Vì sao vẫn chưa đóng hoàn toàn cống Cái Lớn để ngăn mặn?

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 14/03/2024 16:02 PM (GMT+7)
Trong 3 ngày qua, cống Cái Lớn ở Kiên Giang đã đóng 7/11 cửa van, theo kế hoạch, trong ngày mai (15/3) sẽ đóng tiếp 2 cửa van nữa. Trong thời gian tới, nếu độ mặn ở mức khốc liệt và mực nước đáp ứng yêu cầu, cống Cái Lớn mới được xem xét đóng hoàn toàn 11 cửa van.
Bình luận 0

Chiều nay 14/3, thông tin từ đơn vị vận hành hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé là Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi miền Nam cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa đóng hoàn toàn cống Cái Lớn (trên sông Cái Lớn, tỉnh Kiên Giang) để ngăn mặn.

Vì sao vẫn chưa đóng hoàn toàn cống Cái Lớn để ngăn mặn?- Ảnh 1.

Trong 3 ngày qua, cống Cái Lớn ở Kiên Giang đã đóng 7/11 cửa van, theo kế hoạch, trong ngày mai (15/3) sẽ đóng tiếp 2 cửa van nữa. Ảnh: Huỳnh Xây

Việc đóng hoàn toàn cống Cái Lớn để ngăn mặn chỉ thực hiện khi độ mặn phải ở mức rất cao và mực nước đáp ứng yêu cầu. Trong 3 ngày qua, cống Cái Lớn đã đóng 7/11 cửa van, theo kế hoạch, trong ngày mai (15/3) sẽ đóng tiếp 2 cửa van nữa.

Trong thời gian tới, nếu độ mặn ở mức khốc liệt và mực nước đáp ứng yêu cầu, cống Cái Lớn mới được xem xét đóng hoàn toàn 11 cửa van.

Như vậy, từ lúc đưa vào vận hành đến nay, cống Cái Lớn chưa từng đóng hoàn toàn các cửa van (trừ thời điểm tổ chức diễn tập).

Riêng cống Cái Bé (trên sông Cái Bé) có 2 cửa van, hiện đã được đóng hoàn toàn.

Khi cửa van đóng, các phương tiện thủy sẽ lưu thông qua âu thuyền của cống Cái Lớn và cống Cái Bé.

Vì sao vẫn chưa đóng hoàn toàn cống Cái Lớn để ngăn mặn?- Ảnh 2.

Cống Cái Bé trên sông Cái Bé. Ảnh: Huỳnh Xây

Đơn vị vận hành cống Cái Lớn - Cái Bé đang phân công nhiều cán bộ, kỹ sư theo dõi chặt tình hình mặn, kiểm tra mực nước, chất lượng nước cũng như cập nhật tiến độ sản xuất lúa trong vùng dự án để có hướng xử lý kịp thời, đảm bảo ngăn mặn, lấy nước ngọt đầy đủ.

Trước đó, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực III đã ra thông báo về việc hạn chế giao thông đường thủy trên sông Cái Lớn để phục vụ cho việc vận hành cụm cống Cái Lớn - Cái Bé kể từ ngày 14 đến 17/3.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, từ cuối tháng 2 đến nay, trên sông Cái Lớn, độ mặn 4‰ đã xâm nhập sâu khoảng 52km. Trên sông Cái Bé, độ mặn 4 ‰ xâm nhập sâu khoảng 11km.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, độ mặn cao nhất mùa khô 2023-2024 trên sông Cái Lớn, Cái Bé ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, độ mặn cao nhất xuất hiện vào tháng 3 - 4/2024 và khả năng kết thúc muộn.

Cống Cái Lớn - Cái Bé có tổng vốn đầu tư trên 3.300 tỉ đồng, do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NNPTNT) làm chủ đầu tư.

Trong đó, cống Cái Lớn có tổng chiều rộng thông nước là 455m, gồm 11 cửa van, mỗi cửa rộng 40m và âu thuyền rộng 15m. Cống Cái Bé tổng chiều rộng thông nước 85m, gồm 2 cửa van, mỗi cửa rộng 35m và 1 âu thuyền rộng 15m.

Mục tiêu của dự án cống Cái Lớn - Cái Bé giúp kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi tại ĐBSCL với diện tích tự nhiên 384.120 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản trên 346.200 ha.

Công trình cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam này kết hợp với tuyến đê biển phía Tây sẽ tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng.

Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 10/2019 và hoàn thành vào tháng 11/2021. Hiện công trình được giao cho Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi miền Nam vận hành khai thác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem