Cũng như cây chè tổ Shan Tuyết trên suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) mà tuổi đời thuộc hàng “đại lão cổ thụ”, vẫn tốt tươi để hiến cho đời một hương vị trà thơm tinh khiết không đâu bằng, cây mai vàng trên núi thiêng Yên Tử cũng vậy, hơn 700 năm tuổi vẫn đúng hẹn xuân về lại mãn khai vàng rực một góc trời...
Đã bao lần tôi đi miền Trung, khi xe qua khỏi Phan Rang, Phan Rí, nhìn bên phải, thấy biển xanh như ngọc bích và cánh quạt trụ điện gió kết thành dãy tít tắp theo bờ biển là biết đã tới Cà Ná.
Phải dừng xe để ăn cơm trưa vì dọc đường ra miền Trung, đây là điểm quán cơm đặc sản biển hấp dẫn khó bỏ qua!
Còn gì thú vị hơn khi cơm nước xong, ngã lưng lên võng ngắm một bên biển, một bên núi mà bên nào cũng bắt mắt.
Bãi biển Cà Ná sạch làu, nổi lên những khối đá do sóng biển tạo hình tuyệt đẹp cùng vô số mẫu san hô có thể trang trí trong tủ kiếng, đẹp khỏi chê!
Núi thì bày nhiều bậc đá mòn chân khách leo lên. Mùa xuân, núi nở tràn bông mai vàng.
Báo chí từng ngợi ca hai vùng rừng núi Cà Ná và Vĩnh Hảo (nay thuộc địa phận tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận), hễ xuân đến là rực rỡ sắc mai vàng...
Tự điển Địa danh đối chiếu Việt - Các dân tộc thiểu số miền Trung - Trường Sơn - Tây Nguyên và Nam Bộ, ở mục địa danh Vĩnh Hảo, chỉ rõ: “Lịch sử ghi nhận, năm 1292, sau khi thắng giặc Nguyên-Mông, để thể hiện tình đoàn kết, giao lưu, vua Trần Nhân Tông (1279-1293) đã ghé thăm Champa, được vua Chế Mân đưa đi thăm danh lam thắng cảnh Cà Ná và suối Vĩnh Hảo.
Mùa hạ năm Bính Ngọ (năm 1306), Chế Mân một lần nữa cũng đưa Huyền Trân công chúa đến nơi đây để thưởng ngoạn. Bởi nơi đây cảnh đẹp nên thơ…, có nhiều cây hoa mai vàng…
Mỗi độ xuân về, hoa mai nở rộ vàng cả núi… Tương truyền ngày xưa, khu vực này là vườn thượng uyển của vua Champa”.
Nếu vậy, vua Trần Anh Tông sau khi nối ngôi vua cha, đã lập “Ngũ bách lan viên” (vườn 500 loài lan) từng làm say đắm bao nhiêu lượt sứ thần đến từ các nước lân bang, không biết có lần nào vua con đưa Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đến vườn ngự uyển 500 loài lan quý của mình thưởng lãm hay không mà không thấy sách sử ghi?
Còn với vườn thượng uyển mai vàng năm cánh của vua Champa Chế Mân thì trên đường vân du của nhà sư - Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đã đến thưởng lãm phải chăng là từ “mối lương duyên” vương quốc Champa đã tham gia đánh giặc Nguyên Mông với nhà Trần?
Sử ghi, năm Giáp Thân (năm 1284), vua Nguyên sai con trai là Thoát Hoan cùng các tướng Toa Đô, Ô Mã Nhi,... dẫn 50 vạn thủy quân đi tàu thuyền thẳng vào cửa đầm Thị Nại (Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).
Quân Champa đã lập mưu dụ quân Nguyên vào đầm rồi đóng các cửa hiểm yếu, chặn lại. Toa Đô đánh mãi không thủng vì quân Champa kháng cự quyết liệt, phải bỏ Thị Nại theo đường bộ chạy ra tới Nghệ An, dọc đường bị quân và dân ta chặn đánh, phải chạy ra Bắc, rồi bị quân nhà Trần tiêu diệt gọn tại trận Tây Kết.
Cảm kích mối liên hệ ấy mà vua Trần Nhân Tông sau khi nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông thì lên núi Yên Tử lập am tu tập.
2 năm sau, nhà sư - Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông bắt đầu cuộc vân du vào đất Champa để thắt chặt mối giao hảo giữa vua Trần với vua Chế. Đồng thời, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông còn hứa gả Huyền Trân công chúa cho vua Chế Mân; Chế Mân lấy hai châu Ô, Ri làm sính lễ dâng cho Đại Việt để cưới công chúa Huyền Trân.
Sách Một mối tơ vương của Huyền Trân công chúa của Hòa thượng Thích Như Điển có viết: “Trong thời gian ở chơi Champa, Trần Nhân Tông đã được Chế Mân đưa đi khắp đất nước Chiêm Thành, đến tận Phan Rang, Phan Rí”.
Ở chương IX của sách viết về Huyền Trân, ghi: “Họ đã thăm vườn hoa nổi tiếng Mai uyển gồm nhiều loại mai như bạch mai, hoàng mai, hồng mai. Mai uyển tọa lạc trên vùng đất giao thoa giữa núi rừng và biển cả (…).
Gần vườn mai nhiều màu sắc này còn có con suối Vĩnh Hảo cho nước khoáng tươi mát, ngọt ngào (…). Khi mùa xuân đến, hoa mai nhiều màu đã nở rộ. Chế Mân và Hoàng hậu (Huyền Trân công chúa) thường đến nơi đây để thưởng lãm”.
Địa chí tỉnh Bình Thuận có ghi: “Suối Vĩnh Hảo tục truyền là “suối tiên”, vào thế kỷ XIV, vua Chàm là Chế Mân và Hoàng hậu người Việt là Huyền Trân công chúa (con vua Trần) thường đến ngự du và tắm nước suối ở đây”.
Vườn Mai uyển gắn với vua Chế Mân và Hoàng hậu Huyền Trân còn đi vào thi ca. Bài thơ Hồn xuân của thi sĩ Chàm Chế Quốc Minh ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, nơi có suối nước khoáng Vĩnh Hảo, có đoạn: Quê hương tôi rũ bóng chiều tà/ Đứng bên tháp Po Dam đăm chiêu ngắm đoàn tàu Nam-Bắc/ Bên suối mát vườn Ngự Uyển Huyền Trân thưởng ngoạn, Chế Mân vui bên cánh Tứ Mai xuân.
Thi sĩ này giải thích: Tứ mai xuân là bốn loại mai nở vào mùa xuân, gồm: Hoàng mai, hồng mai, bạch mai và thanh mai, nhưng nay phổ biến vẫn là cây mai vàng phát triển tự nhiên trên đồi núi Vĩnh Hảo.
Báo chí từng ngợi ca hai vùng rừng núi Cà Ná và Vĩnh Hảo, hễ xuân đến là vàng rực sắc mai.
Cà Ná và Vĩnh Hảo là hai điểm du lịch mà sản phẩm níu chân du khách vẫn là mai vàng.
Khách du xuân lên núi ở hai vùng Cà Ná và Vĩnh Hảo để thưởng mai, ngây ngất với hương thơm của mai vàng kín đáo, dịu nhẹ và từng chùm năm cánh vàng rực vỗ vào không gian như ngàn vạn cánh bướm vàng tung bay trong gió.
Hy vọng, ngành Du lịch địa phương có giải pháp bảo vệ và phát triển rừng mai vàng mà trời đã ban cho từ bao thế kỷ trước - những cánh hoa như tạc hình bóng Trần Nhân Tông, một vị vua anh hùng đã lãnh đạo quân và dân nhà Trần ba lần đánh thắng quân Nguyên-Mông ở thế kỷ XIII-XIV, về sau là Đức Phật hoàng khai sáng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.