Bàu Tró là hồ nước ngọt tự nhiên không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước ngọt cho TP Đồng Hới mà còn là một di chỉ khảo cổ học đặc biệt của hậu kỳ đồ đá mới.
Di tích khảo cổ học Bàu Tró được người Pháp phát hiện và bắt đầu nghiên cứu vào những năm đầu của thế kỷ 20.
Với những tính chất, quy mô, nội dung văn hóa độc đáo của bàu, các nhà khảo cổ học đã đặt tên cho các di chỉ phân bố dọc ven biển Nghệ Tĩnh (Nghệ An, Hà Tĩnh), Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế trong hậu kỳ đá mới là văn hóa Bàu Tró.
Theo các tài liệu nghiên cứu, từ ngàn xưa, tổ tiên chúng ta đã cư trú quanh Bàu Tró và dùng nước ngọt của bàu để sinh sống và lao động. Dấu vết sinh hoạt của họ đã chìm dần trong cát cùng với thời gian.
Từ khi phát hiện đến nay, di tích này đã qua 3 lần thám sát và 2 lần khai quật. Lần thứ nhất là vào mùa hè của những năm 1919-1921, 2 thông tin viên người Pháp của Trường Viễn Đông Bác Cổ là Max Pirey và Herri Depiruy đã phát hiện và thu lượm được một số di vật có niên đại hậu kỳ đá mới.
Không chỉ là hồ nước ngọt tự nhiên cung cấp nguồn nước ngọt cho TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Bàu Tró còn là một di chỉ khảo cổ học.
Lần thứ hai là năm 1923, Étienne Patte (người Pháp) tiến hành khai quật và từ cuộc khai quật này, Bàu Tró được xác định là một di chỉ khảo cổ học.
Trắc diện của hố khai quật lộ rõ tầng văn hóa với nhiều lớp được ngăn cách bởi những lớp cát trắng mỏng. Chứng tỏ, đây là nơi cư trú, sinh hoạt của nhiều thế hệ cư dân nguyên thủy thời đá mới hậu kỳ.
Tầng văn hóa dày nhất là 50cm, bao gồm vô số vỏ sò, ốc, lẫn lộn với cát có màu đen thẩm… Trong những đống vỏ sò, ốc đó còn có các công cụ bằng đá, mảnh vỡ của đồ gốm, đặc biệt những chiếc bôn đá có mặt lưỡi vát.
Theo E. Patte, đây là loại hình rất giống với công cụ đá thời nguyên thủy ở vùng đông nam nước Pháp và bán đảo Ban Căng. E. Patte còn thu được các loại như hòn ghè, dụng cụ để tu chỉnh ép bàn mài, bàn nghiền, chì lưới và tìm thấy 2 công cụ bằng đá (viên thứ nhất bằng sa thạch, viên thứ 2 bằng thạch anh). Ông cho rằng đó là những hòn ghè để chế tác công cụ…
Bên cạnh đó, E. Patte còn tìm thấy những mảnh gốm thô, độ nung thấp, có màu xám đen hay màu gạch xỉn, nhiều mảnh được tô thổ hoàng.
Gốm được trang trí theo hình văn thừng thô, thừng mịn, thừng chéo. Có những mảnh được trang trí hoa văn khắc vạch, cắt vạch ô vuông và vạch song song uốn sóng. Một số mảnh gốm được tô màu. Loại hình đồ gốm khá phong phú, gồm đồ đựng, đồ đun nấu…
Đáng chú ý là có một vài xương động vật được chế tác thành những dùi nhọn sắc, trên thân còn mang những vết xước do đã qua sử dụng. Theo E. Patte: Đây là di chỉ thuộc thời đại đá mới. Chủ nhân sống ở đây dựa vào kinh tế khai thác, thu lượm những sản vật sẵn có trong tự nhiên mà chủ yếu là các loài nhuyễn thể.
Lần thứ 3, vào tháng 5/1974, Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức điều tra thám sát di chỉ Bàu Tró. Trên cơ sở xác định vị trí hố khai quật của E. Patte năm 1923, đoàn đã đào 3 hố thám sát và chỉ có một hố xuất hiện tầng văn hóa rõ, hiện vật thu được gồm 2 chiếc rìu và nhiều mảnh gốm có màu xám hoặc hồng. Xương gốm pha cát có hoa văn thừng, khắc vạch.
Đến năm 1978 (lần thứ 4), Viện Khảo cổ học phối hợp với Khoa Lịch sử của Trường đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường đại học Khoa học Huế) thăm dò Bàu Tró, đã thu được nhiều rìu, bôn đá, thổ hoàng, mũi nhọn bằng đá, các loại mảnh gốm...
Tháng 3/1980 (lần thứ 5), Khoa Lịch sử, Trường đại học Tổng hợp Huế trở lại khai quật Bàu Tró dưới sự chỉ đạo của nhà khảo cổ học Hà Văn Tấn (Trường đại học Tổng hợp Hà Nội) cùng sự tham gia của nhà nghiên cứu Vũ Công Quý (Viện Đông Nam Á).
Lần này, các nhà khoa học khai quật quy mô lớn tại 3 hố phía tây nam của bàu, thu được nhiều hiện vật đồ đá, đồ gốm, tìm thấy hiện vật gốm có tô màu đen ánh chì, đánh dấu sự xuất hiện của một loại hình trang trí mới, gợi mở cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu về cội nguồn của văn hóa Sa Huỳnh ở khu vực này. Gốm Bàu Tró có những chiếc nồi lớn, đáy tròn, thành dày, được trang trí hoa văn dấu thừng và những bát đĩa cạn lòng, kích thước nhỏ.
Qua đợt khai quật, đoàn đánh giá: Bàu Tró không đơn thuần là một di chỉ “đống vỏ sò” hay “di chỉ rác tro bếp” như E. Patte đã công bố mà đây là một di tích có 2 loại hình đặc trưng di chỉ khác nhau.
Một loại hình di chỉ cồn đất và một loại hình di chỉ cồn sò điệp. Điều này phản ánh được phần nào về các phương thức sinh hoạt kinh tế của cư dân nguyên thủy lúc ấy.
Người xưa không chỉ dựa vào việc khai thác các nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên mà họ còn vươn tới trình độ cao hơn, chủ động sản xuất ra lương thực. Tài liệu thu được về tầng văn hóa dày, quy mô di chỉ phân bố rộng, mật độ phân bố dày đặc, đồ gốm phong phú, đồ đá mài phổ biến, kỹ thuật chế tác điêu luyện… đã nói lên điều đó.
Bàu Tró có điều kiện đầy đủ để duy trì nền kinh tế sản xuất, nhất là nông nghiệp trồng lúa nước. Ngoài nông nghiệp, ngành kinh tế đóng vai trò chủ đạo được duy trì ở đây là đánh cá, săn bắt, hái lượm.
Cùng với những bước phát triển đi lên về đời sống vật chất, đời sống văn hóa tinh thần cũng biến đổi và ngày càng phong phú, đa dạng.
Trình độ tư duy, thẩm mỹ của con người phát triển khá cao thể hiện về kỹ thuật chế tác đồ đá, đồ trang sức, mô típ hoa văn, các loại hình gốm. Cuộc sống của họ không chỉ biết làm ăn mà còn biết làm đẹp cho mình và những đồ dùng quanh họ.
Để có được những vòng tay bằng đá tròn đều, duyên dáng, người xưa phải biết kỹ thuật khoan tách lõi bên cạnh kỹ thuật mài, cưa thuần thục. Những mảnh tước kích thước nhỏ, có u ghè nổi rõ tạo ra trong quá trình “làm mới công cụ” hay những phiến tước dài, bản rộng, thiết diện ngang thân hình tam giác dẹt, dọc thân hơi cong, khum nói lên trình độ đẽo đá vô cùng chuẩn xác và điêu luyện của con người thuở ấy.
Kỹ thuật chế tạo gốm cũng đạt được những thành tựu đáng chú ý, chất liệu gốm thuần nhất, gốm chín đều, loại hình phong phú, đa dạng, hoa văn trang trí đẹp. Điều đó khẳng định nghề thủ công làm gốm thời ấy khá phát triển.
Di chỉ Bàu Tró có quan hệ gần gũi với di chỉ Thạch Lạc nói riêng và giai đoạn muộn của loại hình văn hóa Thạch Lạc nói chung. Hơn nữa, Bàu Tró còn có mối quan hệ với các di chỉ ở Quảng Bình vùng ven biển, như: Ba Đồn I, Ba Đồn II, Bàu Khê...
Với quy mô, ý nghĩa khoa học to lớn của nó mà các nhà khảo cổ học đã lấy tên di chỉ này đặt tên cho nền văn hóa hậu kỳ đá mới gồm các di chỉ phân bố ở vùng ven biển Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế là văn hóa Bàu Tró, vì đây là di tích kiểu văn hóa này được khai quật và nghiên cứu sớm hơn cả.
Sự xuất hiện gốm tô màu đỏ, đen ánh chì, với sự phổ biến của bôn thân cong, khum, lưỡi vát từ bụng ra lưng cho ta những tư liệu quý trong việc tìm hiểu mối quan hệ giữa văn hóa Bàu Tró với văn hóa Sa Huỳnh ở phía Nam.
Do vậy, có thể nói, di chỉ Bàu Tró nói riêng, hay loại hình văn hóa Bàu Tró phân bố ở ven biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế nói chung là một trong những bằng chứng của giao thoa văn hóa liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của nền văn hóa Sa Huỳnh nổi tiếng sau đó.
Bàu Tró cùng di chỉ Bàu Tró gắn liền quá khứ với hiện tại tạo thành một quần thể đậm đặc dấu ấn văn hóa. Có thể nói, di chỉ Bàu Tró nói riêng, văn hóa Bàu Tró nói chung góp phần khắc họa bức tranh toàn cảnh giai đoạn tiền sử của Việt Nam.
Tìm hiểu văn hóa Bàu Tró là để giữ gìn, bảo tồn những giá trị của di sản văn hóa vốn có của Đồng Hới và tỉnh Quảng Bình. Vì vậy, nơi đây cần được gìn giữ và bảo vệ để di sản văn hóa Bàu Tró phát huy được giá trị trong đời sống tinh thần của nhân dân.