Trò chuyện với phóng viên báo điện tử Dân Việt, ông Phạm Văn Trực (73 tuổi, ở xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ: "Từ nhỏ tôi đã thích chăn nuôi, đặc biệt là nuôi gà, nhiều loài gà có bộ lông mướt, sặc sỡ, rất đẹp.
Lớn lên theo mưu sinh nên cũng lặn lộn đủ nghề, đến tuổi xế chiều, tôi mới bắt tay vào nuôi thứ mình thích, lại là loài gà rừng, vừa có thu nhập và phục vụ nhu cầu thực phẩm hằng ngày".
Clip: Ông Phạm Văn Trực (ở xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ kinh nghiệm nuôi gà rừng-một vật nuôi là động vật hoang dã.
Theo ông Phạm Văn Trực, năm 2021, ông đã tìm đến các thợ săn trên địa bàn rồi mua lại gà rừng mà họ vừa bẫy được. Sau đó, ông mang về thuần hóa rồi nuôi thả trong vườn.
"Gà rừng nuôi khá khó, vốn có tập tính hoang dã khi mình đưa về nuôi nhiều con không quen nên chết. Nhiều đêm suy nghĩ, tôi đã chọn cách thuần hóa gà dần dần.
Lúc mới mua gà rừng về, tôi nuôi nhốt trong lồng, phía ngoài trùm một tấm vải đen rồi nuôi khoảng 1 tháng mới mở tấm vải hé ra để gà quen dần ánh sáng. Thức ăn cho gà rừng tôi dùng thóc, ngô, bột sắn.
Thời gian sau đó, tôi tiếp xúc với gà, vuốt ve nó để tạo thói quen, giúp gà dạn lên.
Duy trì như vậy đến 1 năm, tôi mới mở lồng cho gà chạy trong vườn đã khoanh lưới sẵn để chúng tự do bay nhảy.
Hay nhất ở gà rừng là sức đề kháng cao, ít khi bị bệnh nên người nuôi đỡ vất vả", ông Phạm Văn Trực chia sẻ.
Ông Phạm Văn Trực (ở xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) bên con gà rừng ông đã nuôi được 1 năm nay. Ảnh: TA
Gà rừng khi ông Trực mua về thường có cân nặng 6 – 7 lạng, sau thời gian nuôi đạt gần 1,5 kg là ông bán.
Ông Trực nói: "Gà rừng có xương nhỏ, thịt nhiều và thịt dai, thơm ngon nên nhiều người sành ăn thường tới nhà tôi để mua.
Tôi không bán theo kg mà bán theo con, thường tôi bán giá 1,5 triệu đồng một con đã nuôi được hơn 1 năm, con gà nào đẹp, có thể đá hay, chọi tốt tôi bán với giá gần 5 triệu đồng. Nói chung gà rừng không có mà bán chứ nhu cầu mua nhiều lắm".
Ông Phạm Văn Trực (ở xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) hiện nuôi gần 100 con gà rừng, chủ yếu chăn thả trong vườn. Ảnh: TA.
Hiện, ông Phạm Văn Trực đang nuôi 100 con gà rừng, chủ yếu nuôi thả trong vườn. Bên cạnh đó, ông còn nuôi 4 con hươu, 10 con dê, 30 con lợn. Thu nhập một năm của ông đạt trên 100 triệu đồng.
Để có vốn và nhân rộng mô hình nuôi gà rừng độc lạ này, ông Phạm Văn Trực đã được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) cho vay 100 triệu đồng từ chương trình "Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm".
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Tưởng Văn Khanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Hợp (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Mô hình nuôi gà rừng của nông dân Phạm Văn Trực mới lạ trên địa bàn.
Nông dân Trực rất kiên trì, táo bạo khi mua gà rừng về rồi thuần hóa nuôi trong vườn nhà. Bước đầu, mô hình đã có những hiệu quả và hứa hẹn sẽ nhân rộng trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả sản xuất".