Đầu tư 1,5 tỷ xây nhà 2 tầng nuôi yến, ông nông dân Bình Định phát tài
Đầu tư 1,5 tỷ xây nhà 2 tầng nuôi yến trên đất vườn đồi, ông nông dân Bình Định phát tài
Diệp Thị Diệu (Hội ND huyện An Lão)
Chủ nhật, ngày 25/12/2022 19:00 PM (GMT+7)
Ông Lê Văn Ảnh (sinh năm 1974) ở thôn Tân An, xã An Tân, huyện An Lão, tỉnh Bình Định đã mạnh dạn đầu tư gần 1,5 tỷ đồng “dụ” thành công hàng nghìn con chim yến về sinh sống để khai thác và chế biến thành các sản phẩm với ước mơ xây dựng thương hiệu yến sào đầu tiên trên vùng đất miền núi An Lão.
Tới thăm mô hình nuôi yến của ông Lê Văn Ảnh ở xã An Tân, huyện An Lão, tỉnh Bình Định chúng tôi tận mắt chứng kiến ngôi nhà 2 tầng với quy mô sàn hơn 300m2 được xây dựng giữa đồi, với những bức tường 2 lớp, cửa ra vào bịt kín. Trên mái nhà, từng đàn yến chao lượn, vào, ra.
Ông Lê Văn Ảnh chia sẻ: "Năm 2020, sau khi tham quan, học hỏi nhiều nơi, tôi thấy mô hình nuôi yến rất phát triển, cho thu nhập lớn nên nảy sinh ý tưởng nuôi chim yến tại địa phương. Tôi thuê chuyên gia ở tỉnh Gia Lai về khảo sát vùng yến tại khu vực vùng núi An Lão. Kết quả cho thấy chim yến xuất hiện khá nhiều nên mạnh dạn đầu tư 700 triệu đồng làm nhà dẫn dụ yến về ở tại khu đất vườn đồi phía sau của gia đình".
Theo ông Ảnh, mặc dù trước đây, chim yến thường chỉ sinh sống ở các đảo hoặc vùng ven biển nhưng thực tế yến đi kiếm ăn trên địa bàn khá rộng. "Đất lành chim đậu", An Lão là địa phương có nhiều đồi núi và khe suối nên có hệ sinh thái phong phú, trong lành, thu hút nhiều yến về kiếm ăn. Theo một số kinh nghiệm cho thấy, vùng núi cũng có nhiều loại côn trùng, là thức ăn cho chim nhiều và tốt hơn vùng biển. Đây có thể cũng là nguyên nhân khiến chim yến về đây sinh sống nhiều.
Ông Ảnh dùng âm thanh thu hút chim yến, lắp đặt hệ thống loa ngoài để dẫn dụ chim yến. Để cách âm, cách nhiệt tốt, nhà yến được xây dựng 2 lớp tường, ngoài ra là chi phí công nghệ, thanh gỗ làm tổ, công nghệ dẫn dụ.
"Ở năm đầu, tôi chưa thu hoạch mà tạo không gian tự nhiên tiếp tục dẫn dụ chim yến. Bởi với 300m2 sàn, nhà nuôi hiện tại có thể làm chỗ cho 5.000 con yến sinh sống. Đến khoảng giữa năm 2021, tôi mới bắt đầu thu hoạch, trung bình mỗi tháng cho sản lượng 2 kg yến, giá thành tổ yến thô hiện nay khoảng 25 triệu đồng/kg. Nếu thuận lợi, doanh thu hàng tháng sẽ có thể lên đến gần trăm triệu đồng. Trong vòng 3 – 4 năm là có thể thu cả gốc lẫn lãi"– ông Ảnh tính toán.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi yến
Thấy được hiệu quả của mô hình, cuối năm 2021, ông Ảnh tiếp tục đầu tư 800 triệu đồng xây thêm 1 nhà yến với diện tích gần 400m2 và đã xây dựng thương hiệu yến sào Anh Thiết (thương hiệu yến sào đầu tiên của huyện An Lão) cung cấp cho khách hàng trong và ngoài huyện.
Để đạt được những kết quả từ mô hình nuôi yến, ông Ảnh chia sẻ kinh nghiệm nuôi yến: "Nghề nuôi yến cũng gặp không ít khó khăn, dù không phải chăm sóc nhưng để chim sinh sản, làm tổ đòi hỏi những quy trình nghiêm ngặt, đặc biệt trong việc khử mùi, tạo độ ẩm trong nhà.
Mỗi lần người vào thu hoạch hay thăm nom đều phải xử lý, bởi phát hiện có mùi lạ chim yến sẽ bỏ đi. Nghề nuôi yến cũng cần phải có kiến thức, hiểu tập tính của giống yến cũng như cách phòng thiên địch, bảo vệ đàn yến. Và quan trọng là phải quyết tâm, tìm hiểu, học hỏi, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình cùng với việc tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể tại địa phương".
Với sự thành công của mô hình nuôi chim yến trên đất vườn đồi, ông Lê Văn Ảnh đã nhiều lần được ghi nhận, biểu dương là một trong những điển hình nông dân làm kinh tế giỏi của địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.