Cận cảnh "siêu máy chủ" đầu tiên mà trường ĐH ở Việt Nam sở hữu
Tuyển sinh ồ ạt ngành "hot" Thiết kế vi mạch, 3-4 năm nữa liệu có đảm bảo đầu ra?
Mỹ Quỳnh
Thứ bảy, ngày 02/03/2024 07:12 AM (GMT+7)
Việc nhiều trường triển khai đào tạo ngành Thiết kế vi mạch sẽ tạo ra nguồn nhân lực lớn trong 3-4 năm tới. Tuy nhiên, liệu rằng nhu cầu nguồn lực trong vài năm tới có nhiều như kỳ vọng và đầu ra của sinh viên có được đảm bảo?
Công nghệ vi mạch là một lĩnh vực quan trọng trong ngành công nghiệp điện tử và viễn thông, đặc biệt là trong bối cảnh của Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0. Việc có đủ nhân lực có kỹ năng chuyên môn trong việc thiết kế vi mạch là điều cực kỳ quan trọng để phát triển ngành công nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trong năm 2024, nhiều trường đại học trên cả nước bắt đầu tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch, đây cũng là ngành học dự đoán sẽ có nhiều học sinh nộp hồ sơ xét tuyển. Tại TP.HCM, một số trường lần đầu tuyển sinh ngành này có thể kể đến như Trường Đại học Bách Khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM...
Đam mê liệu đã đủ để theo ngành "hot" Thiết kế vi mạch
Trao đổi với Dân Việt, TS.Nguyễn Minh Sơn, Trưởng khoa Kỹ thuật Máy tính cho biết, ngành Thiết kế vi mạch được phát triển từ ngành Kỹ thuật máy tính của trường. Trước đây, ngành kỹ thuật máy tính có hai chuyên ngành gồm thiết kế vi mạch và Hệ thống nhúng. Sau quá trình phát triển, nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo mới, tập trung chuyên sâu hơn về thiết kế vi mạch.
TS. Nguyễn Minh Sơn đánh giá, ngành Thiết kế vi mạch của UIT có ưu điểm so với các trường khác là sinh viên sẽ nắm thêm về thiết kế vi mạch theo hệ thống. Nhà trường cũng đầu tư thêm cho sinh viên học chuyên sâu về thiết kế vi mạch số và theo hướng System on a chip (hệ thống vi mạch trên chip). Đây là thế mạnh của Trường ĐH Công nghệ thông tin.
Sinh viên ngành Thiết kế vi mạch của Trường ĐH Công nghệ thông tin được học kiến thức cơ sở ngành bán dẫn, điện tử, máy tính, công nghệ thông tin và chuyên ngành kỹ thuật thiết kế vi mạch, cùng kiến thức về kỹ năng mềm khác. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên nắm vững kiến thức nền tảng và chuyên sâu về kỹ thuật thiết kế vi mạch để ứng dụng; có kỹ năng thiết kế, hiện thực hóa và đánh giá hệ thống, giải pháp của ngành thiết kế vi mạch.
Ngoài ra, để tham gia các dự án tại doanh nghiệp, sinh viên còn được học kỹ năng sử dụng các công cụ thiết kế, mô phỏng và đánh giá kiểm tra từ các hãng nổi tiếng trên thế giới như Synopsys, Cadence, Siemens (Mentor Graphics), Xilinx.
Dù đây là ngành học "hot" trong thời điểm hiện tại, tuy nhiên, TS. Nguyễn Minh Sơn lưu ý, học sinh muốn chọn ngành này thì ngoài đam mê cần có yếu tố quan trọng về năng lực học tập.
Theo đó, học sinh phải có tư duy logic, có năng lực học tập môn Toán ở mức độ khá giỏi trở lên. Tương tự, năng lực về ngoại ngữ cũng phải ở mức khá giỏi trở lên. Thông thường, trường sẽ lựa chọn học sinh có năng lực ở khối khoa học tự nhiên và ngoại ngữ, đây là hai tiêu chí quan trọng ngoài đam mê. Ngoài ra, một số kỹ năng cần thiết khác như làm việc chăm chỉ, siêng năng; giải quyết vấn để tỉ mỉ, cẩn thận... sẽ được nhà trường đào tạo trong quá trình học đại học.
Nếu các em học sinh chưa đáp ứng được các tiêu chí trên thì nên cân nhắc kỹ khi chọn ngành học này.
Cần có chính sách kèm theo đối với ngành vi mạch bán dẫn
TS.Nguyễn Minh Sơn, Trưởng khoa Kỹ thuật Máy tính, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, Thiết kế vi mạch là một ngành, chuyên ngành khó nên ít người học. Thời điểm hiện tại, nhân lực ngành này khi ra trường luôn đảm bảo 100% có việc làm.
Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, truyền thông, nhiều trường triển khai đào tạo ngành Thiết kế vi mạch nên trong khoảng 3-4 năm nữa, số lượng nhân lực cung cấp cho thị trường là rất lớn. Lúc này, câu chuyện đầu ra cho sinh viên sẽ là vấn đề cần phải tính toán.
TS. Sơn cho rằng, khi xây dựng nguồn nhân lực thì góc nhìn vĩ mô là phải có chính sách kèm theo đối với ngành vi mạch bán dẫn. Chính sách này không chỉ đơn thuần là chính sách về nguồn lực, mà còn là pháp lý, cơ chế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài... ; đặc biệt là phát triển các doanh nghiệp ở Việt Nam.
"Người Việt Nam phải phát triển doanh nghiệp Việt Nam, xây dựng hệ sinh thái cho người Việt chứ không thể phụ thuộc vào nguồn nhân lực nước ngoài. Chúng ta thu hút, tạo điều kiện cho người nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, nhưng muốn nội lực phát triển thì phải có chính sách. Chính doanh nghiệp Việt Nam phát triển thì con người Việt Nam mới phát triển... Nếu không, chúng ta đào tạo dư người thì phải đối mặt với việc thất nghiệp, chuyển đổi ngành nghề", ông Sơn nói.
Ông Sơn nói thêm, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm thiết kế vi mạch của khu vực và thế giới, lọt top 5 thế giới vào năm 2030 với nhu cầu nhân lực cho ngành này khoảng 50.000 người. Để lọt top 5, chúng ta phải có những tập đoàn lớn, có hệ sinh thái cũng như các doanh nghiệp kèm theo. Tuy nhiên, trong vài năm tới, Việt Nam chưa xây dựng được điều này thì lượng kỹ sư ngành Thiết kế vi mạch được đào tạo ra chắc chắn sẽ "hụt hẫng".
"Trước đây, đặc thù của ngành này là ngành học khó nên tỷ lệ sinh viên theo học ít. Bây giờ, với chính sách truyền thông tốt, số lượng đầu vào sẽ rất đông. Tuy nhiên, nhu cầu của doanh nghiệp chưa tăng nhanh như mức độ đầu vào. Tôi không lo lắng về chuyên môn, nhưng lo lắng về thị trường tương lai, nhu cầu nguồn lực có nhiều như chúng ta kỳ vọng kỳ vọng hay không", ông Sơn chia sẻ.
Trường ĐH Công nghệ thông tin (UIT), ĐH Quốc gia TP.HCM vừa chi hơn 10 tỷ đồng để mua NVIDIA DGX A100, một siêu máy chủ của hãng chip lớn nhất thế giới. Trường này cũng là cơ sở giáo dục đầu tiên tại Việt Nam đầu tư siêu máy chủ này để phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Được biết, siêu máy chủ NVIDIA DGX A100 là hệ thống phổ quát cho tất cả các AI workload (công việc cần sử dụng trí tuệ nhân tạo), cung cấp mật độ tính toán, hiệu suất và tính linh hoạt chưa từng có trong hệ thống AI 5 petaFLOPS đầu tiên trên thế giới.
Siêu máy chủ này sẽ được ứng dụng trong nghiên cứu, giảng dạy ngành Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu, Công nghệ thông tin và các ngành liên quan mà trường đang đào tạo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.