Ngoài những cánh đồng thẳng cánh cò bay, huyện Vũ Thư có nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Hồng Phong, làng nghề thêu truyền thống ở xã Minh Lãng, các nông sản đặc trưng như cốm Thanh Hương, lạc đỏ, nếp cái hoa vàng làng Keo, bánh cuốn Thuận Vi...
Đây cũng là vùng đất có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể quý giá như chùa Keo và lễ hội chùa Keo, chiếu chèo Sáo Đền...
Sự đa dạng, độc đáo này góp phần thuận lợi để phát triển du lịch của huyện Vũ Thư.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phát triển du lịch ở địa phương hiện chưa xứng với tiềm năng, lợi thế; hạ tầng phục vụ phát triển du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu, việc quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch chưa thường xuyên; quản lý du lịch chưa chuyên nghiệp.
Để khắc phục hạn chế, khai thác tiềm năng, hướng tới mục tiêu chiến lược đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, ngày 13/4/2023, UBND huyện Vũ Thư ban hành Kế hoạch số 64/KH-UBND về phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch huyện Vũ Thư giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngày 20/11/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Vũ Thư ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU về phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, thương mại, dịch vụ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện.
Ông Nguyễn Quang Anh, Bí thư Huyện ủy Vũ Thư cho biết, thông qua hoạt động du lịch sẽ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị của nông sản, sản phẩm làng nghề truyền thống, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Chúng tôi đã xây dựng lộ trình cụ thể, đặt ra mục tiêu lớn và chi tiết, trong đó phấn đấu đến năm 2025 đón trên 110.000 lượt khách, đến năm 2030 đón trên 140.000 lượt khách du lịch đến với Vũ Thư.
Để thực hiện mục tiêu này, huyện xác định cần có sự chung tay vào cuộc của toàn Đảng bộ, các đơn vị, địa phương, các tầng lớp nhân dân, có đầu tư lớn về sức người, sức của và quyết tâm, kiên trì thực hiện.
Đến nay, huyện đã và đang triển khai công tác quy hoạch, kêu gọi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; xây dựng phát triển sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm ẩm thực, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề có giá trị cao và phục vụ phát triển du lịch. Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, huyện sẽ từng bước hình thành và mở rộng một số vùng sản xuất theo hướng có thể tổ chức thực hành nông nghiệp để phục vụ du lịch trải nghiệm.
Mặc dù mang đậm sắc thái của vùng nông thôn Bắc Bộ, làng vườn Bách Thuận (Vũ Thư) vẫn mang những nét đặc trưng riêng ít nơi có được như không gian xanh, những ngôi nhà cổ tạo cảm giác yên bình, những món quà bánh quê hấp dẫn...
Đây thực sự là điểm đến mà nhiều du khách, nhất là du khách thành phố muốn có cơ hội để trải nghiệm, nghỉ ngơi, thư giãn, khám phá. Đây cũng là lý do huyện Vũ Thư sớm xác định làng vườn Bách Thuận là 1 điểm du lịch trong hệ thống tuyến du lịch trải nghiệm của huyện.
Ông Nguyễn Kim Sáu, Chủ tịch UBND xã Bách Thuận cho biết: Sản xuất cây hoa, cây cảnh đơn thuần đã khó, gắn phát triển nông nghiệp, nông thôn với hoạt động du lịch, thu hút du khách càng khó hơn. Điển hình, hiện nay chúng tôi muốn xây dựng 1 tour du lịch trải nghiệm tại làng vườn gồm: đạp xe, tham quan các nhà vườn cây cảnh, vườn hoa, tham quan nhà cổ, trò chuyện, giao lưu với người dân địa phương, thưởng thức các loại quà bánh tại chợ quê, nghỉ ngơi tại homestay làng vườn...
Để làm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chúng tôi sẽ phải tính toán từng chi tiết: du khách đến bằng phương tiện gì, để xe ở chỗ nào, ai là người đón tiếp, địa điểm tham quan cụ thể, hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa, ẩm thực của du khách...
Xã đã xây dựng đề án phát triển làng vườn sinh thái Bách Thuận; huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, cải tạo, chỉnh trang cảnh quan nông thôn, quy hoạch điểm trông giữ xe, nơi đón tiếp khách, góp phần phục vụ du lịch.
Nếu Bách Thuận có lợi thế về cảnh quan môi trường sinh thái thì Hồng Phong là địa phương có thế mạnh nghề trồng dâu nuôi tằm.
Chủ tịch UBND xã Hồng Phong Lê Mạnh Trường cho biết: Cách chùa Keo khoảng 2 - 3km, du khách rất thuận tiện để đến Hồng Phong, tiếp tục tour du lịch.
Ngoài thưởng thức đặc sản nhộng, tằm thương phẩm của địa phương, rất nhiều du khách có mong muốn được trực tiếp trải nghiệm ra ruộng hái lá dâu, cho tằm ăn, quay tơ, hái quả dâu chín... Do đó, chúng tôi đã và đang nỗ lực để thúc đẩy nghề trồng dâu, nuôi tằm gắn với phát triển du lịch.
Xã đang khai thác nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông trên cánh đồng dâu phục vụ du khách; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng sản xuất gắn với thực hiện dịch vụ du lịch cho người dân; giữ và nâng cao chất lượng, sản lượng nhộng tằm thương phẩm đạt chuẩn OCOP của xã.
Đặc biệt, chúng tôi đang tìm giải pháp sớm khôi phục nghề ươm tơ truyền thống đã bị mai một và biến mất hơn 10 năm nay nhằm đưa vào khai thác, phục vụ du lịch trải nghiệm hiệu quả hơn...
“Là nông dân, trước kia, chúng tôi chỉ quan tâm việc trồng dâu, nuôi tằm. Gần đây, chúng tôi bắt đầu học hỏi thêm kỹ năng đón tiếp, hướng dẫn du khách tham quan, trải nghiệm tại vườn dâu, quy trình nuôi tằm; giới thiệu, quảng bá sản phẩm nhộng tằm của quê hương, kết hợp vừa sản xuất vừa làm du lịch” - bà Trần Thị Bích Quyên, thôn Thái Phú Thọ, xã Hồng Phong chia sẻ.
Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, Vũ Thư không chỉ mong muốn giới thiệu, quảng bá, thu hút bạn bè, du khách đến với một vùng quê trù phú, tốt tươi, người dân hiếu khách mà còn hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đồng thời gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ đã được lưu giữ qua hàng nghìn năm lịch sử.