Ở một hồ nước nhân tạo nổi tiếng Lai Châu, anh trai bản nuôi cá đặc sản gì mà lãi 300 triệu/năm?

Bình Minh Chủ nhật, ngày 18/02/2024 05:45 AM (GMT+7)
Từng bị gia đình ngăn cản khi đưa ra ý tưởng nuôi cá đặc sản trên lòng hồ thủy điện Huội Quảng, xã Ta Gia, huyện Than Uyên (Lai Châu), nhưng nay, Đỗ Anh Tuân (33 tuổi) là một trong những người có số lượng lồng nuôi cá lớn nhất huyện, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Cuối những năm 1980, bố mẹ Tuân rời quê ở Hưng Yên lên xã Ta Gia, huyện Than Uyên (Lai Châu) đi làm kinh tế. 

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất có nhiều đồng bào người Thái sinh sống, từ nhỏ, Tuân cũng biết đi rừng, bắt cá suối như những người dân bản địa. Tuân bảo, Than Uyên là quê hương thứ hai nên rất yêu con người và văn hóa nơi đây.

Tốt nghiệp cấp 3, Tuân không đi học tiếp mà lựa chọn lập nghiệp tại quê nhà. Sau thời gian đi làm thuê được vài năm, tích góp được một số vốn, Tuân lập gia đình và mở cửa hàng tạp hóa nhỏ.

"Em là người sống nội tâm, không thích sự ồn ào, trong khi đó, ở quê có nhiều nghề để phát triển bản thân, từ đó, em quyết định lựa chọn quê nhà là nơi khởi nghiệp", Tuân nói.

Ở một hồ nước nhân tạo nổi tiếng Lai Châu, anh trai bản nuôi cá đặc sản gì mà lãi 300 triệu/năm?- Ảnh 1.

Đỗ Anh Tuân (33 tuổi), xã Ta Gia, huyện Than Uyên, Lai Châu thu lãi 300 triệu đồng/năm từ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Huội Quảng. Ảnh: Bình Minh.

Nhà của Tuân nằm ngay cạnh lòng hồ thủy điện Huội Quảng, nắm được lợi thế đó, năm 2019, cậu bàn với gia đình sẽ nuôi cá lồng trên lòng hồ. Tuy nhiên, Tuân bị gia đình ngăn cản bởi chi phí đầu tư lớn, kinh nghiệm nuôi chưa có.

Giữa năm đó, cơ hội mở ra với Tuân khi anh được tham gia dự án của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên từ nguồn vốn của các chương trình: 30a/CP, nông thôn mới… huyện hỗ trợ người dân làm lồng với kinh phí 10 triệu đồng/lồng, cấp cá giống, hỗ trợ một phần thức ăn cho các hộ tham gia nuôi cá lồng.

Ngoài việc được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên hướng dẫn về kỹ thuật, Tuân cũng dành thời gian đi học hỏi nhiều mô hình nuôi cá lồng khác. Năm đầu tiên nuôi mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ nhưng Tuân bảo may mắn vẫn thu lời được vài chục triệu đồng.

Ở một hồ nước nhân tạo nổi tiếng Lai Châu, anh trai bản nuôi cá đặc sản gì mà lãi 300 triệu/năm?- Ảnh 2.

Hiện, Tuân có 25 lồng cá, thả nuôi các loại cá đặc sản như: cá lăng chấm, cá chiên, cá bỗng. Ảnh: Bình Minh

Để tạo thương hiệu cho sản phẩm, Tuân đã lựa chọn cho mình lối đi riêng, dù biết sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn về kỹ thuật nuôi và cách chăm sóc. Chàng trai 33 tuổi nói, trong 25 lồng cá hiện tại, anh hướng đến nuôi các giống cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như: cá lăng chấm, cá chiên, cá bỗng...

"Cá lăng chấm, cá chiên, cá bỗng đều là những loại cá khó nuôi, đòi hỏi phải chăm sóc vô cùng cẩn thận, chẳng may cá bị nhiễm bệnh thiệt hại sẽ rất lớn", Tuân chia sẻ, rồi nói thêm: "Trộm vía, trong 4 năm nuôi cá lồng, em chưa bị thiệt hại lần nào do cá bị bệnh".

Bí quyết giúp đàn cá có sức đề kháng tốt, Tuân dùng tỏi ngâm, sau đó trộn với thức ăn tinh cho cá ăn.

Tuân cho biết, xu hướng của thị trường đang tìm đến những loại cá đặc sản, có giá trị cao, bởi vậy, nhu cầu rất lớn, nhiều thương lái tìm đến, "xuống tiền" trước cũng không đủ nguồn cung.

Mỗi năm, với 25 lồng cá, Tuân xuất bán gần 100 tấn cá, trừ chi phí cho thu lãi 300 triệu đồng.

Để phục vụ khách thăm quan, năm 2023, Tuân đã tự xây dựng, thiết kế nhà hàng phục vụ ăn uống, cà phê, thưởng thức cá lồng đặc sản. Nhà hàng được lợp bằng lá cọ, vách đan bằng tre, trang trí tiểu cảnh mang thiên hướng gần gũi với thiên nhiên. Từ phía nhà hàng phóng tầm mắt có thể ngắm nhìn những lồng nuôi cá, lòng hồ thủy điện Huội Quảng và núi rừng Ta Gia.

Ở một hồ nước nhân tạo nổi tiếng Lai Châu, anh trai bản nuôi cá đặc sản gì mà lãi 300 triệu/năm?- Ảnh 3.

Năm 2023, Tuân tự tay xây dựng và thiết kế nhà hàng để du khách có thể thưởng thức cá lồng và ngắm nhìn lòng hồ thủy điện Huội Quảng. Ảnh: Bình Minh

Đánh giá về mô hình nuôi cá lồng của Tuân, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) Đỗ Ngọc Tú cho biết, Tuân là một trong những thanh niên điển hình trong khởi nghiệp phát triển kinh tế, gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. 

Những thanh niên lập nghiệp như Tuân đều được chính quyền tạo điều kiện tối đa về kỹ thuật, đất đai và hỗ trợ các nguồn vốn vay. Từ diện tích đồi trọc, bãi đất trống và vùng nước lòng hồ thủy điện mênh mông, sự sáng tạo của tuổi trẻ đã tạo nên hàng trăm mô hình kinh tế hiệu quả.

Ông Tú cho biết thêm, huyện Than Uyên có 6.920ha diện tích mặt nước, trong đó riêng hồ thủy điện Bản Chát có diện tích 6.050ha và hồ thủy điện Huội Quảng 870ha. 

Đây được xem là tiềm năng lớn cho việc phát triển thủy sản trên lồng bè. Hiện tổng số lồng nuôi cá trên địa bàn huyện hiện có 657. Con số này tiếp tục tăng nhanh và dự kiến đạt khoảng 1.500 lồng vào năm 2025.

"Dù mới phát triển trên địa bàn huyện, người dân Than Uyên đang rất kỳ vọng vào nghề nuôi cá lồng sẽ cho thu nhập ổn định, bền vững, người dân sẽ được nâng cao nhận thức, hạn chế phá rừng, giảm các tệ nạn xã hội, cải thiện đời sống. Đồng thời, sản phẩm làm ra có giá trị gia tăng cao, cả cho thị trường tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu", ông Tú chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem