"Thực tế, tại Việt Nam chưa có nghề nuôi yến mà dẫn dụ yến về ở tập trung, rồi tạo môi trường để yến phát triển bầy đàn, tạo nơi yến làm tổ để thu tổ yến (yến sào).
Ở một số nước khác đã có nghề nuôi yến bằng cách xây nhà nuôi yến, tạo ra nguồn mồi nhân tạo cho yến", ông Trí chia sẻ.
Trong khu đất xây nhà nhà nuôi yến của ông Trí ở xã Tân Hòa, huyện Thạnh Hoá, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: T.Đ
Như đã hẹn, từ TP HCM chúng tôi xuyên Đồng Tháp Mười về thăm trại nuôi yến của ông Trí. Sau khoảng 2 giờ lòng vòng ở nơi xưa kia "muỗi kêu như sáo" này, chúng tôi cũng đến đến được nơi mình cần tìm.
Cặp theo tỉnh lộ 829 (xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) xuất hiện 4 căn nhà nuôi yến to đùng. Nghe đâu, 4 căn nhà nuôi yến này được xây dựng cấp tập trong 2 năm (2019 - 2020).
Chúng tôi đứng giữa gió ngàn thổi thông thốc và nghe tiếng loa dẫn dụ chim yến kêu lích chích mà trò chuyện.
Ông Trí thổ lộ, ông là dân thú y, mê bán yến sào mà bỏ nghề thú y theo nghề nuôi chim yến.
"Tôi theo nghề nuôi yến gần chục năm rồi. Cái nghề thú y xem ra rất lợi hại.
Chuyển sang nghề nuôi yến nó hỗ trợ nhiều, nhất là giúp tôi hiểu tập quán, sinh lý… con chim yến", ông Trí bộc bạch.
Theo ông Trí, trước khi theo nghề nuôi yến, ông không nghĩ ở đồng bằng có yến mà con yến chỉ sống ở biển hay vùng núi. Thực tế, vùng đồng bằng yến phát triển nhanh và tốt.
"Một lần tôi đi khảo sát vị trí xây nhà nuôi yến đúng mùa thu hoạch lúa ở xã Tân Hòa, thấy từng đàn chim yến đông đúc bay lượn ăn thiên địch.
Con chim yến chủ yếu ăn côn trùng bay. Thực tế, không phải tôi đi xem vùng này, vùng kia có yến hay không mà xem có vùng mồi phong phú hay không để tổ chức xây nhà nuôi yến", ông Trí cho biết.
Cũng theo ông Trí, hiện ở vùng Gò Công, vùng nuôi yến chủ lực của tỉnh Tiền Giang, sản lượng tổ yến đang giảm dần do chim yến di chuyển về Đồng Tháp Mười. Dẫn đến, lượng chim yến ở Đồng Tháp Mười đang tăng.
Ông Trí đánh giá, điều kiện nuôi yến ở Đồng Tháp Mười rất khả quan để xây nhà nuôi yến do vùng mới, đất rộng, thiên nhiên trù phú hơn với ruộng lúa, cây ăn trái, rừng tràm… sẽ cho nguồn mồi đa dạng hơn cho chim yến.
Ngoài ra, dư địa cho nghề nuôi chim yến vùng Đồng Tháp Mười (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) còn tốt, mật độ nhà yến chưa cao…
Sau khi xem xét kỹ càng mọi điều kiện, ông Trí quyết định "trút hầu bao" xây nhà nuôi yến ở xã Tân Hòa. Theo ông Trí, mỗi nhà yến rộng 1.000m2 với vốn đầu tư 3,5 tỷ đồng.
Ông Trí, một người ở TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang bỏ nghề thú y xây nhà nuôi yến ở huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Ảnh: T.Đ.
Ông Trí chia sẻ, xây nhà nuôi yến chỉ cần vị trí hợp lý, có vùng yến, có điện, nước là được, sâu trong nội đồng cũng cũng chẳng sao, chứ không cần vị trí đất đẹp, mặt tiền, đông khu dân cư. Làm nhà nuôi yến phải tính chuyện dài hơi, mất 2 – 3 năm dẫn dụ nhà nuôi yến mới có yến về tương đối.
Gần 10 năm theo nghề nuôi yến, ông Trí đúc kết, muốn thành công trong nghề nuôi yến người đầu tư phải chọn vùng yến, vùng mồi tốt, thiết bị phù hợp. Đặc biệt, xây dựng kết cấu nhà nuôi yến phải có nhiệt độ, ẩm độ thích hợp, thông thoáng.
Con chim yến ưa thời tiết nóng ấm, lạnh sẽ bỏ đi, nên mới có chuyện yến di cư. Nên có chuyện, ngay trong một nhà nuôi yến, yến làm tổ nhiều, ít ở từng vị trí khác nhau, có những chỗ tổ yến dày đặt, nhưng có chỗ không có tổ yến do không thích hợp.
Cũng theo ông Trí, yến đẻ theo mùa chứ không liên tục. Một năm yến đẻ 3 mùa. Bình quân, người nuôi chim yến thu 30kg tổ yến/1.000m2 sàn/năm. Giá tổ yến thô hiện nay 12 – 17 triệu đồng/kg, tùy theo tổ yến đẹp, xấu.
"Làm nghề nuôi yến không dự báo trước điều gì. Có nhà nuôi yến xây lên chưa bao lâu đã có từng đàn yến kéo về, nhưng có nhà lác đác yến. Xây nhà nuôi yến có người thành công, có người phá sản", ông Trí thổ lộ.
Hiện, tại miền Tây Nam bộ, ông Trí xây nhà nuôi yến tại Tiền Giang, Bến Tre và giờ là Long An. Chỉ tính riêng ở Long An, ông Trí xây nhà nuôi yến với 17 căn. Hầu hết, những nhà nuôi yến này đều chưa được hợp thức hóa xây dựng.
"Trong khi nhà nước chưa quy hoạch vùng nuôi yến thì mình đã nhìn thấy cơ hội nuôi yến rồi. Tiếc cơ hội mất đi nên tôi xây nhà nuôi yến khi chưa chuyển được mục đích sử dụng đất", ông Trí cho biết.
Ông Trí chia sẻ, tất cả ngành nghề tạo ra sản phẩm giờ phải có nguồn gốc rõ ràng, giấy tờ hợp lệ. Công ty định hướng xuất khẩu sản phẩm yến chế biến sâu, trước mắt là thị trường Trung Quốc.
Họ đang yêu cầu chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, tiêu chí kỹ thuật… mà nhà yến ở đây không có giấy tờ hợp lệ thì rất khó hoàn thành những điều kiện này.
Về mặt doanh nghiệp, ông đề nghị địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để công ty hoàn thành tất cả những thủ tục về mặt pháp lý để nhà nuôi yến được chính danh. Ví như, chính quyền tạo điều kiện chuyển mục đích từ đất lúa sang đất nông nghiệp khác để hồ sơ pháp lý phù hợp cho nhà nuôi yến.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh Lê Thanh Đông, về chủ trương, huyện hoàn toàn ủng hộ phát triển nghề nuôi yến trên địa bàn để tạo sinh kế mới cho người dân, nhưng phải có sự quản lý của nhà nước để tránh tình trạng phát triển ồ ạt, vỡ quy hoạch và dịch bệnh.
Ông Đông cũng hy vọng, khi Luật Đất đai mới được ban hành vào năm 2024 sẽ giải quyết được những vướng mắc như việc xây nhà nuôi yến theo kiểu "ăn cơm trước kẻng" như hiện nay.