quá trình tập luyện tại Trung tâm HLTTQG Cần Thơ.
Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ: "Do tôi mới bình phục chấn thương vai sau ASIAD 2023 và mới trở lại tập luyện được khoảng một tháng nên các thầy cũng chỉ áp dụng giáo án ở mức độ trung bình, e ngại chấn thương tái phát.
Một ngày tôi tập hai buổi sáng (từ 7 giờ đến 10 giờ), chiều (từ 14 giờ đến 17 giờ) và bơi khoảng 7-8km.
Thể trạng của tôi lúc này đã đạt khoảng 90% nhưng cũng không đặt áp lực hay mục tiêu gì tại giải vô địch thế giới, chỉ cố gắng thể hiện hết khả năng.
Tôi đã có chuẩn A dự Olympic Paris 2024 nội dùng 800m tự do và nếu tại giải vô địch thế giới đạt chuẩn 1500m tự do thì tốt. Còn nếu không, tôi còn cơ hội tại các giải quốc tế trong tháng 3, tháng 4.
Nếu tới Olympic Paris 2024 tôi đạt được thể trạng tốt nhất và "điểm rơi" phong độ thì mừng quá!".
Nguyễn Huy Hoàng cho biết, ngày 8/2 (29 Tết) anh đã cùng ĐT bơi Việt Nam di chuyển sang Qatar để chuẩn bị bước vào thi đấu.
"Đây là lần đầu tiên tôi xuất ngoại vào dịp Tết Nguyên đán. Nhà tôi nuôi cá nên những năm trước đây khi có dịp về nhà dịp Tết thì thường phụ giúp gia đình mang cá ra chợ bán. Có năm thì cùng cha mẹ gói bánh chưng, làm mâm cỗ cúng gia tiền, đi thăm hỏi họ hàng...
Năm nay, tôi cũng có một vài dự định ví dụ như tiếp tục đi làm từ thiện ở quê hương mình như đã kết hợp với chị Lâm Oanh (tuyển thủ bóng chuyền nữ Việt Nam) làm năm ngoái. Nhưng lịch thi đấu như vậy rồi, đành gác lại sang năm sau.
Cha mẹ tôi cũng đã động viên tôi tập trung hết sức cho chuyên môn, mọi việc ở nhà đều ổn không phải lo lắng gì nhưng thực lòng, tôi cũng có chút suy nghĩ... Dù sao mình cũng xa nhà cả năm rồi, và sau giải vô địch thế giới sẽ lại tiếp tục tập trung, thi đấu các giải trong tháng 3, tháng 4 để chuẩn bị tốt nhất cho Olympic chứ không được về nhà".
Tính tới trước Olympic Paris 2024, chưa có một VĐV bơi lội nào có thể lọt tới lượt bơi chung kết Olympic. "Kình ngư" Nguyễn Thị Ánh Viên (dự hai kỳ Olympic 2016 và Olympic 2020) và bản thân Nguyễn Huy Hoàng cũng chưa thể làm được điều đó tại Olympic Tokyo 2020.
"Năm 2021, tôi đã không thể vượt qua chính mình tại Olympic Tokyo. Tuy nhiên, tôi cũng không cảm thấy nản lòng bởi thông số thành tích tại Nhật Bản (15 phút 00 giây 24 nội dung 1.500m tự do và 7 phút 54 giây 16 nội dung 800m tự do – PV) vẫn chấp nhận được trong điều kiện chỉ biết "tập chay" trong nước, không được ra nước ngoài tập huấn, thi đấu cọ xát vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tới ASIAD 2023, tôi đã giành được hai HCĐ 800m và 400m tự do. Đặc biệt, thông số 7 phút 51 giây 44 đã giúp tôi đạt chuẩn A dự Olympic Paris 2024. Thông số này vẫn kém thành tích tốt nhất mà tôi có được với tấm HCV Olympic trẻ thế giới 2018 (Argentina, 7 phút 50 giây 20) nhưng cũng giúp tôi giải tỏa áp lực, tự tin hơn hướng tới kỳ Thế vận hội thứ hai trong sự nghiệp", Nguyễn Huy Hoàng bộc bạch.
Để có thể lọt vào lượt bơi chung kết 800m tự do nam Olympic 2024, Nguyễn Huy Hoàng phải rút ngắn được thành tích xuống 7 phút 47 giây (VĐV xếp thứ 8 vòng loại giành suất cuối cùng vào chung kết 800m tự do Olympic Tokyo 2020 là Gregorio Paltrinieri (Italia) với thông số 7 phút 47 giây 73 – PV).
"Từ nay tới ngày Olympic 2024 khởi tranh, tôi chỉ biết nỗ lực hết sức từng ngày, từng ngày. Không chỉ tập dưới nước đâu mà trong từng bữa ăn cũng phải cố. Nhiều hôm tập về rất mệt nhưng vẫn phải cố ăn để nạp đủ năng lượng, đủ sức tập luyện.
Mốc thành tích 7 phút 47 ở nội dung 800m tự do là rất khó nhưng tôi hy vọng với quyết tâm của mình, tôi sẽ chinh phục được mục tiêu".
Ngoài việc tập trung hết sức cho chuyên môn, Nguyễn Huy Hoàng còn tranh thủ hai ngày thứ 7, Chủ Nhật hàng tuần được nghỉ hồi phục để theo học năm thứ nhất khoa Giáo dục thể chất Đại học Cần Thơ. Khi Dân Việt gợi chuyện dịp nghỉ Tết năm nay (mùng 5 Tết) cũng là ngày lễ tình yêu Valentine 14/2, Huy Hoàng mới nhớ và cười nói: "May anh nhắc tôi mới nhớ đấy, chứ không là quên luôn rồi!".