Một làng ở Quảng Bình có 5 họ đại tôn, có 6 người đỗ đại khoa, họ Tạ có một Phó bảng, một tiến sỹ

Chủ nhật, ngày 10/12/2023 05:36 AM (GMT+7)
Ngày 18/8/2023, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 2329/QĐ-UBND xếp hạng nhà thờ họ Tạ làng La Hà, xã Quảng Văn (TX Ba Đồn) là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Nhà thờ họ Tạ làng La Hà là nơi thờ tự một dòng họ có nhiều thế hệ đỗ đạt khoa bảng, đại khoa.
Bình luận 0
Thật hiếm có một dòng họ mà đến 8 vị thi đỗ khoa bảng của triều đình, trong đó có 6 vị cử nhân, 2 vị đại khoa (1 tiến sĩ và 1 phó bảng).
 
Theo sách Quốc triều hương khoa lục, Quảng Bình đăng khoa lục và Quảng Bình nhân vật chí thì dòng họ Tạ có 8 vị khoa bảng, hiện nay được thờ tại nhà thờ họ như sau:      
1: Ông Tạ Kim Vực, sinh năm Ất Sửu (1805), quê La Hà, huyện Minh Chánh (nay là xã Quảng Văn, TX. Ba Đồn), năm 34 tuổi thi đậu phó bảng, Minh Mệnh thứ 19 (1838), được bổ làm quan Bố Chánh tỉnh Hải Dương, là anh của Tạ Kim Pha và Tạ Ngọc Khuê, là bác của tiến sĩ Tạ Hàm.

2: Ông Tạ Hàm, sinh năm Bính Thìn (1856), quê La Hà, huyện Minh Chánh, năm 37 tuổi thi Hội đậu tiến sĩ năm Thành Thái thứ 4 (1892), làm quan Tham tán nội các, Thái sư dạy vua Duy Tân, là con của Tạ Ngọc Khuê (Tạ Khuê).

3: Ông Tạ Ngọc Trì quê La Hà, huyện Minh Chánh, thi đỗ cử nhân khoa Mậu Ngọ, Tự Đức thứ 11 (1858), làm quan với chức Chủ sự. Ông là con của Tạ Kim Pha, là em của Tạ Ngọc Đường, là cháu của phó bảng Tạ Kim Vực.

 
4: Ông Tạ Khuê, người xã La Hà, huyện Minh Chánh, đậu cử nhân khoa Đinh Mão Tự Đức 20 (1867), là em của phó bảng Tạ Kim Vực và Tạ Kim Pha, là chú của Tạ Ngọc Đường, Tạ Ngọc Trì và tiến sĩ Tạ Hàm.
 
5: Ông Tạ Ngọc Đường, quê La Hà, huyện Minh Chánh, thi Hương đậu cử nhân năm Tự Đức thứ 21 (1868), làm quan đến chức Ngự sử, Huấn đạo. Ông là con của Tạ Kim Pha, anh của Tạ Ngọc Trì, cháu của phó bảng Tạ Kim Vực và Tạ Khuê.
 
6: Ông Tạ Đình Mai, quê La Hà, thi Hương đậu cử nhân khoa Nhâm Tý, Duy Tân thứ 6 (1912), là con của tiến sĩ Tạ Hàm, cháu nội của Tạ Khuê.
 
7: Ông Tạ Kim Pha, quê La Hà, huyện Minh Chánh, đậu cử nhân khoa Đinh Dậu Minh Mệnh thứ 18 (1837), làm quan chức Ngự sử, Giáo thụ. Ông là cha của cử nhân Tạ Ngọc Trì, Tạ Ngọc Đường, em của phó bảng Tạ Kim Vực, chú của tiến sĩ Tạ Hàm.
 

8: Ông Tạ Kiên, quê La Hà, huyện Minh Chánh, đậu cử nhân khoa Canh Ngọ, Tự Đức thứ 13 (1870), làm quan Tri phủ.

Một làng ở Quảng Bình có 5 họ đại tôn, có 6 người đỗ đại khoa, họ Tạ có một Phó bảng, một tiến sỹ - Ảnh 2.

Nhà thờ họ Tạ làng La Hà, xã Quảng Văn (TX Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình).

Làng La Hà có năm họ đại tôn (họ Mai, hai họ Trần, họ Phạm và họ Tạ với 6 vị đỗ đại khoa), thì riêng dòng họ Tạ đã đóng góp vào danh khoa của làng 2 vị. Đây là niềm tự hào, vinh dự cho con cháu của dòng họ.

Điều đặc biệt trong cuộc đời làm quan của tiến sĩ Tạ Hàm, một trong những người con của dòng họ Tạ La Hà đỗ đạt cao, làm quan Tham tán nội các của triều đình, ông được người đời truyền tụng là vị quan thanh liêm, thương dân. 

Dấu ấn quan trọng của ông đối với cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời thơ ấu, đó là sự kiện ngày 16/6/1906 (năm Thành Thái thứ 18), thay mặt triều đình Huế, ông ký quyết định tấn bổ phó bảng Nguyễn Sinh Huy (tức cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) vào làm quan Kiểm thảo của Bộ Lại ở Huế. 

Đây là lần cuối cùng Bác Hồ (Nguyễn Sinh Cung) theo cha vào Huế để sau này người dấn thân vào con đường cách mạng, tham gia vào phong trào yêu nước ở Huế(1).    

Tiến sĩ Tạ Hàm còn đảm nhiệm chức Hồng Lô tự Khanh, quan phúc khảo chấm thi, duyệt quyển của triều đình. Ông làm quan dưới thời vị vua yêu nước Thành Thái và là Thái sư (dạy vua Duy Tân)(2), một vị vua khi mới đăng quang chỉ mới 7 tuổi. 

Sau khi vua cha Thành Thái bị thực dân Pháp phế truất, vì có chủ trương chống Pháp, được tiếp thu tinh thần yêu nước từ vua cha và thầy dạy mình từ nhỏ, dần dần nhà vua bất hợp tác với thực dân Pháp và manh nha tư tưởng yêu nước. 

Năm 1916, vua Duy Tân đã bí mật bắt liên lạc với các lãnh tụ Việt Nam Quang phục hội như Thái Phiên, Trần Cao Vân và một số người khác dự định khởi nghĩa chống Pháp, nhưng bị lộ. Sau đó, vua bị Pháp bắt đưa đi an trí trên đảo Reunion (Ấn Độ Dương)(3).

Một làng quê nghèo khó giữa cồn nổi sông Gianh của tỉnh Quảng Bình, nơi bốn bề sông nước, giao thông đi lại nhiều trở ngại, nhưng trong khó khăn, nước mặn, đồng chua ấy đã sản sinh ra nhiều con người, nhiều dòng họ học tập, thành danh. 

Một trong những dòng họ nổi tiếng của làng La Hà đó là họ Tạ, hiếm có một dòng họ nào đã đóng góp cho bảng vàng khoa cử của đất nước, của tỉnh, của TX. Ba Đồn đến 8 vị đỗ đạt, trong đó có 2 vị đại khoa.

Phát huy truyền thống học hành khoa bảng của dòng họ, ngày nay, con cháu họ Tạ đã phấn đấu vươn lên, có nhiều người là cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, là lãnh đạo trong một số cơ quan nhà nước, là sĩ quan trung cấp, cao cấp trong lực lượng vũ trang, nhiều người là liệt sỹ trong hai cuộc kháng chiến, là doanh nhân thành đạt... 

Nhà thờ họ Tạ bị chiến tranh tàn phá, nay được con cháu góp công, góp của phục hồi tôn tạo, là nơi tụ họp hàng năm để thờ cúng tiên tổ, tổ chức tặng thưởng cho con cháu đạt nhiều thành tích trong học tập với quỹ khuyến học của dòng họ. 

Qua đó, nhớ ơn, tri ân và nguyện sống lao động, học tập theo gương các thế hệ của dòng họ đã cùng các dòng họ khác làm nên một làng La Hà văn hiến, văn vật, xứng danh trong "bát danh hương" của tỉnh Quảng Bình.

Tạ Đình Hà

 Tài liệu tham khảo: 
(1). Hồ Chí Minh thời niên thiếu, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An, Nhà xuất bản Nghệ An, năm 2000.
(2). Tuyển tập Cao Xuân Dục, tập 2, Quốc triều khoa bảng lục, Nhà xuất bản Văn học, năm 2001.
(3). Bách khoa toàn thư, Wikipedia, Nội các triều đình nhà Nguyễn, vua Duy Tân.
Tạ Đình Hà (Báo Quảng Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem