Dòng họ Phạm ở xã Nghi Ân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã có ở đây hàng trăm năm qua. Dòng họ hiện đang lưu giữ một chiếc tráp bằng gỗ, trong đó chứa hai bản sắc phong.
Chiếc tráp gỗ được dòng họ Phạm ở xã Nghi Ân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An lưu giữ qua nhiều đời. Chiếc tráp gỗ cổ xưa này chứa, lưu giữ hai bản sắc phong do vua ban. Ảnh: N.T.
Chiếc tráp gỗ được lưu giữ từ đời này qua đời khác. Các đời trưởng tộc của dòng họ Phạm là người có trách nhiệm lưu giữ, bảo quản chiếc tráp gỗ.
Tuy nhiên, nội dung hai bản sắc phong được viết bằng chữ hán nên trong dòng họ không ai hiểu rõ nội dung được viết trong hai bản sắc phong này. Chỉ biết rằng đây là một vật quý nên thay nhau bảo quản, lưu giữ.
Sắc phong hiện vẫn còn khá nguyên vẹn, mặt trước ghi chữ Hán. Ông Phạm Văn Trung (53 tuổi, tộc trưởng dòng họ Phạm ở xã Nghi Ân, thành phố Vinh) cho biết, tráp gỗ này đã được dòng họ lưu truyền qua nhiều thế hệ nhưng không ai biết nội dung bên trong.
Mới đây, dòng họ quyết định nhờ người phiên dịch ra để tìm hiểu về nhân thế, công lao của cha ông.
Một ống tròn bằng gỗ được để phía trong chiếc tráp cổ xưa của dòng họ Phạm ở xã Nghi Ân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An lưu giữ 2 bản sắc phong do vua ban. Ảnh: N.T
Khi chiếc tráp gỗ được mở, phía trong là hai bản sắc phong do vua ban. Dòng họ Phạm, xã Nghi Ân, TP Vinh, tỉnh Nghệ An đã lưu giữ những bản sắc phong này qua nhiều đời. Ảnh: N.T.
Khi bản sắc phong được dịch ra, bí mật trong chiếc tráp bằng gỗ mới được giải mã. Hai đạo sắc này là do vua Lê Hiển Tông ban tặng vào năm Cảnh Hưng thứ 40 (năm 1779) và Cảnh Hưng 44 (năm 1783). Cả 2 bản sắc phong đều tặng ông Phạm Thành.
Theo bản tạm dịch, sắc phong thứ nhất niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40 có nội dung: "Sắc cho Phạm Thành, quê xã Ngô Xá, huyện Chân Phúc (nay là xã Nghi Ân, thành phố Vinh, Nghệ An), là Thị hầu Nội tiệp Hậu đội ưu binh đội trưởng.
Bản thân theo Thượng tướng quân Quốc Lão, được sai đi đánh giặc ở đạo Quảng Thuận. Lập được công tích lớn.
Đã được chỉ chuẩn cho thăng chức Bách hộ. Xứng đáng với chức vụ là: Phấn lực tướng quân hiệu lệnh tư tráng sĩ Bách hộ, Hạ trật. Vậy nên sắc ban!"
Những bản sắc phong vua ban đựng trong chiếc tráp cổ xưa của dòng họ Phạm ở xã Nghi Ân, TP Vinh, tỉnh Nghệ An đã cũ, được viết trên nền giấy có hoa văn rồng. Ảnh: N.T
Nội dung hai bản sắc phong được dòng họ Phạm ở xã Nghi Ân, thành phố Vinh, Nghệ An lưu giữ còn nguyên vẹn. Ảnh: N.T.
Nội dung đạo sắc thứ 2 niên hiệu Cảnh Hưng 44 (năm 1783) cũng tặng cho ông Phạm Thành: "Sắc cho Bách hộ Phạm Thành là Thị hầu Nội tiệp thuộc Hậu đội ưu binh.
Năm Nhâm Dần (1982) cùng với nội ngoại chư hầu theo tự vương, đã có công được tấu chuẩn thăng chức 2 lần, lại được cho thăng chức một lần nữa, là hầu nhận các chức: Phó Thiên hộ, Thiên hộ, Thiêm Tổng tri.
Lại xứng với chức, Trì uy tướng quân, Thủ ngự Tổng tri tư, Phi Kỵ úy, Thiêm Tổng tri, Trung liệt. Vậy nên sắc ban!"
Cả hai bản sắc phong được làm bằng giấy cứng, màu vàng đậm, trên nền trang trí hình rồng và một số họa tiết mây, lửa... Do chưa có nhà thờ họ, lâu nay tráp đựng sắc phong vẫn được lưu giữ ở nhà ông Trung. Trải qua hàng trăm năm, hiện sắc phong đã bị hư hỏng nhẹ ở các góc.
Ông Phạm Ngọc Lưu (74 tuổi, hậu duệ của ông Phạm Thành) cho biết, một trận bão lớn năm 1982 càn quét đã khiến gia phả nhà họ Phạm bị mất. Đến nay, con cháu trong dòng họ cũng chỉ ước chừng dòng họ Phạm ở xã Nghi Ân đã có trên 300 năm.
Sau khi biết, hiểu về hai bản sắc phong mà dòng họ đã lưu giữ hàng trăm năm quan, ông Lưu và dự định sẽ làm đơn kiến nghị các cơ quan chức năng xếp hạng sắc phong nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn.