Phát lộ la liệt cổ vật bằng vàng, hiện vật bằng vàng ở 3 gò đất ven sông Vàm Cỏ Đông ở Long An
Đào khảo cổ tại ba cái gò đất ở Long An, phát lộ hiện vật bằng vàng, nay là bảo vật quốc gia
Trung Ngô (Cổng TTĐT Ban Tuyên giáo tỉnh Long An)
Thứ năm, ngày 28/12/2023 18:39 PM (GMT+7)
Cụm di tích khảo cổ học Bình Tả đã phát hiện nhiều hiện vật bằng vàng (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) là những công trình kiến trúc thuộc nền văn hóa Óc Eo, với hơn 60 di tích khảo cổ học từ thời tiền sử đến sơ sử phân bố theo các trục lộ và sông Vàm Cỏ Đông...
Cụm di tích khảo cổ học Bình Tả là những công trình thuộc nền văn hóa Óc Eo có niên đại vào khoảng những thế kỷ đầu sau Công nguyên, nằm trong một quần thể di tích với hơn 60 di tích khảo cổ học từ thời tiền sử đến sơ sử được phân bố theo các trục lộ và sông Vàm Cỏ Đông, tập trung trên địa bàn huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Theo Sách Di tích Quốc gia trên địa bàn tỉnh Long An của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch biên soạn, Nhà xuất bản Thanh niên xuất bản năm 2021, Phế tích kiến trúc Gò Xoài, Gò Đồn, Gò Năm Tước còn được gọi là cụm di tích khảo cổ học Bình Tả thuộc xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Từ những phát hiện đầu tiên của những nhà khảo cổ học người Pháp về các di tích văn hóa cổ trong lòng đất tại Đức Hòa như di tích Chòm Mả cùng với khung cửa đá ở phía đông do Henri Parmentier phát hiện và di tích Tháp Lấp, Gò Tháp (nay gọi là Gò Sáu Huấn) và Cái Tháp do J.Y.Claeys khai quật vào năm 1931, đến năm 1987, Sở Văn hóa -Thông tin Long An (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Viện Khoa học Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh (nay là Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) bắt đầu khai quật 3 di tích Gò Xoài, Gò Đồn, Gò Năm Tước trong khu vực này.
Những di tích này được phân bố trên một địa bàn tương đối gần nhau, từ Tỉnh lộ 9 về hướng Đông khoảng 700m là đến Gò Xoài, từ Gò Xoài về hướng Đông khoảng 200m là đến Gò Đồn và có quy mô lớn nhất, từ Gò Xoài về hướng Đông Nam khoảng 150m là đến Gò Năm Tước.
Bộ sưu tập hiện vật bằng vàng phát lộ qua khai quật khảo cổ di tích Gò Xoài, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Các hiện vật bằng vàng này là bảo vật quốc gia, thuộc nền văn hóa Óc Eo, minh chứng cho sự tồn tại, phát triển rực rỡ một thời của Vương quốc Phù Nam cổ xưa.
Di tích Gò Xoài: Trước năm 1975, ngụy quyền Sài Gòn từng đóng quân tại trung tâm và phía Nam của gò, phần còn lại của gò được trồng rất nhiều cây xoài, do vậy di tích mới có tên là Gò Xoài, thay cho tên Chòm Mả trước đó.
Đến tháng 03/1987, Gò Xoài được khai quật, có diện tích khoảng 2.000m2, cao 4,1m so với mực nước biển, cách trung tâm gò khoảng 57m có 4 tảng đá hoa cương lớn, dựng thành khung cửa đá có dạng gần hình vuông, với mỗi cạnh dài khoảng 20m.
Kiến trúc Gò Xoài được xây dựng trên một lớp móng có cấu trúc rắn chắc và phức tạp với nhiều lớp dày mỏng khác nhau, vật liệu xây dựng khác nhau như đá bazan, đất sét, sỏi đỏ, cát hồng.
Phần trung tâm của kiến trúc Gò Xoài là một hố thờ có một trụ gạch xếp thành hình chữ Vạn (swastika), ngay dưới đáy hố phát hiện một hộc cát trắng chứa tro xương và một bộ sưu tập hiện vật quý giá gồm 26 mảnh vàng nhỏ, giác mỏng được chạm khắc tỉ mỉ, tinh xảo với nhiều hình dáng và kích thước khác nhau như hình hoa sen, hoa nhiều cánh và nhiều linh vật như rùa, rắn, voi, một mảnh gốm dạng Óc Eo và vài mẫu nhỏ kim loại.
Trong số các hiện vật vàng này, có một bản minh văn chữ Phạn, loại mẫu tự Nam Ấn thuộc thế kỷ thứ VIII - IX sau Công nguyên.
Bản minh văn có hình chữ nhật, trên mặt khắc chữ nổi gồm 5 dòng: dòng thứ nhất là Pháp thân kệ của Phật giáo; dòng thứ 2 là một đoạn kinh pháp cú, 3 dòng còn lại là những câu mantra, có nội dung rõ ràng về Phật giáo, là di vật duy nhất thuộc loại này trong các di tích Óc Eo, góp phần xác định chức năng của kiến trúc Gò Xoài là một tháp Phật giáo, được xây dựng vào khoảng thế kỉ VIII sau Công nguyên.
Đây được xem là bộ sưu tập hiện vật có giá trị lớn về lịch sử - văn hóa cũng như về thẩm mỹ và khoa học và là một trong những bộ sưu tập hiện vật độc đáo nhất ở vùng đất Nam Bộ, phản ảnh được đời sống vật chất và tinh thần phong phú của cộng đồng cư dân Óc Eo trên vùng đất Long An.
Kiến trúc cổ ở đền Gò Năm Tước, xã xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, nằm dọc sông Vàm Cỏ Đông. Cuộc khai quật đã thu thập được nhiều hiện vật thuộc nền văn hóa Óc Eo, minh chứng cho sự tồn tại, phát triển rực rỡ một thời của Vương quốc Phù Nam xưa.
Đồng thời, qua các hiện vật được khai quật tại di tích, có thể thấy sự phát triển vượt bậc về chất lượng nghệ thuật và kỹ năng tạo tác điêu luyện, tinh tế, sinh động của những người thợ kim hoàn thời bấy giờ. Do đó, Bộ sưu tập hiện vật vàng này đã được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2013.
Di tích Gò Đồn: cuộc khai quật Gò Đồn vào năm 1988 đã phát hiện một kiến trúc đền tháp xây bằng gạch, có bố cục còn khá nguyên vẹn với chiều dài đông tây 78,5m, khuôn viên bao quanh đền hình vuông, mỗi cạnh 60m, toàn bộ kiến trúc trước khi khai quật đều nằm trong lòng đất, chỗ gần mặt đất nhất là 0.4m.
Kiến trúc Gò Đồn được xây bằng nhiều loại vật liệu khác nhau, trong đó kiến trúc đền thờ chính chủ yếu sử dụng bằng đá laterite, gồm nhiều khối chồng lên nhau thành hình đa giác, có hố thờ hình vuông ở trung tâm.
Khu đền tháp ở khu vực này có bố cục hài hòa, vững chắc với quy mộ rộng lớn, là công trình xây dựng được xem là tiêu biểu trong các kiến trúc tôn giáo của nền văn hóa Óc Eo.
Cuộc khai quật đã thu thập được nhiều hiện vật chủ yếu bằng đá bên trong hố thờ, ở trước sân đền chính và gần các đền phụ như đầu tượng thần Ganesa, tượng thần Dvarapala, các linh vật như linga, yoni cùng nhiều đồ gốm bằng đất sét pha cát mịn được chạm trổ hoa văn trang trí vô cùng độc đáo, cầu kỳ.
Tuy chỉ còn lại những phần viền mỏng, nhưng với lối kiến trúc và những hiện vật được phát hiện tại di tích Gò Đồn cho thấy tại đây từng có một công trình kiến trúc đền thờ quy mô lớn thuộc truyền thống văn hóa Óc Eo Phù Nam.
Di tích Gò Năm Tước: là một di tích kiến trúc được xây bằng gạch của một đền thờ hình chữ nhật có chiều dài 17,2m, rộng 11,1m, mặt quay về hướng Đông. Tuy phần trên của kiến trúc đã bị mất nhưng dựa vào phần chân móng bằng gạch nung rất thẳng, cấu trúc bẻ góc khi xây dựng và không được gia cố bằng gạch đá vụn hoặc đất sét, cho phép đoán định lối kiến trúc ở Gò Năm Tước tương đối đơn giản và có quy mô lớn, phần nổi được dựng bằng vật liệu nhẹ như gỗ.
Đây là loại kiến trúc khá phổ biến trong những đền thờ Pallava ở Nam Ấn và đặc trưng của nền văn hóa Óc Eo.
Với những hiện vật phát hiện được tại di tích, nhất là bản minh văn Gò Xoài, có thể đoán định Cụm di tích khảo cổ học Bình Tả là một trung tâm văn hóa tôn giáo của Nam Bộ với nhiều đền thờ lớn của Phật giáo và Hindu giáo, có niên đại từ thế kỷ I - VII và kéo dài đến thế kỷ IX – X.
Bộ sưu tập 26 hiện vật vàng được công nhận là bảo vật quốc gia, có giá trị quan trọng trong nghiên cứu văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ, minh chứng cho sự tồn tại, phát triển rực rỡ một thời của nhà nước Phù Nam. Vương quốc Phù Nam là đế chế phát triển thịnh vượng ở Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm sau Công nguyên đến thế kỷ thứ X.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian và biến cố của lịch sử, đế chế cùng sự phát triển thịnh vượng của nó đã bị chôn vùi, nhưng đến nay từng bước được phát hiện và khai quật.
Cụm di tích khảo cổ học Bình Tả được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích khảo cổ cấp quốc gia tại Quyết định số 1570-VH/QĐ ngày 05/9/1989. Đến năm 2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An phê duyệt dự án Giải phóng mặt bằng Cụm di tích khảo cổ học Bình Tả với tổng diện tích khoảng 12.066m2 và kinh phí đầu tư lớn từ nguồn ngân sách của tỉnh nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích theo hướng liên kết, liên hợp tạo phức hợp cho di tích và đặt di tích trong tuyến tổng thể các di tích của tỉnh Long An.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.