Chuyên gia tâm lý chia sẻ về thi tuyển sinh lớp 10: Thí sinh phải xác định được "điểm rơi phong độ"

Mỹ Quỳnh Thứ hai, ngày 11/03/2024 13:11 PM (GMT+7)
Theo chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An, để hoàn thành tốt kỳ thi lớp 10, học sinh cần chuẩn bị kỹ ba yếu tố gồm sức khỏe, tâm lý và năng lực. Đặc biệt, các em cũng cần chú ý đến khái niệm về "điểm rơi phong độ".
Bình luận 0

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2024 tại TP.HCM dự kiến tổ chức vào tháng 6 tới đây. Đến thời điểm hiện tại, học sinh, phụ huynh đều đang gấp rút tính toán, cân nhắc để lựa chọn nguyện vọng vào trường THPT công lập.

Xác định "điểm rơi phong độ"

Tại một chương trình tư vấn tuyển sinh lớp 10 vừa được tổ chức ở quận 1 (TP.HCM), Tiến sỹ tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ, hầu hết các thí sinh thi đầu cấp đều rơi vào tình trạng băn khoăn, lo lắng vì không dự báo được kết quả thi của mình. Trong khi đó, kết quả này lại ảnh hưởng đến định hướng tương lai của học sinh. Các em cứ nghĩ rằng, phải đậu vào trường top mới là thành công, nhưng thực sự không phải vậy.

Chuyên gia tâm lý chia sẻ về thi tuyển sinh lớp 10: Thí sinh phải xác định được "điểm rơi phong độ"- Ảnh 1.

TS. Đào Lê Hòa An tư vấn cho phụ huynh, học sinh chuẩn bị tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Theo ông Hòa An, chính những điều này đã tạo ra áp lực không đáng có cho học sinh. Ngoài ra, các em còn đối diện với nhiều áp lực khác từ phụ huynh, bạn bè, xã hội…

Để chuẩn bị tốt nhất cho tâm lý cũng như sức khỏe trước kỳ thi, ông An khuyên thí sinh cần quan tâm tới một khái niệm "điểm rơi phong độ". "Điểm rơi phong độ" nghĩa là dù việc học tập của học sinh có lúc lên cao, có lúc xuống thấp, có lúc ngang ngang… nhưng các em phải canh làm sao cho đến ngày đi thi, điểm rơi này phải ở đỉnh cao nhất.

Để có được "điểm rơi phong độ" này, ông An cho rằng, thí sinh phải hội tụ đủ ba yếu tố, bao gồm sức khỏe, tâm lí và năng lực.

"Khoảng 2 tuần trước ngày thi, nhiều học sinh dự định sẽ nghỉ ngơi, ăn, chơi, thư giãn… để chuẩn bị tốt nhất tinh thần cho kỳ thi. Thế nhưng, qua khảo sát cho thấy, có đến 95% học sinh thức thâu đêm để học bài. Đến ngày thi, nhiều em có đôi mắt thâm quầng như gấu trúc, có khi thầy cô còn không cho vào phòng thi vì hình ảnh trên giấy báo dự thi qua khác so với hình ảnh ngoài đời", TS. Đào Lê Hòa An hóm hỉnh chia sẻ.

Do đó, TS.Hòa An nhắn nhủ, học sinh cần ngủ đủ giấc trong 2 tuần trước ngày thi. Đồng thời, trong khoảng thời gian 2 tuần này, các em cần thức dậy đúng thời gian mà mình dự định sẽ đi thi (tùy vào khoảng cách nhà xa hay gần điểm thi, các em có thể căn giờ thức dậy phù hợp) để đồng hồ sinh học quen với thời gian đó, đến ngày đi thi không bị mệt. Thêm vào đó là bổ sung dinh dưỡng đầy đủ trong khoảng thời gian ôn thi.

Chuyên gia tâm lý chia sẻ về thi tuyển sinh lớp 10: Thí sinh phải xác định được "điểm rơi phong độ"- Ảnh 3.

Rất nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm tới kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Đặc biệt, TS Hòa An nhắc nhở, đề thi khó hay dễ cũng là khó chung hoặc dễ chung với tất cả các thí sinh dự thi. Do đó, việc các em cần quan tâm là năng lực làm bài của chính bản thân mình. Các em cần ôn bài đúng cách, có thể trao đổi cùng với bạn bè, thầy cô để nắm vững kiến thức, tự tin đối diện với kỳ thi.

TS.Hòa An cũng không quên chia sẻ một mẹo nhỏ hữu ích, đó là các em nên mang theo vài thanh kẹo chocolate hoặc vài thanh singum. Chocolate có thể cung cấp năng lượng, đồng thời, có thể giúp thí sinh tỉnh táo hơn. Đặc biệt, các em cũng đừng quên mang theo nước uống và nhớ giữ tinh thần thoải mái, nở nụ cười với bạn bè xung quanh cũng như thầy cô giám thị để tự tin hơn.

Sẽ có rất nhiều cánh cửa mở ra sau bậc THCS

TS.Đào Lê Hòa An cũng nhắn nhủ, sắp tới đây sẽ có nhiều con đường, nhiều cánh cửa mở ra cho học sinh, không chỉ duy nhất cánh cửa bước vào trường THPT công lập.

Chuyên gia tâm lý chia sẻ về thi tuyển sinh lớp 10: Thí sinh phải xác định được "điểm rơi phong độ"- Ảnh 4.

Ngoài trường THPT công lập, sẽ có nhiều cánh cửa khác mở ra cho học sinh như học hệ ngoài công lập, Trung tâm GDTX-GDNN, trung cấp... Ảnh: Mỹ Quỳnh

Dẫn chứng điều này, ông An cho biết, ông có một người anh hiện là tiến sĩ, bác sĩ, trưởng khoa ở bệnh viện Đại học Y dược. Người anh này học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên suốt 3 năm cấp 3 chứ không học ở trường THPT công lập. Ông An cho rằng học ở đâu không phải là vấn đề, điều quan trọng là chính bản thân học sinh phải hiểu rõ mình như thế nào, năng lực của mình ra sao, từ đó lựa chọn con đường phù hợp với bản thân.

TS.Hòa An lấy ví dụ, con rùa được cho là loài vật chậm chạp, nó di chuyển trên mặt đất với tốc độ chỉ khoảng 0,3 km/h. Thế nhưng, khi thả rùa vào trong nước, nó lại bơi rất nhanh. Sách kỷ lục Guinness thế giới năm 1992 đã ghi nhận, rùa là loài bò sát có thể bơi được trong nước nhanh nhất thế giới với vận tốc 32,28 km/h.

"Mỗi bạn học sinh đều những tiềm năng riêng của mình, các bạn có thể vào trường THPT công lập hay ngoài công lập đều được, bạn nào thông minh hơn có thể lựa chọn học ở bậc trung cấp hoặc cao đẳng cũng được... đó là chương trình đi tắt đón đầu để phát huy tối đa tất cả những năng lực mà học sinh đang có. 

Ai có năng lực về tư duy thì lựa chọn môi trường THPT công lập, ngoài công lập; ai có năng lực về thực hành thì có thể lựa chọn hướng đi theo trường nghề, trường trung cấp, cao đẳng... Tất cả các con đường đều rộng mở ở phía trước, điều quan trọng là các bạn ý thức về bản thân mình như thế nào chuẩn bị chu đáo cho hành trang tương lai ra sao", TS.Đào Lê Hòa An nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem