Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp: 6 tháng nữa sẽ ban hành quy trình vận hành chính thức cống Cái Lớn- Cái Bé
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp: 6 tháng nữa sẽ ban hành quy trình vận hành chính thức cống Cái Lớn- Cái Bé
Khương Lực
Thứ năm, ngày 23/03/2023 06:15 AM (GMT+7)
Sau khi Dân Việt đăng tải loạt bài "Siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam sau 1 năm vận hành", Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã chia sẻ về những mặt được, chưa được trong 17 tháng vận hành thử nghiệm cống Cái Lớn - Cái Bé và câu chuyện xử lý mâu thuẫn mặn - ngọt ở các địa phương vùng hưởng lợi.
Mở đầu cuộc trò chuyện với Dân Việt, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nêu quan điểm: "Câu chuyện về cống Cái Lớn - Cái Bé, tôi muốn phải có cái nhìn thực tế, khách quan và khoa học, đồng thời phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, kinh phí đầu tư của Nhà nước và phong tục, tập quán sản xuất của người dân. Sự phù hợp này phải nằm trong tổng thể tái cơ cấu, chứ không phải việc giữ nguyên hiện trạng như bây giờ".
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ, mục tiêu đầu tiên của cống Cái Lớn - Cái Bé là điều tiết nguồn nước mặn, ngọt, lợ cho vùng sản xuất 350.000ha. Đồng thời, điều tiết nguồn nước này để hỗ trợ các địa phương trong tái cơ cấu sản xuất, chuyển dịch giống cây trồng, vật nuôi phù hợp. Khi nguồn nước mặn, ngọt, lợ ổn định thì các địa phương phải quy hoạch lại vùng sản xuất phù hợp với nguồn nước đã ổn định này.
Mục tiêu thứ hai của cống Cái Lớn – Cái Bé hỗ trợ về điều tiết giảm lũ cho mùa lũ. Kết quả hệ thống này điều tiết được giảm lũ trong mùa lũ. Mục tiêu thứ ba là kết hợp với các công trình khác đang và sẽ đầu tư để tạo thành một hệ thống vận hành đảm bảo phân ranh mặn – ngọt ổn định, chống nước biển dâng, chống sụt lún, xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thưa ông, như báo điện tử Dân Việt đã phản ánh thực tế và qua ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, sau hơn 1 năm vận hành siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam- cống Cái Lớn- Cái Bé ở đồng bằng sông Cửu Long bên cạnh nhiều mặt được, cũng xuất hiện những bất cập cần khắc phục, giải quyết. Ông có thể cho biết cụ thể kết quả vận hành hệ thống thủy lợi này trong thời gian vừa qua?
- Cống Cái Bé vận thành tháng 9/2021, cống Cái Lớn vận hành tháng 1/2022. Sau gần 2 năm vận hành quy trình tạm thời của Bộ NNPTNT, có mấy vấn đề cả được và không được:
Về mặt được, đầu tiên cống Cái Lớn - Cái Bé đã đảm bảo điều tiết được nguồn nước ngọt ổn định để phục vụ cho sản xuất. Cùng với đó, ở trên địa tỉnh Kiên Giang đã không phải đắp hàng trăm đập tạm vào mùa mặn. Mục tiêu chính của cống đã đạt được, tôi đã đi những vùng hưởng lợi dự án, đi xung quanh thấy rất rõ.
Cái được thứ hai là cống Cái Lớn - Cái Bé đang phối hợp tốt với một số hệ thống quanh đó như là cống âu thuyền Ninh Quới, Xẻo Rô… cũng đã giảm được ngập. Đáng tiếc là trong hơn 1 năm vận hành thử nghiệm chưa có nhiều trận mưa lớn, chưa có lũ lớn từ thượng nguồn về để mình xem hiệu quả giảm ngập đến đâu, nhưng đã có một trận mưa lớn duy nhất, bằng vận hành cống thì đã giảm ngập được cho toàn bộ vùng này.
Cái được thứ ba là môi trường nước đảm bảo. Khi làm cống Cái Lớn - Cái Bé có rất nhiều ý kiến khác nhau, ý kiến nhiều nhất là về môi trường nước. Vừa rồi, qua quan trắc môi trường nước rất đảm bảo.
Ngoài việc hưởng lợi trực tiếp như kể trên, cống Cái Lớn - Cái Bé còn tạo ra một hạ tầng, động lực phát triển mới về du lịch cho tỉnh Kiên Giang. Đây là một điểm đến không chỉ của người miền Tây mà của cả nước, rất nhiều khách đến Kiên Giang để thăm công trình cống Cái Lớn - Cái Bé.
Còn chưa được ở những cái gì? Cái này cũng phải rất thẳng thắn. Thứ nhất, trong thời gian gần 2 năm vừa qua chưa có mặn cực đoan, chưa có lũ cực đoan - nghĩa là chưa kiểm tra và thử nghiệm được nhiều quy trình xử lý cực đoan. Bởi vì cống này xử lý mặn cực đoan mới là quan trọng. Khi mặn quá lớn kéo dài, đóng mở cống nhiều lúc đó kiểm tra môi trường nước, khả năng trữ ngọt, pha loãng mặn mới chính xác được. Yếu tố này là do khách quan.
Nhiệm vụ đặt ra của cống này chủ yếu là xử lý mặt cực đoan, chưa nghiên cứu, tính toán trong quá trình vận hành để bổ sung nước mặn cho vùng này. Vừa rồi, đầu vụ nuôi tôm Xuân Hè của một số huyện của Kiên Giang bà con cứ tính thời vụ theo dương lịch, ít tính thánh lịch âm nên một số nơi thả tôm sớm, nước mặn không đủ.
Về việc này, Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang đã cảnh báo và chỉ định mùa vụ rồi, nhưng có một số nơi không thực hiện theo nên phản ánh có thiếu mặn. Thiếu mặn này do năm nay mặn ít và nhuận 2 tháng 2 nên mặn đến muộn, nhưng giờ lại đủ mặn để thả tôm.
Như vậy, cống này đặt ra vấn đề làm thế nào bổ sung được mặn? Đây là vấn đề rất khó và các đơn vị liên quan của Bộ NNPTNT đang cho ý kiến. Bởi vì nếu bổ sung nước mặn bằng cách bơm nước biển vào thì rất dễ, nhưng không ai làm thế cả vì giá thành rất cao, không chịu đựng nổi. Bây giờ bằng cách vận hành hệ thống thì phải nghiên cứu xem hệ thống toàn bộ vùng này còn thiếu cống nào, rồi đóng mở ra làm sao để cung cấp thêm mặn cho vùng này ở những thời điểm mặn đến muộn.
Thứ hai, khi vận hành cống đóng lại thì có hiện tượng nước dềnh ở khu vực hạ lưu cống. Khu vực hạ lưu cống Cái Lớn – Cái Bé do nước biển dâng và chưa có hệ thống đê bao nên không có cống này hoặc trong điều kiện cống không vận hành thì vẫn đang bị ngập. Nhưng khi vận hành cống đóng lại thì nước có dềnh thêm - độ dềnh cao nhất đo được là 15cm.
Vấn đề thứ ba, để khép kín và phát huy tối đa hiệu quả cống này thì phải làm khép kín toàn bộ vùng An Minh, An Biên - những huyện ven biển, tác động trực tiếp tới cửa sông Cái Lớn, Cái Bé. Đó là dự án của địa phương nhưng 18 cống ở vùng An Minh, An Biên thì mới làm được 8 cái, còn 10 cái chưa làm được - tức là chưa khép kín được vùng này.
Vì dự án cống Cái Lớn - Cái Bé không chỉ dừng lại ở 350.000ha hưởng lợi mà vùng hưởng lợi rộng hơn rất nhiều, cả triệu ha. Như vậy, phải bổ sung thêm một số công trình ở Cà Mau, Bạc Liêu để cùng với cống Cái Lớn - Cái Bé dẫn được nước ngọt từ khu vực này về cho bán đảo Cà Mau, khắc phục được tình trạng mặn cực đoan ở bán đảo Cà Mau.
Với các mặt được và chưa được như trên, quy trình vận hành thử nghiệm cống Cái Lớn - Cái Bé sẽ kéo dài trong bao lâu và khi nào thì Bộ NNPTNT ban hành quy trình vận hành chính thức?
- Bộ NNPTNT ban hành quy trình vận hành tạm thời cống Cái Lớn - Cái Bé trong vòng 2 năm theo các quy định của luật. Những công trình lớn anh đều phải ban hành quy trình vận hành tạm thời, sau đó điều chỉnh để ban hành chính thức.
Tại sao lại vận hành tạm thời 2 năm? Bởi vì 2 năm nó đủ cho một chu trình mặn – ngọt. 2 năm vừa rồi, các yếu tố cực đoan vẫn chưa đủ để vận hành thử nghiệm theo mười mấy kịch bản đã đặt ra. Việc ban hành tạm thời này đưa ra các tổ hợp kịch bản và có tính toán một cách khoa học, làm việc kỹ với các địa phương, các xã ở vùng hưởng lợi để xem mô hình sản xuất thế nào, anh dịch chuyển sản xuất đến đâu.
Ở vùng này, đến thời điểm này vẫn xung đột giữa nước mặn và nước ngọt, bên cạnh ruộng lúa là một ao nuôi tôm thì không có cống nào vận hành được.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp
Ở vùng này, đến thời điểm này vẫn xung đột giữa nước mặn và nước ngọt, bên cạnh ruộng lúa là một ao nuôi tôm thì không có cống nào vận hành được. Thứ hai, cống này chỉ cung cấp các điểm khống chế để khẳng định ở những trục chính, dòng sông chính, kênh chính chất lượng nước như vậy; còn dẫn nước vào nội đồng thì phải từ các hệ thống thủy lợi nội đồng của các địa phương. Cái này phải nói rất rõ trong quy trình vận hành tạm thời.
Hôm trước tôi đi huyện Gò Quao, nằm ngay sát chân cống Cái Lớn – Cái Bé. Huyện Gò Quao có hệ thống thủy lợi nội đồng hoàn thiện, nên mô hình nuôi tôm, trồng lúa, mặn - ngọt không có vấn đề gì. Huyện Gò Quao có mô hình tôm - lúa, mô hình lúa, mô hình tôm rất tốt và không xung đột, vì hệ thống thủy lợi nội đồng đóng mở khép kín và phân ranh mặn – ngọt rõ ràng, quy hoạch sản xuất cũng rõ.
Nhưng không phải huyện nào cũng làm được như Gò Quao của Kiên Giang, rất nhiều huyện chưa hoàn thiện được hệ thống thủy lợi nội đồng. Chính vì thế, khi làm việc vận hành với các xã, huyện này, đơn vị tư vấn của quy trình vận hành cùng với Cục Thủy lợi đều yêu cầu các địa phương chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp cho phù hợp.
Dự án cống Cái Lớn - Cái Bé có 2 hợp phần: Hợp phần về xây dựng cống Cái Lớn – Cái Bé; hợp phần thứ hai là hợp phần về sinh kế, xây dựng 9 mô hình sinh kế ở các địa phương cho các người dân.
Tổng kết lại, 9 mô hình sinh kế này rất hay, trong đó có mô hình sinh kế tăng tới 170 triệu đồng/ha ví dụ mô hình sinh kế về dứa với dừa, cũng có mô hình sinh kế tăng 70 triệu đồng/ha là mô hình tôm –lúa... Nhưng muốn phát huy được thì các địa phương phải có hệ thống tiếp nhận nguồn nước từ cống Cái Lớn – Cái Bé ổn định.
Cách đây 1 tháng, Bộ NNPTNT phối hợp cùng tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo, mời 5 tỉnh liên quan (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang) về cùng họp, cùng góp ý vào quy trình vận hành tạm thời để hết 2 năm thì ban hành quy trình vận hành chính thức. Như vậy, quy trình chính thức sẽ ban hành sau 6 tháng nữa.
Câu chuyện đặt ra, Bộ NNPTNT ban hành quy trình vận hành chính thức, nhưng không phải là không sửa đổi. Quy trình chính thức này được ban hành và vẫn tiếp tục sửa đổi, điều chỉnh, hiệu chỉnh cho phù hợp. Bởi, biến đổi khí hậu không nói trước được, thứ hai nhu cầu sản xuất ở địa phương có thể thay đổi thì chúng ta lại vận hành theo sự thay đổi đó.
Sau khi Bộ NNPTNT ban hành quy trình vận hành chính thức cống Cái Lớn - Cái Bé, vấn đề mâu thuẫn về điều tiết, kiểm soát nguồn nước mặn - ngọt, rồi câu chuyện phân ranh mặn - ngọt có được giải quyết?
- Hiện nay quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chia làm 3 vùng: vùng thượng là vùng ngọt, vùng giữa là vùng ngọt – lợ, vùng ven biển là vùng mặn, mặn – lợ. Đó là quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL.
Nhưng thực tế ở ĐBCSL cho thấy, ngay vùng ven biển vẫn có diện tích lớn sản xuất nông nghiệp cần dùng nước ngọt, tức là sẽ xảy ra tình trạng "da báo" chứ không theo hẳn được quy hoạch. Đơn cử, tỉnh Cà Mau vẫn còn gần 30.000ha lúa nước ngọt. Tương tự, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh – những vùng quy hoạch mặn – lợ vẫn phải sản xuất nước ngọt, chưa nói vùng quy hoạch mặn và mặn lợ vẫn còn trái cây, trái cây thì không thể dùng nước lợ được.
Cùng với đó, chúng ta phải cung cấp nước ngọt cho sản xuất công nghiệp, nước sinh hoạt. Như vậy, giữa quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL và sự chuyển dịch cần phải có thời gian và các tỉnh cũng buộc phải chuyển dịch. Quá trình chuyển dịch này không thể diễn ra ngày một, ngày hai và nhanh chóng được, các địa phương phải căn cứ vào quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL để quy hoạch lại vùng sản xuất của địa phương mình cho phù hợp.
Và chỉ có quy hoạch lại như thế thì mới khắc phục được mâu thuẫn mặn - ngọt. Mâu thuẫn mặn – ngọt hiện nay ở ĐBSCL nổi lên là mâu thuẫn chủ yếu ở các vùng sản xuất nhỏ, theo kiểu hộ gia đình, hộ có nhu cầu tiếp tục trồng lúa, hộ có nhu cầu nuôi tôm chẳng hạn.
Còn mâu thuẫn ở các vùng sản xuất lớn, liên quan tới địa phương cấp huyện, cấp tỉnh gần như không còn vì cái này đã giải quyết được trong các bài toán quy hoạch cũng như thực hiện quy hoạch mình đã giải quyết cơ bản các mâu thuẫn lớn.
Cách đây 4 năm, khi chưa khánh thành cống âu thuyền Ninh Quới, hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng năm nào cũng phải ngồi với nhau vì một bên là sản xuất lúa, một bên nuôi tôm, năm nào cũng mâu thuẫn. Nhưng sau khi có cống âu thuyền Ninh Quới, tỉnh cần mặn có mặn, tỉnh cần ngọt có ngọt thì bây giờ không còn mâu thuẫn nữa.
Mâu thuẫn lớn đã giải quyết xong, còn bây giờ chủ yếu mâu thuẫn nhỏ. Bằng cách địa phương phải quy hoạch sản xuất và như vậy câu chuyện ngược trở lại cống Cái Lớn – Cái Bé khi quy trình vận hành chính thức rồi có giải quyết câu chuyện này được không?
Giải quyết được nếu quy hoạch của địa phương phù hợp - đấy là điều kiện tiên quyết thứ nhất. Điều kiện tiên quyết thứ hai là phải đầu tư để hoàn thiện hệ thống, trong đó đầu tư ưu tiên để làm cống âu thuyền Tắc Thủ (Cà Mau), rồi một số cống ven Quốc lộ 1A cũng như trong hệ thống Quản Lộ - Phụng Hiệp (Bạc Liêu).
Cùng với đó, phải tính toán đến các giải pháp vận hành hệ thống để đảm bảo xử lý vùng giáp nước ở Hậu Giang. Sau khi có cống Cái Lớn – Cái Bé, tỉnh Hậu Giang cơ bản không còn phải lo xử lý nước mặn, không còn nguy cơ xâm nhập mặn, nhưng vùng giáp nước, cần có tính toán trong hệ thống vận hành.
Việc đầu tư làm cống âu thuyền Tắc Thủ và các công trình liên quan khác sẽ được Bộ NNPTNT đề xuất, triển khai như thế nào?
Trong trung hạn 2021-2025, Bộ NNPTNT đã có quyết định chủ trương đầu tư cống âu thuyền Tắc Thủ. Còn việc dẫn nước ngọt về Nam Bạc Liêu và Bắc Cà Mau để giải quyết vùng mặn nhất hiện nay ở đất nước này ở bán đảo Cà Mau, thông qua cống Cái Lớn – Cái Bé, toàn bộ hệ thống Quản Lộ - Phụng Hiệp qua kênh Trắc Băng… sẽ được nghiên cứu kỹ để đầu tư trong giai đoạn trung hạn 2026-2030.
Như vậy, về góc độ đầu tư, Bộ NNPTNT sẽ xin ý kiến Chính phủ để đến năm 2030 cơ bản ổn định được vùng này và phát huy được toàn bộ hiệu quả của hệ thống Cái Lớn – Cái Bé và những công trình phụ trợ liên quan.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.