Ngày 23/3, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Kiên (ngụ xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, đã có đơn gửi đến chính quyền địa phương trình báo việc 15 ao cá nuôi thương phẩm của gia đình bị thiệt hại sau sự cố rơi cánh quạt trụ tuabin gió tại nhà máy điện gió Hòa Bình 5; đồng thời yêu cầu Công ty cổ phần năng lượng Hacom Bạc Liêu (chủ đầu tư) bồi thường hơn 160 tỷ đồng tiền thiệt hại do cá bị chết.
"15 ao nuôi cá của gia đình tôi được nuôi theo mô hình công nghệ cao, ao lót bạc, sâu khoảng 3m nước, chạy quạt, cá thả nuôi với mật độ dày… nhưng hiện tại cá chết rất nhiều sau sự cố trên", ông Kiên nói và cho biết, ngay sau khi sự cố xảy ra cá có biểu hiện chết ngay, lúc cán bộ địa phương đang có mặt tại hiện trường để lập biên bản vụ việc.
Theo ông Kiên, ngày 1/3, trụ điện gió số 8 của Công ty Hacom Bạc Liêu rơi tuabin cánh quạt từ độ cao 140m xuống có 3 nguyên nhân khiến 15 ao nuôi cá của ông bị chết.
Một là rơi từ độ cao 140m, cánh quạt nặng hơn 100 tấn gây chấn động mạnh; hai là khi sự cố xảy ra một số đường dây điện của Công ty Hacom và dây điện dọc theo các ao nuôi bị đứt, điện phóng xuống kênh; và cuối cùng là sự cố gây mất điện nhiều giờ, hệ thống quạt chạy ô xy theo các ao nuôi không hoạt động được.
"Tôi yêu cầu chủ đầu tư bồi thường hơn 160 tỷ đồng, trong đó gồm tiền cá giống (to và nhỏ) hơn 7,4 tỷ đồng, thức ăn 8 tỷ đồng; số cá to thương phẩm khoảng 52 tỷ đồng, cá nhỏ 95 tỷ đồng...", ông Kiên nói.
Theo ông Kiên, sau khi ông gửi đơn, cơ quan chức năng địa phương có để khảo sát, kiểm tra mức độ thiệt hại, lập biên bản ghi nhận hiện trường, nhưng đến nay cả chính quyền và chủ đầu tư nhà máy điện gió vẫn chưa có động thái nào thể hiện thiện chí giải quyết yêu cầu của gia đình ông.
Như Dân Việt đã thông tin: Vào khoảng 17h ngày 1/3, trụ tuabin gió WT08 của Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 (giai đoạn 1) nằm tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) bị rơi vỏ động cơ và cánh quạt.
Được biết, nhà máy điện gió Hòa Bình 5 được xây dựng trên diện tích gần 30ha với 26 trụ tuabin, mỗi trụ cao 140m; vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng; khánh thành vào cuối tháng 4/2022. Nhà máy điện gió này có quy mô lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.