Dân Việt

Ồ ạt phát triển nhân lực ngành thiết kế vi mạch

Mỹ Quỳnh 18/03/2024 13:06 GMT+7
Không chỉ ĐH Quốc gia TP.HCM, Khu Công nghệ cao TP.HCM đi đầu đào tạo, hợp tác đào tạo, phát triển ngành thiết kế vi mạch, bán dẫn, mà các trường đại học ở nhiều địa phương cũng đang đẩy mạnh hoạt động này.

Để đón đầu xu hướng, nhiều trường đại học đang thi nhau tuyển sinh các ngành, chuyên ngành về thiết kế vi mạch, bán dẫn.

Tại TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM là đơn vị đang có nhiều hoạt động đẩy mạnh việc đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn trong năm 2024. Hiện tại, các trường thành viên như ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Bách khoa, ĐH Công nghệ thông tin đã triển khai kế hoạch tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch trong năm nay.

Ồ ạt phát triển nhân lực ngành thiết kế vi mạch - Ảnh 1.

Đào tạo vi mạch tại ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: VNU

ĐH Quốc gia TP.HCM cũng vừa ký kết hợp tác với Tập đoàn công nghệ Synopsys (Hoa Kỳ) - một công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA).

Theo đó, Synopsys sẽ chia sẻ giáo trình đào tạo và cấp phép sử dụng các bộ công cụ, phần mềm thiết kế chip cho sinh viên của ĐH Quốc gia TP.HCM; tiếp nhận sinh viên đến thực tập và giới thiệu việc làm cho kỹ sư thiết kế vi mạch được đào tạo tại ĐH Quốc gia TP.HCM; hỗ trợ ĐH Quốc gia TP.HCM bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ lĩnh vực thiết kế vi mạch; phối hợp phát triển Viện nghiên cứu bán dẫn ĐH Quốc gia TP.HCM và hỗ trợ kết nối để ĐH Quốc gia TP.HCM cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các đối tác toàn cầu của Synopsys...

Lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM kỳ vọng, thông qua việc hợp tác có thể đào tạo được khoảng 1.800 kỹ sư có trình độ cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.

Ồ ạt phát triển nhân lực ngành thiết kế vi mạch - Ảnh 3.

Đoàn cán bộ tham quan Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn (ESC) - mô hình hợp tác giữa SHTP Training thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPH.CM và Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Sun Edu. Ảnh: SHTP

Cũng tại TP.HCM, cuối tháng 2/2024 vừa qua, Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) đã ký kết hợp tác với Công ty Siemens Electronic Design Automation (Siemens) - công ty hàng đầu thế giới với bộ giải pháp công nghệ toàn diện từ thiết bị đến sản xuất các sản phẩm điện tử bán dẫn, để phát triển năng lực đào tạo nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.

Thỏa thuận hợp tác dựa trên việc phát huy những lợi thế và kinh nghiệm của Khu Công nghệ cao TP.HCM trong hoạt động đào tạo nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, khai thác những thế mạnh của công ty Siemens trong việc cung cấp các phần mềm thiết kế và phối hợp các hoạt động đào tạo thiết kế IC/PCB.

Tại Cần Thơ, ngày 17/3, bốn đơn vị gồm Sở Khoa học và Công nghệ TP.Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Công ty Cổ phần giáo dục quốc tế Sun Edu cũng ký kết thỏa thuận hợp tác về đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn.

Ồ ạt phát triển nhân lực ngành thiết kế vi mạch - Ảnh 4.

Lễ ký kết hợp tác 4 bên tại TP.Cần Thơ có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND Cần Thơ Trần Việt Trường... Ảnh: M.L

Theo đó, các bên sẽ cùng hợp tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn, để đón đầu nhu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này; tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu cho các đối tượng là các viên chức, giảng viên và sinh viên trên địa bàn TP.Cần Thơ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; tổ chức các sự kiện truyền thông về hoạt động triển khai chương trình; tổng hợp, báo cáo, đánh giá hiệu quả hoạt động đào tạo, đồng thời tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực một cách hiệu quả, chất lượng.

Theo ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành công nghiệp quan trọng như công nghiệp bán dẫn có vai trò đặc biệt quan trọng trong tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho biết từ kinh nghiệm của các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, TP.Cần Thơ đang tập trung xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, trước mắt tập trung ở khâu phát triển nguồn nhân lực điện tử và vi mạch bán dẫn, cung ứng không chỉ cho thành phố mà còn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Có thể thấy, những nỗ lực trên của các cơ sở giáo dục, Khu công nghiệp, ban ngành... đều để tiến tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm thiết kế vi mạch của khu vực và thế giới, lọt top 5 thế giới vào năm 2030, cung cấp 50.000 nhân lực cho ngành thiết kế vi mạch, bán dẫn.