Tại hội thảo với chủ đề: "Sống chung với hạn, mặn vùng ĐBSCL" được tổ chức mới đây tại Trường Đại học Cần Thơ, ban tổ chức cho biết, có các ý kiến cho rằng, không nên đầu tư hàng loạt cống ngăn mặn ở ĐBSCL, mà tuỳ theo từng vùng, từng nơi và việc này cần cân nhắc thận trọng trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, với vai trò là Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NNPTNT), ông Kiều Văn Công cần có ý kiến.
Theo đó, ông Công cho biết, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 là cơ quan trực thuộc Bộ NNPTNT, đã có 40 năm hoạt động, nhiệm vụ chính là quản lý, đầu tư các dự án thủy lợi, trong đó có các công trình cống ngăn mặn.
Riêng các công trình cống ngăn mặn, trong giai đoạn 2016-2021, chúng tôi hoàn thành nhiều dự án quan trọng, phát huy hiệu quả rất cao, như cống âu thuyền Ninh Quới, các cống vùng Nam Măng Thít (tỉnh Trà Vinh và tỉnh Vĩnh Long), đặc biệt nhất là hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang).
Trong giai đoạn 2021-2025, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 phụ trách 8 dự án, trong đó có 2 dự án chuyển nước, 2 dự án trữ nước (cống âu Nguyễn Tấn Thành ở Tiền Giang và hệ thống công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam Sông Hậu ở Sóc Trăng).
Đối với cống âu Nguyễn Tấn Thành, theo ông Công, đã áp dụng giải pháp vừa thi công, vừa ngăn mặn nên đã kiểm soát nước mặn từ mùa khô 2022- 2023, tiết kiệm rất nhiều tiền, phục vụ được 41.000ha trong vùng dự án cho địa bàn tỉnh Tiền Giang và tỉnh Long An.
Đối với hệ thống công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam Sông Hậu, phục vụ 19.000ha và tạo nguồn cho 36.000ha, công trình này có đa mục tiêu, trong đó có việc cung cấp nước ngọt cho các nhà máy nước, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Phấn đấu trong mùa khô 2024-2025, hệ thống công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam Sông Hậu sẽ kiểm soát tốt được ngăn mặn.
Đối với giai đoạn về sau, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 đã trình Bộ NNPTNT duyệt loạt dự án thực hiện ở Cà Mau, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh. Khi các dự án hoàn thành sẽ dần khép kín các tiểu vùng, từ đó tình trạng xâm nhập mặn sẽ được cải thiện đáng kể.
"Nếu làm được điều này thì bức tranh hạn mặn theo báo cáo hàng năm vào sâu 50-60km sẽ giảm đi rất nhiều" - ông Công nói.
Đối với các ý kiến cho rằng, không nên đầu tư hàng loạt cống ngăn mặn ở ĐBSCL, mà tuỳ theo từng vùng, từng nơi và việc này cần cân nhắc thận trọng khi kinh tế khó khăn, ông Công nhấn mạnh: "Làm gì cũng có 2 mặt, mặt tốt và hạn chế, khi đầu tư công trình thì phải cân nhắc, cái nào mang lại lợi ích nhiều hơn thì quyết, tất nhiên là phải giảm thiểu thiệt hại".
Ông Công giải thích thêm rằng, làm công trình cống ngăn mặn ở ĐBSCL, khi cần nước chảy qua thì cho chảy qua, không phải ngăn sông hoàn toàn.