Dòng họ Đào ở Nghệ An nay vẫn giữ được 17 sắc phong cổ do vua Quang Trung, vua nhà Nguyễn ban
Dòng họ Đào ở Nghệ An nay vẫn giữ được 17 sắc phong cổ quý hiếm do vua ban
Thứ tư, ngày 03/01/2024 05:42 AM (GMT+7)
Dòng họ Đào ở xóm Phú Thọ, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) hiện vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn 17 sắc phong các triều vua ban cho dòng họ. Những tấm sắc phong ấy như báu vật và được lưu truyền qua nhiều thế hệ trong dòng họ.
Dòng họ Đào ở xóm Phú Thọ, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) hiện vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn 17 sắc phong các triều vua ban cho dòng họ. Những tấm sắc phong ấy như báu vật và được lưu truyền qua nhiều thế hệ trong dòng họ.
Nhà cụ Đào Văn Ngữ (86 tuổi), huyện Đô Lương, (tỉnh Nghệ An) đang lưu giữ 17 sắc phong các triều, trong đó có một sắc rất quí của vua Quang Trung năm thứ 5 (1792) cho tướng quân Đào Đình Truật vào đội tình nguyện Trung quân vua Quang Trung, trực tiếp chỉ huy kéo quân ra Thăng Long.
Đây là nguồn tư liệu lịch sử cực kỳ quý hiếm, giúp cho việc nghiên cứu lịch sử các danh nhân, danh tướng.
Cụ Đào Văn Ngữ cho biết: “Dòng họ Đào (ở xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) có công lưu giữ được nhiều sắc phong, đặc biệt sắc phong dưới triều Quang Trung ban cho tướng quân Đào Đình Truật là tư liệu hiếm có ở Nghệ - Tĩnh được phát hiện sau Sắc phong vua Quang Trung cho Tướng quân Nguyễn Sĩ Xung và một đạo khác vua Quang Trung sắc phong cho Đô đốc Hồ Phi Chấn ở Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Với những gia tộc có người được ban tặng sắc phong ở Nghệ An thì đây là một chứng tích lưu danh muôn thuở, là báu vật vô giá.
Bởi vậy, sắc được chúng tôi coi trọng, bảo quản, lưu giữ cẩn mật, được cất trong ống quyển và đặt vào hộp sơn son thếp vàng. Hộp sắc được đặt nơi trang nghiêm nhất trên nhang án”.
Sắc phong của Vua Quang Trung năm thứ 5 (1792) cho tướng quân Đào Đình Truật, người quê xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An).
Danh nhân Đào Đình Truật sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ tướng. Ông nội là Đào Đình Địa, từng làm quan đến chức Thị hầu Trung tả kỳ trụ đội nhất đội, Xuân Tài bá dưới triều Lê Cảnh Hưng.
Chú ruột của ông là Đào Đình Vy cũng là vị tướng quân triều Lê Cảnh Hưng. Tướng quân Đào Đình Truật vào đội tình nguyện Trung quân vua Quang Trung trực tiếp chỉ huy kéo ra Thăng Long, đánh tan 29 vạn quân Thanh.
Trên đường trở lại Nghệ An, đến Thanh Hóa thì Tướng quân Đào Đình Truật lâm bệnh mất và an táng luôn tại đó.
Sắc triều Quang Trung ban cho Đào Đình Truật có khổ 50cm x 130cm. Nền sắc có Rồng ẩn, có bờm hoa văn mây lửa, đuôi xoắn có 6 vây đuôi. Toàn nền có ẩn nhiều nốt chấm tròn, hoa văn tinh tú. Sắc còn nguyên vẹn. Dấu đóng của Nhà vua có khổ hình vuông mỗi cạnh 17 cm, trong có 4 chữ triện: “Triều mệnh chi báu”.
Trên sắc ghi rõ: “Sắc cho tả bật phù cơ phó chiến Đào Đình Truật, quê tại xã Đại Tuyền, huyện Nam Đường đã từng theo chiến trận, có nhiều công lao, đặc chuẩn ban chức Trung úy, tước tử. Nay gia phong trung úy anh dũng tướng quân tước nhân tài tử, ra sức làm tròn bổn phận, việc quân sai, nếu trễ nải, không chăm chỉ phải chịu theo phép quân. Vậy thay! Cố sắc”.
Ngay sau khi vua Quang Trung ban sắc phong cho cụ Đào Đình Truật thì dòng họ Đào ở xã Lưu Sơn- Đô Lương đã phát huy truyền thống dòng họ đóng góp công sức xây dựng quê hương, đất nước và được nhiều triều đại vua thời Nguyễn như Minh Mệnh, Tự Đức, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái… phong thêm 16 sắc phong.
Cụ Ngữ cho biết: “Chúng tôi đã in các sắc phong trong gia phả, có dịch nghĩa phát cho các gia đình, để con cháu biết đến truyền thống dòng họ qua các sắc phong, từ đó phát huy công việc của bản thân, giúp ích cho quê hương đất nước.
Hằng năm, chỉ vào những ngày tế thần, các chức sắc trong làng mới đưa sắc ra đọc, mỗi lần như vậy đều có tế lễ cẩn trọng. Nhiều bản sắc phong đã hàng trăm năm nay vẫn còn giữ được nét tươi đẹp, ánh màu vàng bạc lấp lánh hình rồng phượng và hoa văn mây, tinh tú trên giấy lụa”.
Ông Phạm Công Vinh, Phó ban quản lý di tích và danh thắng Nghệ An cho biết: “Dòng họ Đào là một trong những dòng họ tiêu biểu trong việc giữ gìn chứng tích lịch sử, trong đó có sắc phong cực kỳ hiếm quý của Vua Quang Trung.
Thời gian qua, đã có nhiều sắc phong do không được bảo quản tốt và do ý thức người dân chưa coi trọng nên đã bị mối mọt, hư hỏng nhiều.
Hiện, Nghệ An đã sưu tầm, bảo tồn trong các di tích, gia phả dòng họ được trên 1.500 sắc phong. Tỉnh Nghệ An đang tập trung dịch thuật, khai thác phục vụ cho nhu cầu đánh giá, tôn vinh các thần, các nhân vật nhằm giáo dục truyền thống cho nhân dân và thế hệ trẻ biết tới công ơn tổ tiên, những người mở nền văn hiến cho quê hương, đất nước”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.