Dân Việt

Học sinh kể với công an muốn thử thuốc lá điện tử vì thấy... ngầu

Mỹ Quỳnh 12/03/2024 14:49 GMT+7
Theo Công an TP.HCM, thị trường ngày càng nhiều sản phẩm có chứa ma túy và các chất gây nghiện với chủng loại, mẫu mã khác nhau, tội phạm liên quan đến ma túy ngày càng phức tạp. Đáng nói, tỷ lệ xâm nhập ma túy vào giới trẻ ngày càng gia tăng.

 Học sinh nói muốn thử thuốc lá điện tử vì thấy... ngầu 

Ngày 12/3, Sở GDĐT TP.HCM và Công an TP.HCM ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện chương trình tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phòng chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024 – 2030.

Theo báo cáo của Công an TP.HCM, trong 3 năm (2021 đến 2023), Công an TP và các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 4.654 vụ, 11.917 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về ma túy; thu giữ hơn 3,19 tấn ma túy các loại.

Công an TP.HCM

Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM, chia sẻ tại lễ ký kết hợp tác. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Tính đến giữa tháng 12/2023, tổng số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép các chất ma túy, người quản lý sau cai nghiện trên địa bàn TP.HCM là 24.581 người. Trong đó, số người đang ở ngoài xã hội là 10.318 người. Đây là số lượng được đánh giá là nguồn cầu nối tội phạm ma túy, tiềm ẩn rất cao nguy cơ phạm tội ma túy cũng như lôi kéo giới trẻ.

Cũng theo Công an TP.HCM, từ đầu năm 2020 đến nay, ma túy tổng hợp chiếm phần lớn với tỷ lệ 73,38%. Ma túy xâm nhập vào giới trẻ, học đường bằng nhiều hình thức tinh vi, "núp bóng" dưới mác thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử... Trong đó, có thể kể đến các loại như bánh lười, nước vui, bột trà sữa, ma túy tem giấy, kẹo...

Công an TP.HCM
Công an TP.HCM
Công an TP.HCM

Các loại ma túy ""núp bóng"" dưới dạng thực phẩm, thức uống xâm nhập vào học đường. Ảnh: CATP

Theo thống kê của Công an TP.HCM, số lượng học sinh sử dụng ma túy khá thấp. Tuy nhiên, có những trường hợp sử dụng ma túy trong thời gian dài nhưng gia đình và nhà trường không hay biết. 

Nhiều học sinh đang học tại TP.HCM cũng chia sẻ với Công an TP.HCM về vấn nạn ma túy học đường, trong đó, có em cho rằng vì trên facebook hay bắt gặp các bài đăng bán về ma túy, thuốc lá điện tử nên tò mò, click vào tìm hiểu xem đó là gì. Có em cho biết, từng nghĩ hút thuốc rất "ngầu" nên muốn thử...

Một nhiệm vụ cần thực hiện liên tục, quyết liệt và đồng bộ

Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM chia sẻ, công tác phòng chống ma túy trong trường học cần sự chung tay phối hợp của lãnh đạo các trường học, các giáo viên, gia đình học sinh và chính quyền địa phương, với nhiều giải pháp linh hoạt và đi vào chiều sâu. Đây cũng là nhiệm vụ cần thực hiện thường xuyên, liên tục, quyết liệt và đồng bộ.

Công an TP.HCM

Công an TP.HCM ký kết với Sở GDĐT TP.HCM về kế hoạch phối hợp phòng, chống ma túy trong trường học. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Ông Nam đề nghị, các Phòng GDĐT, các đơn vị trường học cần rà soát kế hoạch phối hợp với lực lượng công an các quận, huyện và thành phố Thủ Đức để thực hiện các hoạt động tuyên truyền, nâng cao kỹ năng về phòng chống ma túy cho giáo viên, học sinh ở các trường; giáo viên cần được tập huấn đầy đủ các kỹ năng về nhận diện ma túy và các chất gây nghiện để có sự truyền đạt hiệu quả tới học sinh; lực lượng công an cần chủ động rà soát, tăng cường kiểm tra, nắm chắc tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, đấu tranh phòng và chống các loại tội phạm có liên quan đến ma túy.

Đặc biệt, chính quyền các cấp cũng phải vào cuộc với các đơn vị trường học, để tạo ra một sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng chống ma túy ở trường học nói riêng, địa bàn nói chung.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM, cho sẻ hàng năm, Sở này đều phối hợp với Công an TP.HCM, Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tổ chức nhiều chương trình tập huấn công tác phòng chống ma túy, thuốc lá cho đội ngũ ban giám hiệu, giáo viên, học sinh, học viên của các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Thêm vào đó, ngành giáo dục đang triển khai xây dựng mô hình trường học hạnh phúc, trong đó có việc tạo ra không gian học tập thoải mái cho học sinh, mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh được xây dựng trên tinh thần lắng nghe, chia sẻ và tin tưởng lẫn nhau.

Do đó, trước hết, trường học cần tổ chức không gian học tập an toàn cho học sinh, sau đó là sự phối hợp của gia đình và chính quyền địa phương nhằm tạo hành lang bảo vệ học sinh. Khi công tác phối hợp được đẩy mạnh sẽ tạo ra sức đề kháng giúp học sinh có kỹ năng nhận diện và kiên quyết nói không với ma túy

Lãnh đạo Sở đề nghị Trưởng phòng GDĐT các quận huyện và thành phố Thủ Đức, tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn cần ký kết kế hoạch phối hợp với công an địa phương, xây dựng môi trường học an toàn, hạnh phúc cho cả giáo viên và học sinh.

Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh, nhân rộng các tấm gương điển hình học sinh, các gương người tốt – việc tốt trong trường học, từ đó sẽ đẩy lùi các hành vi xấu trong học đường.