Mỗi năm, Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng bốn tháng đồng ruộng ngâm trong mùa nước nổi. Sau khi thu hoạch lúa hè thu, nước lũ về dâng ngập nhiều cánh đồng, nông dân tiến hành bao lưới để nuôi cá trên ruộng.
Đây đang là mô hình được nhiều bà con lựa chọn thay vì làm lúa vụ 3 kém hiệu quả hoặc bỏ đồng trống.
Thường mùa nước nổi sẽ bắt đầu từ cuối tháng 7, đầu tháng 8, nước lũ từ thượng nguồn tràn về mang theo phù sa bồi đắp cho ruộng đồng, tạo ra hệ sinh thái ngập nước để tôm, cá sinh sôi phát triển.
Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, năm nay, nước lớn, cá nuôi trong ruộng không chỉ đạt năng suất cao mà giá bán cũng khá hấp dẫn.
Là vùng trũng nên mùa lũ về, nông dân xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang không thể sản xuất lúa vụ 3 mà phần đông bà con chuyển sang nuôi cá ruộng.
Năm nào cũng vậy, cứ thu hoạch xong lúa hè thu, thấy nước bắt đầu lên là gia đình chị Nguyễn Thị Lai ở ấp 6, xã Hòa Mỹ lại đầu tư hơn bốn triệu đồng để thả hơn 50 kg cá giống cho diện tích đất gần 4 ha. Năm nay, nước lớn nên tỷ lệ đầu con và năng suất cá đều đạt hơn so với mọi năm.
Gia đình vừa thu hoạch xong hơn nửa diện tích, đạt gần một tấn/ha, trừ hết chi phí còn lãi gần 10 triệu đồng/ha.
Người dân tỉnh Hậu Giang thu hoạch cá nuôi trong ruộng lúa mùa nước nổi.
Chạy chiếc vỏ lãi (thuyền máy) đầy ắp các loại cá tra, điêu hồng, cá chép tươi rói từ ruộng cập bờ, chị hối hả cùng mọi người khiêng từng sọt cá to vào; rồi vừa chế biến cá, vừa vui vẻ trò chuyện khi những giọt mồ hôi còn đọng trên gương mặt hồ hởi.
Chị Lai bảo, năm nay nước cao, gia đình nào giữ được cá trong ruộng thì hầu như đều trúng mùa, bình quân cũng kiếm được hai tấn cá, giá bán thì cao hơn mọi năm nên thu nhập cũng khá…
Sở dĩ nông dân huyện Phụng Hiệp chọn mô hình nuôi cá ruộng thay lúa vụ 3 vì vụ này sản xuất khá trễ, từ thời điểm gieo sạ đến thu hoạch thường gặp bất lợi bởi thời tiết.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Tuấn cho biết, nuôi cá trong ruộng lúa chi phí thấp, chỉ cần đầu tư con giống và thức ăn giai đoạn đầu mới thả, khi nước lũ lên để cá vào tự nhiên rồi khoanh lưới.
Người nuôi chỉ mua lưới bao quanh ruộng của mình để cá không thoát qua ruộng khác, không cần tốn chi phí thức ăn bởi cá tận dụng nguồn rơm rạ, vi sinh vật trên đồng để tăng trưởng. Vừa gia tăng về kinh tế, vừa vệ sinh đồng ruộng cho vụ lúa tiếp theo.
Với diện tích thả nuôi hơn 3.875 ha, đến nay nông dân huyện Phụng Hiệp đã thu hoạch được hơn 1.000 ha, năng suất bình quân đạt một tấn/ha, cao hơn 300 kg so với năm trước.
Năm nay, nước lũ về sớm và cao hơn mọi năm nên lượng thức ăn dồi dào, cá đạt năng suất cao, giá bán cũng ổn định nên thu nhập rất lớn. Hiện các loại cá ruộng được thương lái thu mua bình quân cao hơn năm trước khoảng năm nghìn đồng/kg. Doanh thu mùa cá ruộng ở Phụng Hiệp ước đạt hơn 46 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước.
Trước đây, tại các vùng trũng như các huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ của tỉnh Hậu Giang mỗi khi đến mùa nước nổi, nông dân sản xuất vụ lúa thu đông kém hiệu quả nên thường bỏ đồng trống.
Mấy năm nay, sau khi thu hoạch lúa hè thu, bà con tiến hành mua cá giống về thả trước trong mương vườn khoảng một tháng để cho cá làm quen với môi trường tự nhiên và đủ lớn trước khi thả ra ruộng.
Cách làm này sẽ giúp hạn chế tối đa tỷ lệ hao hụt cá giống. Sau đó, đợi đến khi con nước lũ bắt đầu về làm ngập các cánh đồng lúa chét (loại lúa lên tự nhiên sau khi thu hoạch), bà con thả cá giống ra ruộng để nuôi.
Ngoài một số loài cá giống như: cá trê, chép vàng, mè hoa, chim trắng, sặc rằn..., nông dân còn dẫn dụ cá rô, cá lóc ngoài tự nhiên vào đồng ruộng để nuôi nhằm tăng số lượng loài và sản lượng khi thu hoạch. Trung bình 1.000m2 đất ruộng sẽ thả nuôi từ 2-3 kg cá giống, sau khoảng ba tháng là thu hoạch với năng suất từ 50 đến 60 kg cá thương phẩm.
Ngoài hiệu quả kinh tế, nuôi cá ruộng mùa nước nổi còn làm tăng độ phì nhiêu cho đất, cá sẽ tận diệt hết các loại rong rêu, côn trùng trên đồng ruộng để làm thức ăn, góp phần vệ sinh đồng ruộng, hạn chế được các loại cỏ dại trong mùa nước, giảm chi phí đầu tư cho vụ lúa tiếp theo.
Trung bình, người nông dân nuôi cá trên ruộng có thể tiết kiệm được hơn một triệu đồng trên 1 ha tiền làm đất và cỏ dại trong vụ sản xuất tiếp theo.
Sản xuất theo hướng song hành cùng tự nhiên đang là xu hướng phổ biến của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Tùy vào điều kiện tự nhiên của từng vùng, từng khu vực mà bà con có mô hình sản xuất phù hợp nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập.
Với những hiệu quả về kinh tế, cải tạo đất cũng như giảm thiểu rủi ro từ yếu tố thiên nhiên, nuôi cá ruộng mùa nước nổi ở các địa phương tại Hậu Giang đang dần khẳng định là một mô hình sản xuất lý tưởng, biết dựa vào thiên nhiên để tạo nguồn thu nhập ổn định.
Năm nay, để khuyến khích nông dân phát triển nghề nuôi cá trong ruộng lúa, tỉnh Hậu Giang đã có kế hoạch hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân xây dựng các mô hình nuôi thủy sản.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt Kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất rau màu, nuôi thủy sản trên ruộng lúa năm 2023; đồng thời cho chủ trương hỗ trợ phát triển mô hình sản xuất rau màu, nuôi cá trên ruộng lúa theo hướng nâng cao giá trị gắn với liên kết cộng đồng.
Tổng kinh phí hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình theo kế hoạch này là gần 32,4 tỷ đồng, trong đó riêng hỗ trợ nuôi thủy sản trên ruộng lúa gần 30 tỷ đồng; đầu tư phát triển diện tích nuôi cá ruộng là 7.500 ha.
Ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng mô hình nuôi thủy sản trên ruộng lúa mẫu có hiệu quả cao để người dân học tập thực tế, nhân rộng trong sản xuất; ưu tiên các mô hình nuôi liên kết với tiêu thụ sản phẩm, nhất là liên kết trực tiếp giữa người nuôi và cơ sở chế biến, tiêu thụ; chú trọng tạo sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trưởng trạm Khuyến nông huyện Long Mỹ Lâm Văn Việt cho biết, trạm đã tham mưu phòng nông nghiệp tỉnh xin hỗ trợ các hợp tác xã 50% kinh phí đầu tư con giống; thường xuyên cử cán bộ tập huấn kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh; tìm hiểu thị trường, chọn đơn vị thu mua giúp ổn định đầu ra…