Dân Việt

Con vật hiền khô quý như vàng, dân một nơi ở Quảng Ninh ví như "lộc trời ban", đào lên bán đắt hàng

Sá sùng là loài hải sản ngon, bổ dưỡng, phân bố tại một số vùng biển tỉnh Quảng Ninh, trong đó con sá sùng nhiều nhất ở 2 xã đảo Quan Lạn và Minh Châu của huyện Vân Đồn. Tết đến, Xuân về, các sản phẩm sá sùng khô, nước mắm sá sùng Vân Đồn là đặc sản thượng hạng, món quà đậm chất truyền thống.

Con sá sùng do người dân biển Quảng Ninh đọc chệch từ sa trùng mà thành, nghĩa là con sâu sống trong cát. 

Chờ lúc thủy triều xuống, người dân lại vác mai đi đào loài sá sùng ở các bãi bồi ven biển. Sá sùng hiện có giá trị kinh tế lớn, phục vụ phát triển du lịch gắn với văn hóa con người nơi đây.

Một buổi chiều giữa tháng 12/2023, chúng tôi theo những người dân xã đảo Quan Lạn (huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) ra bãi biển đào sá sùng. 

Mỗi người vác một cái mai dài, đeo cái rổ bịt miệng bằng lưới, lững thững đi ra bãi Động để đào sá sùng. Trời rét, tiếng sóng xô bờ bãi cát, thủy triều rút dần, bãi bồi rộng hút tầm mắt. Từng nhóm từ 3-5 người vác mai cùng rổ đựng, đào sá sùng.

Chị Phạm Thị Hoãn (thôn Bấc, xã Quan Lạn) nói: "Hôm nay trời lạnh quá, mồi ẩn sâu hơn khó đào hơn trời ấm". Nói rồi chị xiên thẳng cái mai xuống miệng lỗ cát rồi hất lên. 

Lật đi lật lại không có con nào, chị tiếp tục xiên lỗ khác, bên trên. Một con sá sùng sậm màu nhô ra, định thụt vào hang ẩn mình, chị Hoãn lấy bàn chộp nhanh, kéo ra, cho vào rổ. 

Chị cho biết: “Sá sùng là loài tinh ranh. Đào lên, nhìn thấy nó phải chộp ngay, để nó chui xuống sâu khó bắt lắm...”.

Con vật hiền khô quý như vàng, dân một nơi ở Quảng Ninh ví như "lộc trời ban", đào lên bán đắt hàng- Ảnh 2.

Mỗi khi thủy triều xuống, người dân xã đảo Quan Lạn (huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) lại vác mai đi đào con sá sùng đặc sản.

Chị Trần Thị Thương (thôn Tân Phong, xã Quan Lạn) đang chăm chú quan sát những miệng lỗ để truy tìm sá sùng. 

Chị Thương cho biết, tổ sá sùng miệng lỗ của nó nhẵn, trơn, bên trên có viền cát giống bông hoa còn mới. 

Chi chỉ tay vào miệng lỗ và nhanh chóng cắm mũi mai mạnh xuống, dùng thêm sức của chân vừa đủ để sá sùng nếu có sẽ không bị đứt. Cái mai có lưỡi dài và bằng, được thiết kế riêng cho công việc đào sá sùng hàng ngày nên sáng loáng.

Trên bãi Động rộng lớn, có nhiều người cặm cụi đào sá sùng, tranh thủ thời gian từ 4-5 giờ đồng hồ trước khi thủy triều lên. 

Mỗi ngày một người có thể đào từ 1-2kg sá sùng tươi. Mang về chế biến hoặc bán cho các cơ sở chế biến sá sùng trên địa bàn, mỗi kg sá sùng tươi có giá khoảng 400.000 đồng.

Là cơ sở thu mua sá sùng trên địa bàn xã Quan Lạn, chị Vũ Bích Thảo (thôn Tân Phong) chia sẻ: Sá sùng sau khi đào về được rửa sạch, phân loại, lộn trái ruột rồi sấy khô. 

Sau đó con sá sùng khô cung cấp ra thị trường, chủ yếu bán cho nhà hàng, khách sạn trên địa bàn huyện Vân Đồn, TP Cẩm Phả, TP Hạ Long. Cơ sở của chị mỗi tháng cung cấp ra thị trường từ 20-30kg sá sùng khô, doanh thu khoảng 130-150 triệu đồng.

Con vật hiền khô quý như vàng, dân một nơi ở Quảng Ninh ví như "lộc trời ban", đào lên bán đắt hàng- Ảnh 4.

Sau khi người dân đi đào con sá sùng ngoài bãi triều ven biển về, sá sùng được làm sạch rồi đem sấy khô.

Trên địa bàn xã Quan Lạn hiện có khoảng 40 người khai thác sá sùng; mỗi tháng khai thác được khoảng 1,2 tấn sá sùng tươi; sá sùng khô chế biến khoảng 1,5 tạ (giá bán từ 5-6 triệu đồng/kg). Nguồn lợi từ khai thác sá sùng của xã mang lại doanh thu 6 tỷ đồng/năm.

Ông Ngô Duy Hưng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quan Lạn, cho biết: Sá sùng là hải sản có giá trị kinh tế cao, giúp người dân xã phát triển kinh tế. 

Xã hiện duy trì bảo tồn loài hải sản này, gắn với công tác bảo vệ môi trường; tuyên truyền người dân không khai thác tận diệt để đảm bảo số lượng sá sùng phát triển ổn định”.

Là địa phương đứng thứ 2 về sản lượng sá sùng (sau xã Quan Lạn), xã Minh Châu hiện có 25 người khai thác sá sùng, sản lượng bình quân khoảng 500kg sá sùng tươi/tháng, 60kg sá sùng khô/tháng, doanh thu gần 2 tỷ đồng/năm.

Trên địa bàn 2 xã hiện có 14 cơ sở chế biến sản phẩm sá sùng ( xã Quan Lạn 8 cơ sở, xã Minh Châu 6 cơ sở). Sau khi sá sùng khai thác về được các cơ sở thu mua chế biến tươi và khô, cung cấp ra thị trường.

Diện tích khai thác sá sùng của Vân Đồn hiện có khoảng 1.000ha, tập trung ở 2 xã Quan Lạn và Minh Châu. 

Huyện cùng chính các địa phương thực hiện lưu giữ bảo tồn, nghiên cứu, bổ sung nguồn giống sá sùng; kiểm soát khai thác gắn với bảo tồn. 

Sá sùng không chỉ là đặc sản quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này, nó còn là sản phẩm quan trọng phục vụ phát triển du lịch.

Ngoài Vân Đồn, một số bãi biển ở khu vực miền Đông của tỉnh cũng có sá sùng. Tuy nhiên trữ lượng không lớn và chất lượng dinh dưỡng không bằng sá sùng ở Vân Đồn.

Tết đến xuân về, sá sùng là món quà không phải ai cũng dám bỏ ra khoản tiền từ 5-6 triệu đồng để mua 1kg sá sùng khô.

Điều này cho thấy, sá sùng mang giá trị to lớn sản vật được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Vân Đồn nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.