Đội nắng hành nghề gõ "cóc, cóc, cóc" trên đá ở bãi biển Quảng Bình, mỗi ngày dân kiếm vài trăm ngàn

Thứ bảy, ngày 09/07/2022 15:14 PM (GMT+7)
Khi thủy triều bắt đầu rút, các bãi đá ngầm bên bờ vịnh Hòn La lộ dần, cũng là lúc những người phụ nữ ở 2 xã Quảng Đông và Quảng Phú (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) gọi nhau đi “mổ” hàu sữa.
Bình luận 0

Những con hàu sữa bé xíu bám chi chít trên các mỏm đá, nhiều năm nay đã trở thành nguồn "sinh kế" của nhiều gia đình nơi đây.

Những bãi đá ngầm bên bờ vịnh Hòn La từ lâu đã là nơi làm nghề “mổ” (khai thác hàu) của những người phụ nữ ở thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú và thôn Vịnh Sơn, xã Quảng Đông. Giữa mùa hè, dưới cái nắng trưa 38-39oC, những người phụ nữ nơi đây vẫn kiên trì ngồi trên bãi đá “mổ” hàu mưu sinh.

Đội nắng hành nghề gõ "cóc, cóc, cóc"  trên đá ở bãi biển Quảng Bình, mỗi ngày dân kiếm vài trăm ngàn - Ảnh 1.

Cần mẫn “mổ” hàu mưu sinh.

"Cóc, cóc, cóc", tiếng búa của một nhóm phụ nữ ở thôn Nam Lãnh (xã Quảng Phú) đều đặn đập vào lớp vỏ cứng của những con hàu sữa bám chặt trên các mỏm đá vừa mới lộ ra khi con nước thủy triều vừa rút. Mũi sắt nhọn hoắt của chiếc búa xuyên qua lớp vỏ cứng, tách con hàu làm đôi. 

Nhanh thoăn thoắt, họ lại dùng con dao nhỏ cạy lấy nhân hàu sữa mềm mại, to bằng đầu ngón tay trỏ cho vào chiếc ca chứa nước trắng đục. Khác với loài hàu nuôi hoặc hàu lặn dưới sông, con to, ruột lớn, loài hàu sống tự nhiên ở những bãi đá này, nhỏ con, có vị thơm, ngọt, mát, nên được rất nhiều người ưa chuộng.

Trong nhóm phụ nữ, hầu hết mọi người đều đội mũ rộng vành, khẩu trang bịt gần kín mặt, riêng chỉ một mình bà Nguyễn Thị Xuyến (64 tuổi) là không hề bịt mặt. “Tôi già rồi, không sợ nắng và nước biển làm đen da nữa nên không cần bịt mặt nữa cho thoáng…”, bà Xuyến tiếp chuyện chúng tôi bằng nụ cười thật tươi, hiện trên khuôn mặt có phần khắc khổ vì tuổi tác và cuộc sống mưu sinh khó khăn.

Bà Xuyến cho biết, bà làm nghề “mổ” hàu từ thời còn con gái, tuổi đôi mươi. Trước đây, bãi đá ngầm trước làng Nam Lãnh (bên vịnh Hòn La) hàu bám tầng tầng, lớp lớp, con nào con nấy béo ngậy. 

Hàng ngày, bà và người làng muốn ăn hàu thì chỉ cần ra bãi đá cạy chừng tiếng đồng hồ là tha hồ. Hôm nào ăn không hết, bà đem đổi con cá, miếng thịt với hàng xóm để cải thiện bữa cơm cho gia đình.

Đội nắng hành nghề gõ "cóc, cóc, cóc"  trên đá ở bãi biển Quảng Bình, mỗi ngày dân kiếm vài trăm ngàn - Ảnh 3.

Những người phụ nữ ở thôn Nam Lãnh (xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) mưu sinh bằng nghề “mổ” hàu trên bãi đá ngầm bên vịnh Hòn La.

Chừng hơn 10 năm trở lại đây, hàu sữa được các nhà hàng, quán ăn và người sành ăn ưa chuộng, nên nó trở nên có giá trị. Con hàu không chỉ được người dân đi lấy về ăn mà còn bán để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống gia đình.

“Mỗi ngày, từ khi con nước thủy triều rút đến khi dâng trở lại chừng hơn 10 tiếng đồng hồ, tôi “mổ” được hơn 2kg nhân hàu. Hiện hàu sữa có giá 150 nghìn đồng/kg, nên mỗi ngày tôi cũng kiếm được gần 300 nghìn đồng, có thêm đồng vô đồng ra lo cho cuộc sống gia đình”, bà Xuyến chia sẻ.

Cách đó chừng 50m, chị Phan Thị Hà (30 tuổi) cũng đang miệt mài khai thác hàu. Khác với bà Xuyến, chị Hà là người vùng khác mới về làm dâu ở thôn Nam Lãnh được hơn 5 năm nay. Sau nhiều lần theo chân những người phụ nữ ở đây đi “mổ” hàu, chị Hà dần quen việc và gia nhập đội quân “mổ” hàu của làng.

“Những ngày đầu, dù được mọi người nhiệt tình hướng dẫn, nhưng năm lần, bảy lượt, ngoài “mổ” trật con hàu,nhiều khi tôi cũng không biết đâu là con hàu, đâu là hòn đá để mà cạy. Khi ấy, mỗi ngày tôi chỉ “mổ” được khoảng 200g nhân hàu là nhiều”, chị Hà kể.   

Vậy mà, theo lời của những người phụ nữ trong nhóm, chừng 3 tháng sau, nhờ kiên trì, chịu khó, chị Hà đã “lành nghề” và “vượt mặt” nhiều người khác. Hiện mỗi ngày chị Hà có thể “mổ” được hơn 3kg hàu, thu về hơn 500 nghìn đồng. Số tiền đó đã giúp chị trang trải cuộc sống gia đình và nuôi con ăn học.

“Mổ” hàu sữa bây giờ đã trở thành nghề mưu sinh của nhiều phụ nữ ở thôn Nam Lãnh (Quảng Phú) và Vịnh Sơn (Quảng Đông). Nghề này là “nghề không vốn”, nhưng cũng không hề dễ dàng chút nào.

“Để mưu sinh với nghề, chúng tôi phải bám mình, lê lết gần 10 tiếng đồng hồ trên những mỏm đá, chỉ cần sơ sẩy là trượt chân, té xuống biển; không cẩn thận là vỏ hàu cứa tay, chân tứa máu; rồi say nắng, trúng gió…Nói tóm lại, muốn làm nghề này cần phải chịu khó, kiên trì, nhẫn nại… Điều này giải thích tại sao, nghề "mổ" hàu chỉ toàn là phụ nữ…”, chị Linh, một người khác góp chuyện.

Con hàu sữa ngày càng có giá trị, nhiều người cùng đi “mổ” hàu nên không gian kiếm sống của những người phụ nữ ở đây cũng trở nên chật hẹp hơn. Vậy nhưng, trong câu chuyện, chúng tôi vẫn nghe họ bảo ban với nhau, chỉ nên “mổ” những con hàu đủ lớn, không ai được khai thác những con hàu quá nhỏ hay đục phá tùy tiện bãi đá vì đó là nơi đã nuôi sống họ…

Phan Phương (Báo Quảng Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem