Ngay từ sáng sớm, quang cảnh trên bãi biển đã tất bật khi bè mảng của ngư dân cập bến bờ, ngư dân huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) nhanh chóng luôn tay gỡ cá trích ra khỏi lưới. Ảnh: TTXVN
Khảo sát trong nhiều ngày qua, ngay từ sáng sớm, không khí trên bãi biển thuộc các xã ven biển, bãi ngang của huyện Diễn Châu (Nghệ An) nhanh chóng sôi động khi hàng trăm bè mảng của ngư dân các xã Diễn Kim, Diễn Thịnh, Diễn Trung, Diễn Thành… cập bến bờ, chở đầy cá trích.
Để đảm bảo nguồn cá được tươi, ngon khi bè mảng vừa vào bờ, ngư dân đã nhanh chóng gỡ cá ra khỏi lưới, làm sạch cá bằng nước biển rồi đóng thùng, vận xuất đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối hoặc nhập cho các cơ sở chế biến nước mắm, các làng nướng cá biển truyền thống.
Bè mảng vừa cập bến bờ, cá gỡ khỏi lưới vẫn còn tươi xanh, mang đỏ au nên được thị trường ưa chuộng. Tùy theo kích thước cá trích sau khi phân loại, giá bán dao động từ 18.000 đến 30.000 đồng/kg ngay tại bờ biển.
Ngư dân Phạm Văn Sỹ, xóm Thái Thịnh, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, Nghệ An cho biết, cứ sau Tết là ngư dân vùng biển bắt tay vào mùa khai thác cá trích. Mùa các trích sẽ kéo dài đến tháng 5 hàng năm. Cá trích đầu mùa mình dày, thịt thơm, ngọt và bùi.
Vài năm trở lại đây, việc đánh bắt, khai thác cá trích của ngư dân cũng thuận tiện. Những ngày vừa qua, sau chuyến đi biển, mỗi bè mảng khai thác được từ 2 đến 4 tạ cá trích. Có bè mảng may mắn gặp “luồng” cá trích thì sản lượng khai thác đạt 5 đến 6 tạ trong một chuyến khai thác.
Với truyền thống khai thác cá trích từ hàng chục năm nay, ngư dân ven biển huyện Diễn Châu thường xuất bến lúc 1 hoặc 2 giờ sáng. Quá trình đánh bắt, khai thác cá trích diễn ra trong thời gian từ 6 đến 10 giờ đồng hồ trên vùng ngư trường cách đất liền từ 5 đến 7 hải lý, bè mảng của ngư dân sẽ cập bến lúc sáng sớm cùng ngày để bán hải sản cho thương lái. Sau khi nghỉ ngơi, chuẩn bị ngư lưới cụ, nhiên liệu ngư dân lại tiếp tục “gối chuyến”, vươn khơi.
Bằng kinh nghiệm lâu năm trong nghề, để đánh bắt được lượng cá trích lớn, ngư dân phải chọn ngày có điều kiện thời tiết thuận lợi mới đi biển.
Ngư dân Phạm Văn Sỹ, xóm Thái Thịnh, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, Nghệ An cho biết, biển phải lặng sóng hoặc có những con sóng nhỏ, trời không có sương mù, tầm nhìn không hạn chế thì đi biển mới khai thác, đánh bắt được nhiều cá trích.
Hiện nay, việc khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân cũng hiện đại hơn nhiều vì các chủ bè mảng đã trang bị máy dò, máy định vị phục vụ công việc khai thác hải sản.
Là xã ven biển của huyện Diễn Châu (Nghệ An), Diễn Kim có tiềm năng về kinh tế biển rất lớn khi có đường bờ biển dài gần 7 km, có cửa biển Lạch Vạn (là 1 trong 6 cửa biển lớn của tỉnh Nghệ An).
Những năm qua, xã Diễn Kim luôn xác định phát triển kinh tế biển là thế mạnh của địa phương. Hiện nay, toàn xã Diễn Kim có gần 200 bè mảng, có công suất từ 24 đến 35CV chuyên khai thác cá trích, lẹp, dớp, bầu và ruốc biển. Nhiều năm qua, nghề khai thác hải sản vùng lộng của ngư dân Diễn Kim đã tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn người dân trên địa bàn.
Trong thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục động viên bà con nhân dân bám biển, vươn khơi, khẳng định thế mạnh kinh tế biển của địa phương. Đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tàu bè lớn và các ngư lưới cụ để phát triển nghề biển mang tính bền vững hơn, mang lại thu nhập cao hơn cho bà con nhân dân. Qua đó góp phần phát triển kinh tế của xã bền vững hơn.
Huyện Diễn Châu (Nghệ An) có 8 xã ven biển, bãi ngang, trong khi các địa phương như xã Diễn Bích, Diễn Ngọc có thể mạnh về khai thác hải sản xa bờ với số lượng tàu, thuyền công suất lớn lên đến gần 500 phương tiện thì các xã Diễn Thịnh, Diễn Trung, Diễn Hải, Diễn Kim… lại có thế mạnh về khai thác hải sản vùng lộng, gần bờ với số lượng bè mảng lên đến gần 1.000 chiếc.
Để phát triển nghề khai thác hải sản vùng lộng, những năm qua, ngư dân các xã ven biển, bãi ngang của huyện Diễn Châu đã đầu tư sửa chữa, đóng mới bè mảng, mua máy mới và các trang thiết bị định vị, bộ đàm để phục vụ công việc chuyên môn; đồng thời liên kết, chia sẻ ngư trường và hỗ trợ với bạn nghề trong những chuyến vươn khơi, bám biển.
Những năm qua, nghề khai thác hải sản vùng lộng ở các xã ven biển Diễn Châu (Nghệ An) đã tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho các ngành nghề như nghề nướng cá biển, nghề chế biến nước mắm, mắm ruốc... phát triển. Từ đó tạo nên sự đa dạng và đặc trưng trong cơ cấu kinh tế của huyện ven biển Diễn Châu.