Hồ Hòa Bình là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á. Việc ngăn dòng sông Đà hung dữ để xây dựng công trình thế kỷ - Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã hình thành hồ chứa nước ngọt khổng lồ với diện tích mặt nước trên 8.890 ha, dung tích trên 9 tỷ m3 nước.
Hồ Hòa Bình có khu hệ sinh vật thủy sản rất đa dạng, phong phú với 123 loài thuộc 79 giống, 19 họ. Trong đó có nhiều loài quý hiếm, giá trị kinh tế cao và có ý nghĩa về nghiên cứu khoa học.
Với hồ thủy điện rộng lớn, Hòa Bình là 1 trong 5 tỉnh có tiềm năng lớn nhất cả nước về phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa.
Thực tế, hàng chục năm qua, nghề nuôi thủy sản trên hồ Hòa Bình phát triển mạnh đem lại thu nhập cho khoảng 2 nghìn hộ dân.
Sản phẩm cá sông Đà đã và đang được người tiêu dùng đánh giá cao. Đặc biệt, nhắc đến cá sông Đà người tiêu dùng không chỉ ấn tượng vì chất lượng sản phẩm, mà còn hình dung ra những con cá có kích thước lớn.
Con cá trắm đen nuôi trên hồ Hoà Bình nặng 30kg được doanh nghiệp đấu giá tại chương trình khai mạc Lễ hội cá tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất, năm 2023.
Ông Nguyễn Văn Mạnh là người con ở đất Mường - phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình). Tuổi thơ của ông đã gắn bó với dòng sông Đà, đặc biệt là những lần ra sông đánh bắt cá.
Ông Mạnh từng được chứng kiến cha, ông bắt được những con cá khủng nặng vài chục kg từ dòng sông Đà. Đó là những con cá trắm đen, cá chiên nặng đến chục cân với vẻ ngoài gồ ghề như khúc gỗ, hay những con cá chép, cá măng, mè với kích thước khủng.
Thế nhưng, vào cuối tháng 10/2023, ông Mạnh và nhiều người dân đã không thể rời mắt khi được "mục sở thị” con cá trắm đen và cá lăng đuôi đỏ có trọng lượng lần lượt là 30kg, 20kg.
Hai con cá khủng này được hai doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản lâu năm trên hồ Thủy điệnHòa Bình đem đến đấu giá tại chương trình khai mạc Lễ hội cá, tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất.
Chương trình đấu giá 2 con cá khủng diễn ra hấp dẫn, thu hút nhiều người dân, doanh nghiệp tham gia. Kết thúc phiên đấu giá, con cá trắm đen nặng 30 kg của Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng HB được doanh nghiệp tại Hà Nội mua với giá 65 triệu đồng.
Còn cá lăng đuôi đỏ nặng 20kg của Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Cường Thịnh được bán với giá 50 triệu đồng.
"Những con cá trắm đen nặng từ 5 - 10kg hay cá rô, chép, lăng được nuôi trên hồ Hòa Bình hàng ngày bán nhiều ở ngoài chợ.
Nhưng với con cá lăng đuôi đỏ nặng đến 20 kg, cá trắm đen nặng 30 kg như này thì quả thực, đây là những con cá to nhất mà tôi được tận mắt chứng kiến”, ông Mạnh chia sẻ.
Gia đình ông Nguyễn Văn Chức, xóm Bích Trụ, xã Hoà Bình (TP Hòa Bình) là 1 trong khoảng 2 nghìn hộ dân đã gắn bó với nghề nuôi cá lồng hàng chục năm nay trên hồ Hoà Bình.
Hiện nay, gia đình ông duy trì nuôi 16 lồng cá, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 4 tấn cá. Riêng năm 2023, ông Chức bán ra thị trường hơn 4 tấn cá.
Ông Chức chia sẻ, hàng chục năm gắn bó với hồ Hoà Bình, ông đã nhiều lần "chạm mặt” những con cá có kích thước khủng ở ngoài tự nhiên. Từ phát triển nghề nuôi cá lồng, bản thân ông Chức từng sở hữu những con cá có kích thước khủng.
Đó là con cá trắm đen nuôi hơn 3 năm với cân nặng 12 kg hay con cá lăng nặng 8 kg. Ngoài ra còn cá rô phi, cá chép được ông so sánh có chiều ngang bằng lá chuối rừng.
"Đối với cá trắm đen, sau 2 năm nuôi mới xuất bán với cân nặng từ 7 - 8kg; cá lăng cũng vậy, cùng thời gian nuôi nhưng cân nặng chỉ đạt từ 2 - 3kg. Gia đình tôi và các hộ nuôi, hầu hết đều nuôi bằng cỏ, ngô, sắn vì nếu nuôi bằng cám thì chi phí rất cao, tính ra thua lỗ”, ông Chức nhấn mạnh.
Với nghề nuôi cá lồng phát triển ổn định, hằng năm, Hòa Bình cung cấp ra thị trường hàng nghìn tấn cá. Trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản có đóng góp tỷ trọng khá cao trong tăng trưởng của ngành, trong đó chủ yếu là nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình.
Theo đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, hiện nay, toàn tỉnh có gần 2,7 nghìn ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, với 4.987 lồng nuôi cá, sản lượng 9.750 tấn. Hơn 2 năm trở lại đây, nghề nuôi cá lồng phát triển khá ổn định với đầu ra thuận lợi.
Đặc biệt, sau Lễ hội cá, tôm sông Đà tỉnh Hoà Bình lần thứ nhất được tổ chức, việc liên kết, tiêu thụ các sản phẩm cá sông Đà ngày càng thuận lợi.
Với việc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu "Cá sông Đà - Hòa Bình” và "Tôm sông Đà - Hòa Bình” đã tạo điều kiện để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh các hộ dân, trên hồ thủy điện Hòa Bình đã có một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống lồng bè nuôi tiên tiến, nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh một số loài cá đặc sản.
Đáng chú ý, đã có 2 doanh nghiệp nuôi cá lồng, bè trên hồ Hoà Bình kết hợp chế biến. Đó là Công ty TNHH Dịch vụ và xây dựng Cường Thịnh, với sản phẩm cá rô phi sông Đà fillet và cá lăng fillet. Trong đó, sản phẩm cá rô phi sông Đà fillet đã được chứng nhận OCOP 4 sao vào năm 2019.
Ngoài ra, Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng HB đã chế biến sản phẩm ruốc cá trắm đen, cá lăng vàng và cá lăng đen. Các sản phẩm này cũng đã được chứng nhận OCOP 4 sao vào năm 2020.
Năm qua, tại Hội nghị toàn quốc về phát triển thủy sản hồ chứa do Bộ NN&PTNT tổ chức tại TP Hòa Bình, lãnh đạo Công ty TNHH Thuỷ hải sản Hải Đăng HB đã chia sẻ những nỗ lực trong xây dựng thương hiệu cá sạch sông Đà.
Theo đó, công ty đã đầu tư nuôi trên 200 lồng cá và liên kết với 7 thành viên để thành lập HTX cá sạch Bảy Tuyển. Trong quá trình sản xuất, HTX đã nuôi theo quy trình VietGAP nhằm hướng tới sản phẩm sạch, lấy chất lượng đặt lên hàng đầu.
Trong quy trình chăn nuôi, cá giống được nuôi hoàn toàn bằng cám dinh dưỡng chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ từ các công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi uy tín. Khi cá đạt trọng lượng từ 1 kg trở lên, khẩu phần ăn sẽ có 80% là cá tự nhiên như: tép dầu, cá mương.
Ngoài ra, cá sẽ được bổ sung các chất dinh dưỡng như vitamin C, khoáng, vitamin tổng hợp và đặc biệt là men tỏi nhằm ngăn ngừa mầm bệnh.
Với nguồn nước sạch và những nỗ lực của người dân, doanh nghiệp trong nuôi trồng là điều kiện thuận lợi để tạo ra các sản phẩm cá, tôm sạch, chất lượng cao. Bên cạnh đó, Hòa Bình cũng chú trọng phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản kết hợp với du lịch.
Đi thuyền trên lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình được ngắm nhìn phong cảnh núi sông kỳ vỹ, ghé thăm các điểm du lịch tâm linh, các bản du lịch cộng đồng, rồi thăm nghề nuôi cá lồng hàng chục năm với những con cá "khủng”.
Đó sẽ là trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến với hồ Hòa Bình, hồ chứa nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á.