TP.HCM: 24 giảng viên đầu tiên trong lĩnh vực thiết kế vi mạch
Khu Công nghệ cao TP.HCM đào tạo 24 giảng viên đầu tiên trong lĩnh vực thiết kế vi mạch
Quang Sung
Thứ sáu, ngày 10/02/2023 15:53 PM (GMT+7)
Ngày 10/2, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Công ty Synopsys đã trao chứng nhận cho 24 giảng viên đầu tiên hoàn thành khóa đào tạo trong lĩnh vực thiết kế vi mạch - Training of Trainers (ToT).
Với mục đích đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành Công nghiệp Vi mạch TP.HCM, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Công ty Synopsys (SynopsyS) đã phối hợp triển khai mô hình Trung tâm Thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao (SHTP Chip Design Center - SCDC).
Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao được chọn là nơi thiết lập, quản lý và vận hành mô hình SCDC, với cơ sở vật chất ban đầu là phòng đào tạo được hỗ trợ trang thiết bị từ Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và phần mềm bản quyền từ Synopsys.
Đến nay, trung tâm SCDC đã tổ chức khóa đào tạo giảng viên (Training of Trainers - ToT) cho 24 giảng viên đầu tiên, trong lĩnh vực thiết kế vi mạch đến từ các trường đại học, cơ sở đào tạo.
GS.TS Đặng Lương Mô - Cố vấn Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, lĩnh vực vi mạch là lĩnh vực rất quan trọng đối với ngành công nghiệp điện tử. Trong đó, yếu tố chủ đạo để phát triển lĩnh vực này là công tác đào tạo. “Ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam phải đào tạo ra thầy, chứ không đào tạo ra thợ”, GS.TS Đặng Lương Mô nhấn mạnh.
Trong số 24 thành viên vừa tham gia khóa ToT có các giảng viên trẻ từ các trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Bách Khoa, Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Cần Thơ, Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Văn Lang.
Khóa ToT của SCDC được tổ chức từ ngày 19/12/2022 đến ngày 10/2/2023 tại Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao (TP.Thủ Đức, TP.HCM). Xuyên suốt khóa học, các giảng viên tham gia lớp theo lịch học toàn khóa, nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ thực hành từ các kỹ sư dày dặn kinh nghiệm của Synopsys.
Chương trình đào tạo được thiết kế và hướng dẫn thực hành toàn bộ bằng phần mềm thiết kế vi mạch của Synopsys. Đặc biệt, các giảng viên tham gia được tiếp cận toàn bộ thư viện, tài liệu giảng dạy độc quyền của Synopsys, từ đó có thể xây dựng chương trình giảng dạy thiết kế vi mạch phù hợp thực tiễn cho công tác giảng dạy sau này.
Bên cạnh đó, các giảng viên được bố trí làm việc, thảo luận theo nhóm và tham gia các buổi hội thảo với khách mời là các chuyên gia trong ngành vi mạch trong và ngoài nước. Cuối khóa ToT, các giảng viên sẽ thực hiện bài thi kết thúc khóa học và được cấp chứng nhận.
PGS.TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cho biết, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam còn yếu, doanh số xuất khẩu chủ yếu đến từ doanh nghiệp FDI, không phải từ doanh nghiệp trong nước. “Cái chúng ta cần là phát triển các doanh nghiệp điện tử trong nước. Hiện nay, tại các trường đại học tại Việt Nam, môn công nghiệp vi mạch được đào tạo trong khoa điện tử, chưa có khoa chuyên về vi mạch. Do đó, vai trò của công tác đào tạo, vai trò của các thầy cô là rất lớn”, PGS.TS Nguyễn Anh Thi cho biết
“Với cách tiếp cận về chiến lược đối với lĩnh vực vi mạch, chúng ta không đi từ dưới đi lên, tức là đi từ gia công lắp ráp đi lên. Chúng ta đi từ trên đi xuống, tức là đi từ thiết kế đi xuống. Do đó, ngay từ đầu, khi sản xuất phải lấy các tiêu chuẩn quốc tế làm thước đo, lấy thị trường trong nước làm bàn đạp để xuất khẩu”, PGS.TS Nguyễn Anh Thi nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.