Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cánh đồng Lậy, thôn Bộ La (xã Vũ Vinh, Vũ Thư, Thái Bình) rộng hơn 20ha nhưng trước kia hầu hết các thửa ruộng bị bỏ hoang. Mấy năm gần đây, HTXNN Vũ Vinh vận động các hộ thực hiện dồn đổi diện tích, cho mượn, cho khoán ruộng để thực hiện tích tụ ruộng đất trên toàn bộ cánh đồng.
Sau khi quy vùng sản xuất, vụ xuân năm 2024, gia đình anh Nguyễn Trung Công, xã Vũ Hội mạnh dạn sang cải tạo ruộng, sản xuất lúa trên cánh đồng Lậy. Gia đình anh đầu tư máy cấy công suất lớn, máy cày, máy gieo mạ và lắp đặt băng chuyền, mua ô tô tải phục vụ vận chuyển mạ khay..., cơ giới hóa 100% các khâu sản xuất lúa.
Sau hơn 10 ngày vận hành liên tục, đến ngày 22/2 gia đình anh đã hoàn thành cấy hơn 20ha lúa. Thay vì ruộng hoang, cánh đồng Lậy giờ đây hồi sinh với màu xanh của lúa non và kỳ vọng về một vụ xuân bội thu.
Cùng thôn Bộ La, gia đình ông Lê Viết Sơn trước kia chỉ cấy vài sào lúa nhưng vụ xuân năm nay ông đầu tư mua máy cấy nên sản xuất 3 mẫu lúa và nhận dịch vụ cấy khoán thêm 2 mẫu lúa cho bà con địa phương.
Ông Sơn cho biết: Chi phí mua loại máy cấy lúa 6 hàng này hiện 18 triệu đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 50%, tôi chỉ phải bỏ ra 9 triệu đồng, phù hợp với khả năng nên tôi quyết định đầu tư máy cấy. Có máy cấy rất tiện lợi, 5 mẫu ruộng với 2 lao động, tôi chỉ cần 2 ngày là hoàn thành toàn bộ diện tích. Trước kia nhìn thấy ruộng thì sợ vì không làm được, giờ thì các thửa ruộng mà bà con bỏ là tôi mượn ngay để cấy. So với gieo sạ thì cấy máy giảm chi phí đầu tư, lại không phải rắc thuốc trừ cỏ, không phải căng nilon, đánh chuột. Không riêng tôi mà bà con cũng phấn khởi khi có máy cấy xuống đồng.
Bà Nguyễn Thị Sửu, thôn Nhân Hòa cho biết: Gia đình tôi hiện chỉ có 2 lao động, đều đã ngoài 60 tuổi. Các năm trước tôi phải gánh bùn gieo mạ nền rất vất vả, sau đó thuê người cấy với chi phí 350.000 đồng/sào. Năm nay có dịch vụ máy cấy, tôi chỉ mất 230.000 đồng/sào, lại không phải gieo mạ. Bà con rất phấn khởi.
Ông Trần Đình Nhất, Giám đốc HTXNN Vũ Vinh cho biết: Địa phương có 200ha đất lúa, tuy nhiên do thiếu nhân lực, sản xuất manh mún, hiệu quả thấp, trước kia nông dân bỏ hoang khoảng 40ha. Trước tình hình này, năm 2020, HTX khảo sát các xứ đồng bị bỏ hoang, tiến hành vận động các hộ không có nhân lực, không có nhu cầu sản xuất cho HTX mượn ruộng.
Các hộ có nhu cầu sản xuất nhưng ruộng nằm xen kẹp trong xứ đồng bỏ hoang sẽ được dồn đổi sang khu vực khác, mục đích là tích tụ ruộng, tạo ra các xứ đồng liền mảnh, liền thửa để thuận lợi cho quá trình canh tác.
Cùng với đó, HTX vận động nông dân đầu tư máy móc, tiến hành cơ giới hóa sản xuất để khắc phục tình trạng thiếu lao động. Mấy năm gần đây số lượng máy cày, máy gặt nhiều đã đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của bà con, tuy nhiên máy cấy thì chưa có. HTX thường xuyên tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả của máy cấy và cơ chế hỗ trợ 50% chi phí mua máy cấy của tỉnh để nông dân nắm bắt. Xã đã tạo điều kiện thuận lợi hơn 4.000m2 mặt bằng hỗ trợ các hộ sản xuất mạ khay.
Nhờ đó, vụ xuân năm 2024 toàn xã có 11 máy cấy xuống đồng sản xuất, trong đó thôn Nhân Hòa có 5 máy, công suất mỗi máy đạt 2 - 5 mẫu lúa/ngày. Nhân dân hưởng ứng tích cực, toàn xã có 105/200ha lúa được cấy bằng máy, chưa kể nhiều hộ có nhu cầu cấy máy nhưng do lượng mạ khay sản xuất hạn chế nên chưa thực hiện được. Ước tính vụ mùa năm 2024 diện tích lúa cấy bằng máy của địa phương sẽ tiếp tục tăng lên.
Cơ giới hóa khâu cấy lúa không chỉ giúp nông dân Vũ Vinh giảm công lao động, chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất mà còn giúp địa phương dẹp bỏ 100% diện tích ruộng hoang, khai thác tiềm năng đất đai, nâng cao thu nhập, tạo động lực để nông dân gắn bó với đồng ruộng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.