Những năm trước, chợ đầu mối bán cây mai vàng nguyên liệu Vĩnh Thành (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) vào thời điểm này náo nhiệt như "đi mua sắm vàng ngày vía Thần Tài", giờ thưa thớt.
Đây có thể xem như là chợ đầu mối lớn nhất miền Nam bán một mặt hàng chủ đạo, đó là cây mai vàng, mai kiểng...
Cây mai vàng nguyên liệu chất đống ở chợ đầu mối bán cây mai vàng nguyên liệu Vĩnh Thành (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Ảnh: T.Đ.
Khoảng 20 năm nay, từ ngày có chợ đầu mối cây mai vàng nguyên liệu Vĩnh Thành, cứ sau Tết Nguyên đán, chợ lại sôi động như "bán mai ngày Tết".
Thế mà, vài năm gần đây chợ đầu mối cây mai vàng nguyên liệu Vĩnh Thành đã không còn giữ được "phong độ". Trên bến dưới thuyền ở chợ, cây mai vàng nguyên liệu chất ngồn ngộn, nhưng người mua thưa thớt.
Trước đây, nắm bắt nhu cầu sử dụng cây mai vàng nguyên liệu của người dân trồng mai ở Bến Tre và các tỉnh miền Tây Nam bộ, những thương lái ở Long An, Tiền Giang mua mai nguyên liệu được trồng ở TP HCM, Long An, Tiền Giang đưa về chợ bán tại chợ đầu mối cây mai vàng nguyên liệu Vĩnh Thành.
Những cây mai nguyên liệu này được nông dân mua về ghép với cây có bộ rễ đẹp hoặc làm mai chơi tàng bán vào dịp Tết.
Tại chợ đầu mối bán cây mai vàng nguyên liệu Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) nông dân chủ yếu mua mai chơi tàng về trồng để chuẩn bị cho dịp tết năm sau. Ảnh: T.Đ
Theo nhiều thương lái mai, đây là chợ đầu mối cây mai vàng nguyên liệu lớn nhất miền Nam.
Trung bình mỗi này, chợ bán ra vài chục ngàn cây phôi nguyên liệu cho cả miền Đông và miền Tây Nam bộ.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Hùng, một thương lái mai ở Long An, 2 năm gần đây, giá mai nguyên liệu giảm thấp.
Số lượng cây mai nguyên liệu bán ra cũng ít đi. Nguyên nhân là do nhiều nơi nông dân trồng mai vàng nguyên liệu ồ ạt nên thị trường dội hàng.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19, kinh tế khó khăn, người chơi mai hạn chế chi tiêu, khiến người trồng mai cũng hạn chế trồng.
Hàng loạt diện tích đất trồng lúa, trồng cây ăn trái được chuyển sang trồng cây mai vàng nguyên liệu ở xã Tân Tân (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An). Ảnh: T.Đ.
Ông Hùng là một trong những thương lái mai lâu năm nhất tại Chợ đầu mối cây mai vàng nguyên liệu Vĩnh Thành. Trong năm, ông Hùng mua mai vàng nguyên liệu từ TP.HCM, Long An, Tiền Giang rồi đưa về bán tại chợ này.
Trên lý thuyết, nếu nông dân trồng mai vàng nguyên liệu đúng kỹ thuật, sau 4 – 5 năm có thể xuất bán và thu về 2 – 3 tỷ đồng/ha.
Chính vì thế, nhằm tăng thu nhập cho người dân nông thôn, tỉnh Long An đặt kế hoạch nâng diện tích trồng mai vàng trên địa bàn lên 2.700 ha với 950.000 cây.
Báo cáo cho thấy, hiện xã Tân Tây (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) đang có hơn 400ha với hơn 260 hộ trồng cây mai vàng nguyên liệu.
Tuy nhiên, theo bà con trồng mai vàng tại đây, thực tế diện tích trồng cây mai vàng nguyên liệu trên địa bàn xã gần 1.000ha.
Anh Nguyễn Hữu Phước, một nông dân trồng mai vàng tại đây, cho biết thực tế những năm trước trồng cây mai vàng nguyên liệu đã đem lại hiệu quả kinh tế rất tốt cho nông dân.
Nhiều người trồng mai vàng đã phất lên không chỉ thoát nghèo mà còn khá giả, giàu có.
Không chỉ ở huyện Thạnh Hóa, hiện diện tích trồng cây mai vàng nguyên liệu có ở một số địa phương, như huyện Đức Hòa, Bến Lức, Thủ Thừa….
Trong khi đó, tại xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TP HCM), một địa phương có tiếng trồng cây mai vàng nguyên liệu cung cấp cho cả ở miền Nam, diện tích cũng đã ngấp nghé 500ha.
Mỗi năm, vùng trồng mai vàng này cung cấp hàng trăm ngàn cây mai vàng nguyên liệu ra thị trường.
Mặc dù giá cây mai vàng nguyên liệu sụt giảm mạnh, nhưng anh Nguyễn Hữu Phước, một nông dân trồng mai vàng ở xã Tân Tây, cho rằng với giá thị trường hiện nay, nông dân trồng mai vàng vẫn sống được với nghề.
Thậm chí, nếu giá cây mai vàng nguyên liệu 4 - 5 tuổi rơi xuống mức 500.000 đồng/cây, nông dân vẫn sống được, với điều kiện… sức mua tốt.