Đề xuất chi hàng nghìn tỷ đồng làm thêm các cống kiểm soát mặn để vận hành hiệu quả cống Cái Lớn- Cái Bé

Huỳnh Xây Thứ tư, ngày 15/03/2023 07:42 AM (GMT+7)
Cho rằng để khai thác hiệu quả cống Cái Lớn - Cái Bé (siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam), một số địa phương ở ĐBSCL như Kiên Giang, Bạc Liêu và Hậu Giang đề xuất làm thêm hàng loạt công trình kiểm soát mặn và điều tiết nước với tổng nguồn vốn rất lớn.
Bình luận 0

Đề xuất làm thêm hàng loạt công trình

Để cống Cái Lớn - Cái Bé phát huy hiệu quả, đáp ứng đầy đủ các nhiệm vụ đã đề ra cũng như khắc phục những hạn chế mà Báo Dân Việt đã thông tin ở bài trước, theo tìm hiểu của phóng viên, Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang đã kiến nghị Bộ NNPTNT xem xét đầu tư xây dựng 10 cống từ cống Xẻo Rô đến đê biển Tây, tức là phía hạ lưu sông Cái Lớn để kiểm soát mặn. Theo đề xuất, tổng mức đầu tư 10 cống nói trên là 900 tỷ đồng.

Siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam sau 1 năm vận hành: Đề xuất làm thêm hàng loạt công trình khác (Bài 3) - Ảnh 1.

Cho rằng để khai thác hiệu quả cống Cái Lớn - Cái Bé (siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam), một số địa phương ở ĐBSCL như Kiên Giang, Bạc Liêu và Hậu Giang đề xuất làm thêm hàng loạt công trình kiểm soát mặn và điều tiết nước với tổng nguồn vốn rất lớn. Trong ảnh, sông Cái Lớn ở Kiên Giang. Ảnh: Huỳnh Xây

Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang còn kiến nghị Bộ NNPTNT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng cải tạo, nâng cấp công âu thuyền Tắc Thủ và các cống trên tuyến đê biển Tây thuộc tỉnh Cà Mau, để hoàn chỉnh, khép kín toàn tuyến đê biển Tây Kiên Giang - Cà Mau.

Tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị Bộ NNPTNT tiếp tục hỗ trợ triển khai nhân rộng 5 mô hình thí điểm đạt hiệu quả cao. Cụ thể là mô hình tôm - lúa ở huyện U Minh Thượng và huyện Gò Quao; mô hình cây ăn trái ở huyện Giồng Riềng, Gò Quao và U Minh Thượng; mô hình khóm - cau - dừa ở huyện Châu Thành; mô hình khóm - tôm ở huyện Gò Quao; cuối cùng là mô hình cánh đồng mẫu lớn ở huyện Giồng Riềng và huyện An Biên.

Từ những vấn đề khó khăn trong công tác điều tiết nước mặn phục vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu như Dân Việt đã thông tin ở bài trước đó, mới đây, ngày 2/3, ông Ngô Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu đã kiến nghị Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam xem xét, điều chỉnh quy trình vận hành siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam để hài hòa lợi ích cho các tỉnh nằm trong vùng dự án. Trong đó, cần xem xét biện pháp tiếp tục cắt giảm triều biển Tây tác động vào vùng dự án trong mùa khô hàng năm.

Để phát huy hiệu quả của cống Cái Lớn - Cái Bé, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu đề xuất Bộ NNPTNT hỗ trợ đầu tư 16 cống đầu các kênh trục nằm dọc theo phía Bắc trục kênh Quản lộ Phụng Hiệp của tỉnh Bạc Liêu để tạo điều kiện phân vùng sản xuất và chủ động trong công tác điều tiết nước của tỉnh. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện được đề xuất là 350 tỷ đồng.

Ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu còn đề xuất Bộ NNPTNT hỗ trợ đầu tư nạo vét 8 trục kênh cấp 1 thuộc vùng dự án của tỉnh Bạc Liêu, tổng chiều dài 120,5 km với tổng kinh phí 475 tỷ đồng.

Cũng như 2 địa phương nói trên, Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cũng vừa đề xuất Bộ NNPTNT hỗ trợ tỉnh nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng vùng giáp nước tỉnh Hậu Giang (khoảng 45.000 ha). Đồng thời, quan tâm hỗ trợ tỉnh thực hiện dự án "Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL (WB11), tỉnh Hậu Giang".

Cần có quy trình vận hành chính thức đối với cống Cái Lớn – Cái Bé

Để siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam phát huy hiệu quả, đáp ứng đầy đủ các nhiệm vụ đã đề ra, mới đây, Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi miền Nam - đơn vị trực tiếp vận hành siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam đã đề xuất với Bộ NNPTNT cũng như các địa phương trong vùng hưởng lợi từ dự án là đầu tư xây dựng khép kín các công trình trên tuyến đê biển Tây.

Siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam sau 1 năm vận hành: Đề xuất làm thêm hàng loạt công trình khác (Bài 3) - Ảnh 2.

Các vùng hưởng lợi từ cống Cái Lớn - Cái Bé. Ảnh: Huỳnh Xây

Xem xét đầu tư các công trình kiểm soát mặn dọc theo hạ lưu cống Cái Lớn - Cái Bé; đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến bờ bao dọc theo hạ lưu cống Cái Lớn Cái Bé; xem xét đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình phân ranh các tiểu vùng (mặn - lợ; lợ - ngọt luân phiên; ngọt) của các địa phương vùng dự án; công trình kiểm soát mặn và khép kín đê biển Tây tỉnh Cà Mau.

Đối với các địa phương, xây dựng kế hoạch sản xuất, khung lịch thời vụ (lúa, cây trồng cạn, nuôi trồng thủy sản...) phủ hợp, linh hoạt theo tình hình diễn biến thời tiết, khí hậu, thủy văn, nguồn nước và có sự thống nhất của các địa phương.

Kế hoạch này phải phát huy được tiềm năng, lợi thế, phù hợp với tập quán canh tác của nông dân và mục tiêu, nhiệm vụ của dự án, năng lực thiết kế của các công trình trong hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Lưu ý, khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm việc bố trí kế hoạch sản xuất, khung lịch thời vụ của các cơ quan chức năng đã ban hành, không chạy theo hiệu quả sản xuất tức thời.

Siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam sau 1 năm vận hành: Đề xuất làm thêm hàng loạt công trình khác (Bài 3) - Ảnh 3.

Cống Cái Bé. Ảnh: Huỳnh Xây

Ở một diễn biến khác, về phía các địa phương trong vùng hưởng lợi của dự án cống Cái Lớn - Cái Bé như Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu,...đều mong muốn Bộ NNPTNT giao đơn vị chức năng phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam ban hành quy chế phối hợp, quy trình vận hành chính thức đối với cống Cái Lớn – Cái Bé trong thời gian tới. Song song đó là giao đơn vị chức năng tiếp tục theo dõi, để có những đề xuất điều chỉnh phù hợp.

Các địa phương trong vùng hưởng lợi của dự án cống Cái Lớn - Cái Bé cũng đề xuất Bộ NNPTNT nghiên cứu triển khai giai đoạn 2 dự án. Tuy nhiên, theo thông tin từ Cục quản lý Xây dựng công trình (Bộ NNPTNT), giai đoạn 2 dự án của dự án đã được Bộ NNPTNT phê duyệt và đổi tên thành Dự án cụm công trình Tắc Thủ và các công trình thủy lợi ven biển Tây.

Theo quyết định của Bộ NNPTNT, dự án cụm công trình Tắc Thủ và các công trình thủy lợi ven biển Tây sẽ cải tạo âu thuyền Tắc Thủ (cũ) và xây mới 1 âu thuyền và 1 cống; xây dựng mới 4 cống hở (Nổng Kè Nhỏ, Nổng Kè Lớn, Giồng Kè, Bến Gỗ) và 1 cống ngầm Hai Chài.

Dự án do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 714 tỷ đồng. Thời gian thực hiện 4 năm kể từ ngày khởi công.

Khi hoàn thành, dự án cùng với cống Cái Lớn - Cái Bé sẽ chủ động kiểm soát mặn, điều tiết nguồn nước cho vùng phía nam sông Cái Lớn và vùng phía bắc Cà Mau.

Cụ thể là giữ ngọt từ cuối mùa mưa đến hết tháng 12 hàng năm để phục vụ sản xuất ổn định vụ lúa cho khoảng 75.745 ha huyện U Minh, Thới Bình tỉnh Cà Mau và huyện Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang.

Đồng thời, hỗ trợ cấp nước có độ mặn thấp phục vụ nuôi trồng thủy sản trong mùa khô với diện tích khoảng 120.000 ha huyện Thới Bình, TP.Cà Mau (tỉnh Cà Mau); huyện Phước Long, Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu) và huyện Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang. Dự án còn giúp kiểm soát triều cường, hỗ trợ tiêu úng, giảm ngập cho khu vực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem