Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Dòng sông Nậm Mộ thượng nguồn là nước bạn Lào, qua địa phận biên giới Việt Nam, dòng Nậm Mộ uốn lượn quanh núi, chảy qua huyện Kỳ Sơn, Tương Dương rồi hòa vào dòng sông Cả (sông Lam).
Với chiều dài hơn 80km, dòng sông Nậm Mộ bao đời qua gắn bó với biết bao thế hệ người dân miền Tây Nghệ An, ít nhiều tạo nên những nét văn hóa, hồn cốt của bản địa vùng cao, biên giới Nghệ An.
Dòng Nậm Mộ đã gắn liền với biết bao con người nơi đây. Nậm Mộ trở thành nguồn kinh tế chính của bao gia đình bởi nguồn lượng thủy sản mang lại dồi dào. Từ đời này sang đời khác, nhiều thế hệ đã gắn bó với dòng sông, nghề sông nước...
Trên dòng sông ấy luôn có những loài cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá ghé, cá lệch, cá mát, chạch sú... thủy sản từ Nậm Mộ được thương lái hoặc các chủ nhà hàng thu mua lại với giá cao.
Các loại cá đánh bắt từ dòng Nậm Mộ luôn được xem là đặc sản, cá giá trị dinh dưỡng cao.
Cá tự nhiên được đánh bắt thủ công như câu, lưới, chài, thưởng thức các loại cá trên Nậm Mộ với cách chế biến của người dân bản địa sẽ khiến chúng ta nhớ mãi, ấn tượng.
Thợ câu ngược dòng sông Nậm Mộ ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An "săn thủy quái". (Ảnh: Hoàng Phạm).
Nậm Mộ chính là một trong hai dòng sông thượng nguồn của sông Lam, hai nhánh sông gồm Nậm Mộ và Nậm Nơn đều bắt nguồn từ nước bạn Lào, vượt qua bao thác ghềnh, núi cao, hai dòng hợp lại tại ngã ba Cửa Rào thuộc địa phận xã Xá Lượng (Tương Dương).
Có một điều hết sức đặc biệt đó là khác với sự trong xanh gần như quanh năm trên dòng Nậm Nơn, Nậm Mộ thường có nước màu đục, nhiều phù sa. Ngay tại nơi hai con sông đổ vào sông Cả, luôn để lại ấn tượng bởi dòng chảy bên đục, bên trong xanh quanh năm. Đó cũng là một trong những điều thú vị mà du khách mỗi dịp qua đây đều thấy rõ.
Tại ngã ba sông này hiện có một ngôi đền huyền bí, linh thiêng, mang trong mình bao điển tích lịch sử. Đó là Đền Vạn - Cửa Rào tọa lạc ở ngã ba Cửa Rào, điểm hợp lưu giữa dòng Nậm Nơn và Nậm Mộ.
Ngôi đền không chỉ là minh chứng, gốc tích lịch sử hào hùng, ghi nhớ công ơn về những người con anh hùng của dân tộc, trải qua hàng nghìn năm lịch sử vẫn luôn sừng sững, uy nghi, trở thành một địa chỉ sinh hoạt văn hóa, tâm linh hết sức đặc sắc bao đời nay của người dân bản địa.
Bao đời nay, dòng Nậm Mộ gắn liền với đời sống, văn hóa, lịch sử... của biết bao thế hệ người vùng cao, dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An, dòng sông mang lại sự ấm no nhờ một hệ sinh thái cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao. (Ảnh Hoàng Phạm).
Cứ mỗi dịp đầu năm mới, ngôi đền lại đông đúc khi tổ chức một lễ hội lớn, mang đậm bản sắc văn hóa người dân tộc thiểu số được tổ chức công phu, hoạt động này nhằm tưởng nhớ công lao của Đoàn Nhữ Hài - vị Đốc tướng nhà Trần có công đánh giặc Ai Lao, giữ yên bờ cõi. Sử sách lưu truyền rằng, trong một trận chiến ác liệt tại vùng gần ngã ba sông này năm 1335, ông và nhiều quân sĩ đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh anh dũng.
Để ghi nhớ công ơn của vị Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài và quân sĩ nhà Trần, Nhân dân đã lập đền thờ tại khu vực Cửa Rào để tưởng nhớ. Về sau, đền Vạn - Cửa Rào còn phối thờ Tam tòa Thánh Mẫu, được UBND tỉnh Nghệ An công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa năm 2009.
Những chuyến đi câu trên dòng sông Nậm Mộ ở miền Tây tỉnh Nghệ An thực sự là chuyến trải nghiệm hết sức thích thú. Với anh Thành, đó là những thời khắc hồi hộp, vỡ òa niềm vui khi dây câu mắc cá lớn. (Ảnh Hoàng Phạm)
Lần này, có dịp trở lại Tương Dương, tôi may mắn được anh Xây, một trong những người dân bản địa được xem là lão luyện về tuổi nghề đánh cá trên sông Cả, Nậm Mộ, Nậm Nơn cho cơ hội trải nghiệm, thả câu săn cá trên dòng Nậm Mộ.
Dòng Nậm Mộ xa xưa cá rất nhiều, đặc biệt các loài cá nổi danh như cá lệch, cá lăng, cá ghé... có những con người dân bắt được nặng tới 20 đến 30kg. Cũng chính những “thủy quái” ấy, dòng Nậm Mộ bao đời vẫn luôn huyền bí, chứa đựng biết bao sự tôn sùng, yêu mến của người dân bản địa.
Trong chuyến săn cá trên dòng Nậm Mộ lần này, ngoài anh Xây, còn có anh Nguyễn Thành. So với Xây, Thành có “tuổi nghề” mới được 1/3. Ngoài công việc thường nhật, cứ mỗi dịp nghỉ cuối tuần, Thành và Xây lại kỳ công làm câu, dùng mồi thả câu đánh cá dọc Nậm Mộ.
Cái nghề thả câu săn cá trên sông Nậm Mộ không những vất vả mà còn chứa đựng cả sự nguy hiểm. Đó là việc chèo xuồng vượt thác, nếu lơ là, thiếu cẩn trọng có thể dẫn tới lật xuồng rơi xuống sông ngay lập tức. Ghềnh thác trên dòng Nậm Mộ không hung dữ lắm, nhưng dòng chảy khá xiết và luôn cuộn trào.
Anh Xây, một trong những người gắn bó với "nghề săn cá" trên dòng Nậm Mộ. (Ảnh Hoàng Phạm)
Từ cầu Khe Kiền, sáng sớm tinh mơ, các “câu thủ” đã phải ngược Nậm Mộ buông câu. Câu săn cá trên Nậm Mộ được làm từ những dây dù và dây cước, mồi câu chủ yếu là giun đất, gián... mỗi dây câu dài tầm 15m với 15 sợi câu bằng cước dài gần 1m buộc chung vào dây dù và được thợ câu thả trên sông, một đầu dây câu sẽ được thợ câu buộc vào cây dọc sông và đánh dấu tiện cho việc quay lại lấy câu sau nhiều giờ thả câu.
Để câu chìm sâu vào dòng nước, cách một đoạn được buộc một viên đá cuội, cả một dây câu dài được thợ câu thả dọc bờ Nậm Mộ và cả giữa dòng. Trước khi thả câu, thợ câu như Xây, bằng kinh nghiệm của bản thân sẽ ngược Nậm Mộ bằng xuồng nhỏ, lựa chọn những vùng nước có khả năng cá sẽ đi ăn hoặc trú ẩn, sau đó mới buông câu.
Thao tác nhanh, gọn, chỉ với một chiếc xuồng máy nhỏ, mất khoảng 2 giờ đồng hồ, hàng chục dây câu được Thành và Xây thay nhau thả xuống dòng Nậm Mộ với chiều dài trên 1km.
Nói về những lần “đi săn cá” trên Nậm Mộ, Xây hồ hởi kể về những hôm dây câu nặng cá, thuyền đầy cá các loại. Cá trên Nậm Mộ phong phú chủng loại, luôn được xếp hạng thuộc diện đặc sản. Việc đánh bắt cá trên sông chủ yếu dùng câu, lưới... thủ công. Tuy nhọc nhằn nhưng cái nghề săn cá trở thành niêm đam mê bất tận với họ.
Sau nhiều giờ thả câu, đợi tầm 5 đến 6 tiếng đồng hồ, các “câu thủ” trên sông Nậm Mô mới quay lại để thu câu. Từ chân cầu Khe Kiền, tiếng chiếc xuồng máy nhỏ như xé tan dòng nước, ngược Nậm Mộ cùng "thợ săn” đi thu hoạch.
Ngồi trên chiếc xuồng, ngược Nậm Mộ với dòng nước xiết, tôi khá hồi hộp bởi sự nguy hiểm, nhưng hào hứng bởi trước sự trải nghiệm đặc biệt này. Chạy xuồng tầm hơn 2km ngược dòng sông, Xây bắt đầu điều khiển cho xuống quay lại theo dòng chảy của dòng sông để lấy câu.
Thành quả sau những chuyến săn trên dòng sông Nậm Mộ (tỉnh Nghệ An). (Ảnh Hoàng Phạm).
Đây mới thực sự là lúc hồi hộp nhất, công đoạn chờ đợi nhất trong hành trình săn cá trên Nậm Mộ. Dây câu lần lượt được kéo lên, kéo theo đó là những móc câu dính cá.
Ở mỗi dây câu, địa điểm thả câu, tùy vào mục tiêu săn của thợ câu, mỗi dây câu sẽ dính những loài cá gần như khác nhau, có những dây câu nặng trĩu chạch sú, có những dây kéo lên toàn cá ngạnh... hiếm hoi lắm mới có cá ghé, cá lăng dính câu, cá ghé được xem như hàng hiếm trên dòng Nậm Mộ, đây cũng là loài cá có giá trị dinh dưỡng, kinh tế cao.
Trong hành trình lần này, tôi gần như được trọn vẹn cảm nhận hết cảm xúc, chứng kiến việc săn cá trên dòng Nậm Mộ.
Đó là một cuộc đi săn đầy thú vị bằng phương pháp thủ công, đòi hỏi sự lão luyện, kinh nghiệm và cả sự bạo gan khi ngược Nậm Mộ, ngược ghềnh nước chảy xiết để buông câu, thu câu và hồi hộp chờ đợi những “thủy quái” dưới dòng Nậm Mộ bất ngờ dính câu.
Cá trên dòng Nậm Mộ luôn dồi dào, còn đó những “thủy quái” như cá lệch, cá lăng hàng chục kg, nhưng hiếm hoi lắm người dân bản địa mới săn bắt được.
Dòng sông Nậm Mộ vẫn cuộn chảy quanh năm, bao đời, mang trong đó là cả một bề dày văn hóa, lịch sử, đời sống gắn liền với bao thế hệ người vùng cao xứ Nghệ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.