Chủ trang trại là anh Nguyễn Thế Tùng (sinh năm 1983, từng học thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh tại Vương quốc Anh).
Sau gần 10 năm kinh doanh các ngành nghề khác nhau, anh Tùng lại tìm thấy tình yêu với nghề nông và dành nhiều tâm huyết, nguồn lực để xây dựng trang trại trồng sầu riêng công nghệ cao theo hướng hữu cơ, hiện đại nhất tỉnh Bình Phước.
Từ quốc lộ, chúng tôi rẽ vào xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng (Bình Phước) rồi băng qua một cánh rừng cao su để đến thăm trang trại trồng sầu riêng công nghệ cao Queen Farm ở thôn 5.
Sau khi đi qua con dốc khá lớn, trước mắt chúng tôi hiện ra một vùng đất đỏ mênh mông với bạt ngàn cây sầu riêng được tạo tán rất đẹp.
Tại đây đang trồng 3 giống sầu riêng chủ lực là Musang King, Ri6 và sầu riêng Monthong. Toàn bộ cây sầu riêng được trồng theo lô có đánh số, khoảng cách giữa các cây đều tăm tắp.
Trang trại sầu riêng Queen Farm đang tạo việc làm thường xuyên cho 13 nhân công với thu nhập ổn định từ 8-15 triệu đồng/người/tháng. Việc áp dụng công nghệ, máy móc tại đây ngày càng đồng bộ và hiện đại, chỉ cần 13 nhân công là đã vận hành được toàn bộ công việc của trang trại rộng 55ha.
Chủ trang trại - anh Nguyễn Thế Tùng cho biết, trước đây anh không biết gì về nông nghiệp, chính mẹ anh là người đã truyền cảm hứng, tạo cơ hội cho anh tìm hiểu nghề nông, học hỏi các mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Từ những bỡ ngỡ ban đầu, dần dà anh Tùng ngày càng say mê với việc thiết kế vườn tược, tìm hiểu kỹ thuật trồng cây ăn trái và bắt tay vào xây dựng một trang trại thực nghiệm trồng sầu riêng công nghệ cao, áp dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000.
Chỉ tay vào những hàng sầu riêng xanh tốt, anh Tùng cho biết, trước đây toàn bộ khu vực này trồng cao su, đất đai sau nhiều năm bón phân hóa học đã bị chai cứng, khô cằn, nhan nhản đá tảng.
Để làm trang trại trồng sầu riêng, việc đầu tiên anh Tùng thực hiện là đo đạc chất lượng đất bằng cách lấy mẫu ở nhiều điểm đem đi kiểm nghiệm, xem đất thiếu những gì để bổ sung...
Sau đó anh thuê máy xúc san lấp mặt bằng, đào hồ trữ nước, thực hiện cải tạo đất cho toàn bộ diện tích gần 60ha bằng những biện pháp vô cùng tỉ mỉ.
"Khi đo chất lượng đất, chúng tôi thấy độ pH chỉ đạt 4,3, nếu trồng sầu riêng hay các loại cây ăn trái khác sẽ phát triển chậm, năng suất kém.
Chúng tôi đã tìm cách cải tạo, nâng độ pH trong đất lên bằng cày xới, phơi đất, rải vôi bột để loại trừ các mầm bệnh còn lại ở đâu đó...
Sau khoảng 6 tháng phơi đất, bổ sung phân bò ủ hoai mục và các loại vi sinh, tôi tiến hành cày luống để trồng đậu phộng (lạc). Đây là loại cây trồng tuyệt vời, chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho đất" - anh Tùng kể.
Thu hoạch vụ đậu phộng đầu tiên, anh Tùng lấy thân cây làm phân xanh, sau đó tiếp tục phủ xanh đất bằng cây lạc dại, cỏ trai, xuyến chi, rồi trồng cỏ Veti-ver để chống xói mòn, rửa trôi...
Song song đó anh chia khu đất thành các khu vực riêng biệt: Nhà điều hành, khu trồng rau củ quả, khu xử lý phân hữu cơ, khu nhà ở cho người lao động, còn lại là diện tích đất trồng sầu riêng, mít Thái, vú sữa Hoàng kim…
Anh Lê Văn Hiền – người quản lý trang trại cho biết: "Ở đây chúng tôi không dùng thuốc diệt cỏ, thậm chí còn phải nuôi cỏ để giữ ẩm cho đất.
Khi cỏ lên cao, sắp ra hoa thì chúng tôi dùng máy cắt sát gốc. Máy vừa chạy vừa băm cỏ tự động rồi rải đều trên mặt đất làm phân hữu cơ tự nhiên.
Nhờ áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp cải tạo, hiện nay độ pH trong đất đã tăng lên 5,5 - 6, rất thích hợp cho cây sầu riêng phát triển".
Xác định làm ăn lớn, đưa sản phẩm sầu riêng xuất khẩu
Theo anh Tùng, trang trại bắt đầu xuống giống trồng sầu riêng từ giữa năm 2020, khi đó giá sầu riêng chưa "nóng" như bây giờ nhưng anh Tùng đã xác định với diện tích vườn lớn như thế thì cần đầu tư bài bản, nghiêm chỉnh để cung cấp sản phẩm cho thị trường xuất khẩu.
Cụ thể, anh Tùng đầu tư hệ thống tưới tự động theo công nghệ của Israel, chỉ tính riêng đường ống rải quanh trang trại đã dài tới 75km.
Hệ thống tưới hiện đại này được kết nối với app cài đặt trên điện thoại thông minh, theo đó người dùng có thể cài đặt thời gian tưới như ý muốn, cứ đến giờ định sẵn là sẽ tự động tưới cho cây.
Hàng ngày sẽ có 2 kỹ sư nông nghiệp đi thăm vườn để kiểm tra tình hình sâu bệnh hại, tình hình sinh trưởng, đo độ ẩm...
Nhờ đó, việc chăm sóc từng gốc sầu riêng, vú sữa hay mít đều được kiểm soát chặt chẽ. Đơn cử như năm 2023, thời tiết diễn biến bất thường song chỉ có 4 cây sầu riêng bị chết trên tổng số gần 10.000 cây.
Ngoài việc kiểm tra vườn thường xuyên, tại đây còn có hệ thống camera giám sát theo dõi cây và từng khu vực. Do đó khi đi công tác xa, anh Tùng chỉ cần vào app là vẫn nắm được mọi công việc đang diễn ra tại trang trại.
Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN, anh Tùng cho biết, khi mới bắt tay vào cải tạo, khu đất này chưa có điện. Mà muốn áp dụng máy móc, công nghệ cao bắt buộc phải có điện.
"Vì vậy tôi đã mạnh dạn đầu tư đường dây điện trung thế đi ngầm dưới đất từ đường chính vào tận trang trại, mất rất nhiều công sức và chi phí. Nhưng từ đó, việc áp dụng công nghệ, máy móc tại đây ngày càng đồng bộ và hiện đại, chỉ cần 13 nhân công là đã vận hành được toàn bộ công việc cho trang trại rộng 55ha" - anh Tùng cho biết.
Ước tính mỗi cây sầu riêng từ lúc trồng đến khi thu hoạch chi phí đầu tư khoảng 4,5 triệu đồng. Dự tính đến năm thứ 7 hoặc 8 có thể thu hồi vốn. Để chuẩn bị cho thị trường đầu ra trong 2 năm tới, anh Tùng đã bắt tay vào xây dựng mã số vùng trồng, chuẩn bị xây dựng kho lạnh, mời gọi các doanh nghiệp lớn chuyên xuất khẩu trái cây về tận nơi thăm vườn…
Để đề phòng biến đổi khí hậu, hạn hán trong mùa khô, anh Tùng đã cho đào 2 hồ chứa nước, trong đó có 1 hồ lớn nằm giữa trang trại rộng 1,2ha, có thể chứa được lượng nước đủ tưới cho toàn bộ 55ha cây trồng trong 6 tháng mà không cần mưa.
Với mục tiêu xuất khẩu sầu riêng vào những thị trường khó tính, anh Nguyễn Thế Tùng đặc biệt tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác an toàn thực phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, các khâu quản lý đầu vào - ra đều được ghi chép hàng ngày.
"Tôi luôn chú trọng tìm nhà cung cấp cây giống, vật tư đầu vào đạt chuẩn, có ý thức quản lý, đào tạo người lao động từ những việc nhỏ nhất. Bạn thấy đó, mỗi khu vực đều có lắp đặt biển cảnh báo, và mọi lối đi trong trang trại không có rác thải. Từ rác sinh hoạt đến phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất đều được phân loại, bỏ vào thùng ở nơi quy định" - anh Tùng cho biết.