Vụ 'oan sai 38 năm' ở TP.HCM: Có oan sai, tòa án vẫn bác đơn đòi bồi thường vì "không đủ điều kiện"

Hoàng Hưng Chủ nhật, ngày 15/10/2023 06:55 AM (GMT+7)
Tòa án nhân dân (TAND) TP.HCM đã bác đơn khởi kiện đòi bồi thường của ông Cường vì không đủ điều kiện theo quy định pháp luật. Mặc dù các cơ quan luật pháp ở TP.HCM (trong đó có TAND TP.HCM) đã kết luận ông Cường oan sai.
Bình luận 0

Không đủ điều kiện bồi thường

Báo Dân Việt ngày 17/2/2023 đã đăng bài: "TP.HCM: Chịu oan sai 38 năm, người dân chưa được bồi thường". Nội dung bài báo phản ánh trường hợp ông Trịnh Dân Cường (sinh 1956, trú 196/93B Hậu Giang, phường 6, quận 6, TP.HCM) bị oan sai đã 38 năm, vẫn chưa được bồi thường. Cụ thể: Vào năm 1985 của thế kỷ trước, ông Cường bị bắt tạm giam và đưa đi cải tạo, do Công an quận 6 nghi ngờ ông Cường liên quan trong vụ án trộm cắp.

Sau đó, sự thật được các cơ quan chức năng xác minh làm rõ. Vụ bắt bớ, giam giữ oan ức 3 người dân (trong đó có ông Trịnh Dân Cường) đã vi phạm luật pháp nghiêm trọng (1 người đã tự sát trong trại giam). Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, bắt giam một số cán bộ đã có hành vi bắt giữ, giam người trái luật tại Cơ quan điều tra - Công an quận 6, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) quận 6, Công an TP.HCM…

Vụ 'oan sai 38 năm' ở TP.HCM: Vì sao tòa án bác đơn đòi bồi trường của ông Trịnh Dân Cường? - Ảnh 1.

Ông Trịnh Dân Cường tại TAND quận 6, TP.HCM vào tháng 2/2023. Ảnh: Hoàng Hưng

Tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm xét xử 4 bị can trong vụ án trên đã xác định ông Trịnh Dân Cường bị bắt giam, giữ và cải tạo oan sai. Đồng thời, cơ quan luật pháp đã ký giấy trả tự do cho ông Cường. Dù được tự do, nhưng các cơ quan luật pháp lại chưa ra bất kỳ văn bản nào đình chỉ điều tra bị can, đình chỉ điều tra vụ án "trộm cắp tài sản" đối với ông Cường (?).

Sau khi ra tù, ông Cường bị vợ con xa lánh, bản thân bệnh tật, không còn sức khỏe, không nhà cửa, phải đi ở nhờ, không nghề nghiệp… suốt 38 năm qua. 

Hàng ngày, ông Cường phải đi xin cơm từ thiện tại một ngôi chùa để sống qua ngày. Cách đây vài năm, nhờ một vài người biết chuyện hướng dẫn ông Cường làm đơn xin bồi thường oan sai. Song, nhiều cơ quan có thẩm quyền từ quận 6 đến TP.HCM đều không giải quyết.

Vụ 'oan sai 38 năm' ở TP.HCM: Vì sao tòa án bác đơn đòi bồi trường của ông Trịnh Dân Cường? - Ảnh 2.

Suốt thời gian qua, ông Trịnh Dân Cường đã được ông Nguyễn Công Trung (phải) đồng hành, tận tình hướng dẫn ông Cường khởi kiện đòi bồi thường oan sai. Ảnh: Hoàng Hưng

Đầu năm 2023, ông Cường khởi kiện Viện KSND quận 6 ra TAND quận 6, TP.HCM để đời khoản tiền bồi thường hơn 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, TAND quận 6 đã bác đơn khởi kiện của ông Cường. Không chấp nhận, ông Cường tiếp tục kháng cáo lên cấp phúc thẩm TAND TP.HCM.

Ngày 25/9 vừa qua, TAND TP.HCM đã ra Quyết định số 984/2023/QĐ-PT, giải quyết việc kháng cáo của ông Trịnh Dân Cường. 

Theo đó, TAND TP.HCM cho rằng: Ông Trịnh Dân Cường (nguyên đơn) đã khởi kiện Viện KSND quận 6 (bị đơn), trong vụ án dân sự "Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do Cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự". Đơn kháng cáo của ông Cường đã kháng cáo toàn bộ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của TAND quận 6.

Theo TAND TP.HCM, quy định tại khoản 5 Điều 3, điểm a khoản 2 Điều 7 - Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định về điều khoản chuyển tiếp, thì một trong những căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này và có yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự giải quyết yêu cầu bồi thường.

Vụ 'oan sai 38 năm' ở TP.HCM: Vì sao tòa án bác đơn đòi bồi trường của ông Trịnh Dân Cường? - Ảnh 4.

Hiện ông Trịnh Dân Cường tự nguyện làm phật tử tại một ngôi chùa để hàng ngày được ăn suất cơm từ thiện. Ảnh: Hoàng Hưng

Căn cứ Điều 91 - Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017, "Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự quy định tại Điều 18 của Luật này bao gồm:

Bản án của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường.

Quyết định của Tòa án, Viện Kiểm sat, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường.

Văn bản khác theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật này".

Theo tòa phúc thẩm, ông Trịnh Dân Cường không có một trong các điều kiện theo quy định của pháp luật như đã viện dẫn, nên cấp sơ thẩm đình chỉ giải quyết vụ án, do chưa đủ điều kiện khởi kiện là đúng quy định.

Vụ 'oan sai 38 năm' ở TP.HCM: Vì sao tòa án bác đơn đòi bồi trường của ông Trịnh Dân Cường? - Ảnh 5.

Ông Trần Văn Rén - nguyên Đội phó Đội điều tra - Công an quận 6 , vào thời điểm xảy ra vụ "trộm cắp tài sản" năm 1985. Ông Rén khẳng định "việc tình nghi và bắt giam ông Cường là sai hoàn hoàn toàn". Ảnh: Song Mai

Mặt khác, TAND TP.HCM cũng cho rằng, ông Cường kháng cáo yêu cầu hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu kháng cáo, nên Hội đồng phúc thẩm không có căn cứ chấp nhận. Từ đó, TAND TP.HCM đã không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Trịnh Dân Cường.

Điều này đồng nghĩa ông Cường không nhận được tiền bồi thường oan sai trong suốt 38 năm qua. Bên cạnh đó, ông Trịnh Dân Cường tiếp tục mang thân phận là đối tượng bị điều tra trong vụ án "trộm cắp tài sản" đã xảy ra cách đây hơn… 38 năm.

Còn cơ hội cho ông Trịnh Dân Cường được bồi thường oan sai?

Theo ý kiến của các chuyên gia thì việc ông Trịnh Dân Cường thiếu 1 trong 3 điều kiện nêu trên là vì… thời hiệu bồi thường oan sai đã hết hạn. Do hết thời hiệu bồi thường oan sai, nên không cơ quan chức năng nào ban hành văn bản xác nhận thiệt hại đối với ông Trịnh Dân Cường.

Ông Đinh Văn Quế - nguyên Chánh tòa hình sự, thành viên Hội đồng Thẩm phán (Tòa án nhân dân tối cao) - cho rằng: "Theo pháp luật hiện hành, nếu hết thời hạn 2 năm mà người bị oan không yêu cầu bồi thường thì bị coi là hết thời hiệu. Thời hiệu là thời hạn do Quốc hội đặt ra được ghi vào luật; nhưng trên thực tế nếu nói cứ hết thời hiệu là không được yêu cầu bồi thường nữa thì cũng phải xem lại".

Vụ 'oan sai 38 năm' ở TP.HCM: Vì sao tòa án bác đơn đòi bồi trường của ông Trịnh Dân Cường? - Ảnh 6.

Hình ảnh ông Trịnh Dân Cường (trái) tại TAND quận 6, TP.HCM. Ảnh: N.C.T

Ông Đinh Văn Quế phân tích, vì Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ban hành từ tháng 6/2009 – lúc đó Bộ Luật Dân sự và Bộ Luật Tố tụng hình sự  chưa được sửa đổi, bổ sung, cũng quy định thời hiệu khởi kiện.

Nay, Bộ Luật Dân sự và Bộ Luật Tố tụng hình sự đã được Quốc hội thông qua năm 2015 không còn quy định về thời hiệu khởi kiện nữa. Trong khi đó, việc bồi thường án oan sai vẫn chưa sửa đổi, bổ sung về thời hiệu yêu cầu bồi thường án oan sai.

Theo nguyên Chánh tòa hình sự, khi có Nghị quyết 388 và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng phải rà soát xem ở địa phương của mình, đơn vị mình có bao nhiêu trường hợp bị oan sai thuộc diện phải bồi thường. Đồng thời, thông báo cho người bị oan sai biết để họ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường, xin lỗi…

Nếu đã thông báo mà người bị oan sai không yêu cầu bồi thường thì phải lập biên bản hoặc bằng một hình thức nào đó để tránh lọt, sót…

Vụ 'oan sai 38 năm' ở TP.HCM: Vì sao tòa án bác đơn đòi bồi trường của ông Trịnh Dân Cường? - Ảnh 7.

Ông Đinh Văn Quế - nguyên Chánh tòa hình sự, TAND tối cao. Ảnh: Hoàng Hưng

"Với tinh thần như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói: Cái gì có lợi cho dân thì nên làm. Nếu Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước còn quy định thời hiệu 2 năm là không có lợi cho người dân, chưa kể người dân bị oan, thì Quốc hội cũng nên kịp thời sửa đổi, bổ sung ngay.

Bồi thường oan cho một công dân là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Vậy mà pháp luật lại yêu cầu người dân bị oan phải… làm đơn ! 

Có lẽ sắp tới khi sửa đổi, bổ sung Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cùng với việc bỏ thời hiệu yêu cầu bồi thường, cũng nên bỏ luôn cả việc người bị oan phải làm đơn yêu cầu được bồi thường, mà trách nhiệm bồi thường oai sai là của Nhà nước, trong đó có cơ quan tiến hành tố tụng" - ông Quế nói.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Tấn Thi – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoa Sen (TP.HCM) cũng nhận định: "Việc công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại do oan sai đối với ông Trịnh Dân Cường là lẽ đương nhiên.

Các cơ quan thực thi pháp luật quận 6 đã sai phạm luật pháp đối với công dân nên phối hợp đưa ra phương án xin lỗi, khôi phục lại danh dự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai. Hãy hành động từ tâm, với thiện chí sai thì xin lỗi, khắc phục, đừng tìm cách thoái thác trách nhiệm; bởi người dân đã bị thiệt hại quá nhiều".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem