Làng cổ Quảng Yên ở Quảng Ninh qua các tư liệu quý, có bản đồ cổ về tỉnh Quảng Yên năm 1890

Thứ ba, ngày 13/02/2024 12:56 PM (GMT+7)
Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh ngày nay) là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa với nhiều làng xã cổ xưa, trong đó có nhiều tên đất, tên làng còn được sử dụng đến ngày hôm nay.
Bình luận 0

Quảng Yên xưa vốn là danh xưng của một tỉnh, là vùng đất rộng lớn gồm có 6 tổng: Hà Bắc, Hà Nam, Dưỡng Động, Trúc Động, Bí Giàng và Vạn Yên, chia ra làm 42 làng. Trong đó, tổng Hà Bắc gồm có các làng: Yên Hưng, La Khê, Quỳnh Lâu, Khê Chanh, Động Linh, Bùi Xá, Hoàng Lỗ, Khoái Lạc, Yên Lập và Yên Cư. Tổng Hà Nam gồm có: Hưng Học, Hải Yến, Cẩm La, Yên Đông, Phong Cốc, Trung Bản, Quỳnh Biểu, Lưu Khê, Vị Dương. 

Làng cổ Quảng Yên ở Quảng Ninh qua các tư liệu quý, có bản đồ cổ về tỉnh Quảng Yên năm 1890- Ảnh 1.

Bản đồ tỉnh Quảng Yên, một bản đồ cổ có từ năm 1890. Ảnh: Tư liệu

Tổng Dưỡng Động gồm các làng: Dưỡng Động, Tràng Kênh, Gia Đức. Tổng Trúc Động gồm có các làng: Trúc Động, Mai Động, Liệt Xã, Mỹ Liệt, Viên Khê, Thụ Khê, Thiểm Khê, Đạo Tú, Quỳ Khê. Tổng Bí Giàng gồm có: Bí Giàng, Lạc Thanh, Hạ Mộ Công, Điền Công, Như Ý Trung, Như Ý Thượng, Nam Mẫu, Thượng Mộ Công. Và tổng Vạn Yên gồm có: Vạn Yên, Trúc Võng, Tiêu Dao, Đại Đán.

Sau này, danh xưng Quảng Yên thành tên thị trấn của huyện Yên Hưng, hiện nay là tên của thị xã. Quảng Yên hiện nay gồm 2 phần Hà Nam và Hà Bắc. 

Riêng đảo Hà Nam hiện nay có 8 xã, phường với trên 6 vạn dân, xưa kia là một bãi triều lớn ở cửa sông Bạch Đằng. Đầu thế kỷ 15, có 6 nhóm Tiên công và các cư dân đến quai đê lấn biển, lập làng. Trong đó có 17 vị Tiên công quê ở huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, thành Thăng Long. 

Họ đều là những người lao động sống chủ yếu bằng canh nông, đánh cá ven hồ bên sông Kim Ngưu xưa. 

Vua Lê Thái Tổ đã cho phép cư dân trong vùng đi tìm đất hoang lập làng mới ở bất cứ đâu và được miễn thuế trong thời gian đầu cày cấy. 17 vị Tiên công đem theo gia đình đã xuôi dòng sông Hồng ra cửa Bạch Đằng dừng thuyền cắm đất, làm nghề chài lưới đánh bắt cá tôm.

Sau tìm ra nguồn nước ngọt mới khẩn hoang thành ruộng lúa, lập làng vừa trồng lúa vừa đánh bắt hải sản. 

Đầu tiên, các vị Tiên công lập ra xã Bồng Lưu sau đổi thành Phong Lưu, gồm 3 thôn Phong Cốc, Cẩm La, Yên Đông. Sau còn có thêm 2 vị Tiên công là Hoàng Nông, Hoàng Nênh người từ Trà Lũ, Nam Định cũng xuống khai hoang lập làng ở vùng này, dần hình thành làng đảo Hà Nam.

Nhân dân vùng tứ xã đã tưởng nhớ công lao của 19 vị Tiên công nên cho dựng miếu thờ ở trung tâm đảo Hà Nam, nay thuộc địa phận xã Cẩm La, gọi là miếu Thập cửu Tiên Công. 

Hằng năm, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội Tiên công từ 5 đến 7 tháng Giêng với nghi lễ rước người sống, đấu vật, đắp đê và các trò chơi dân gian độc đáo vùng sông nước. Lễ hội đã được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. 

Ngoài miếu ở Cẩm La thì nhân dân thôn Trung Bản, xã Liên Hòa cũng lập miếu riêng để thờ nhị vị Tiên công là cụ Hoàng Nông và Hoàng Nênh. Ở Hiệp Hòa, bên phía Hà Bắc cũng có lễ hội Tiên công, tổ chức sớm hơn thường lệ.

Làng cổ Quảng Yên ở Quảng Ninh qua các tư liệu quý, có bản đồ cổ về tỉnh Quảng Yên năm 1890- Ảnh 4.

Đoạn đường Minh Thành dẫn lối về Quảng Yên xưa kia. Ảnh: Tư liệu.

Hiện nay, Quảng Yên là tên của thị xã gồm phần đất của 2 tổng xưa là Hà Nam và Hà Bắc với địa phận 20 làng cổ là: Phong Cốc, Cẩm La, Yên Đông, Trung Bản, Lưu Khê, Vị Dương, Vị Khê, Quỳnh Biểu, Hải Yến, Hưng Học, Yên Hưng, Yên Trì, Quỳnh Lâu, Khê Chanh, La Khê, Bùi Xá, Hoàng Lỗ, Động Linh, Yên Lập, Khoái Lạc. Riêng làng Điền Công sau này đã chuyển sang địa phận TP Uông Bí.

Một số tên làng đã đổi thành tên xã, phường, như: Phong Cốc, Cẩm La. Một số tên làng thành tên thôn, khu phố, như: Hưng Học, Vị Dương, Yên Đông, Trung Bản, Khê Chanh, Khoái Lạc, Yên Lập, Động Linh, La Khê.

Làng cổ Quảng Yên ở Quảng Ninh qua các tư liệu quý, có bản đồ cổ về tỉnh Quảng Yên năm 1890- Ảnh 5.

Miếu Tiên công ở xã Cẩm La (tỉnh Quảng Yên) những năm đầu thế kỷ XX. Ảnh: Tư liệu

Mỗi làng đều có một ngôi đình cổ kính gắn bó với một ngôi đền hoặc miếu thờ thành hoàng. Và năm nào các làng cũng mở hội ở đình làng. 

Hiện nay, chỉ có số ít trong số 21 làng cổ xưa kia còn mở hội. Hiện chỉ còn 11 ngôi đình đã được kiểm kê xếp hạng là đình Cốc, đình Lưu Khê, đình Yên Giang, đình Trung Bản, đình Hải Yến, đình Hưng Học, đình Đông Đình, đình Khoái Lạc, đình Quỳnh Biểu, đình Động Linh và đình Quỳnh Lâu.

Theo ông Lê Đồng Sơn, nguyên Trưởng Phòng VHTT TX Quảng Yên, (tỉnh Quảng Ninh) đình làng ở Quảng Yên ra đời từ khá sớm, có lẽ từ thế kỷ XV. 

Lý do để đưa ra nhận định đó là bia chia ruộng ở đình Trung Bản, được khắc vào năm Hồng Đức thứ 26 (1495), ghi lại việc đo đạc chia ruộng đất, đê lộ, nhân khẩu của các xã đảo Hà Nam của vua Lê Thánh Tông vào các năm 1471 và 1490. 

Các đình làng còn giữ được nhiều thần tích, thần sắc, văn bia, câu đối, đại tự, đồ thờ tự có giá trị. Ngoài đình làng còn có nơi xây được miếu, văn chỉ khắc văn bia để ghi lại việc đỗ đạt của con cháu trong làng xã.

Phạm Học (Báo Quảng Ninh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem