Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, nông dân TP Hồ Chí Minh đề xuất bổ sung đất xây dựng nhà nuôi yến

Đức Thịnh Thứ tư, ngày 22/03/2023 08:26 AM (GMT+7)
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, nhiều nông dân TP Hồ Chí Minh đề nghị xem xét bổ sung đất xây dựng nhà nuôi yến vào quy định đất nông nghiệp. Tại TP HCM, đặc biệt là ở huyện Cần Giờ mô hình nuôi yến đang rất phát triển.
Bình luận 0

Đề xuất bổ sung đất xây dựng nhà nuôi yến vào quy định đất nông nghiệp

Bà Nguyễn Thanh Xuân – Chủ tịch Hội Nông dân TP HCM cho biết: Cuối tháng 2 vừa qua, Hội Nông dân TP HCM đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, đồng thời triển khai lấy ý kiến góp ý trực tuyến trên trang tin điện tử, trang fanpage của Hội Nông dân TP. Hội Nông dân TP HCM đã nhận được 224 ý kiến góp ý tập trung vào 7 vấn đề và 52 nội dung.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Nông dân TP Hồ Chí Minh đề xuất bổ sung đất xây dựng nhà nuôi yến - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thanh Xuân - Chủ tịch Hội Nông dân TP HCM cho biết, tham gia góp ý vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, nhiều hội viên nông dân TP HCM đề nghị xem xét bổ sung đất xây dựng nhà nuôi yến vào quy định đất nông nghiệp và quy định rõ không cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích xây nhà yến để tạo điều kiện cho hội viên nông dân nuôi yến phát triển mô hình.

Trong đó, một trong những nội dung được nhiều hội viên nông dân TP Hồ Chí Minh quan tâm là nội dung điểm 9, Điều 10 quy định về đất nông nghiệp khác.

Hội viên nông dân TP HCM kiến nghị cần có quy định cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi khi nông dân xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp như: nhà kính, nhà kho…; quy định khi chuyển đất lúa sang đất khác để xây dựng các công trình phục vụ phát triển nông nghiệp phải đơn giản.

Theo ý kiến của nhiều nông dân để phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao cần có nhà màng, khu vực chế biến, nhà kho để chứa nguyên vật liệu sản xuất… Đất xây dựng nhà chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp cần được coi là đất nông nghiệp, không phải đất xây dựng nhà ở.

Mặt khác, quy định khái niệm đất nông nghiệp khác cần bổ sung thêm đất xây dựng nhà nuôi yến. Hiện nay, nuôi yến đã được đưa vào lĩnh vực chăn nuôi.

Bà Nguyễn Thanh Xuân cho biết: Tại TP HCM, đặc biệt là tại huyện Cần Giờ mô hình nuôi yến rất phát triển nhưng khi nông dân muốn xây dựng nhà nuôi yến thì không có cơ sở pháp lý mà phải chuyển mục đích sử dụng đất mới có thể xây dựng. Tuy nhiên, chi phí để chuyển mục đích sử dụng đất rất tốn kém.

Chính vì vậy, hội viên nông dân TP HCM đề nghị xem xét bổ sung đất xây dựng nhà nuôi yến vào quy định đất nông nghiệp và quy định rõ không cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích xây nhà yến để tạo điều kiện cho hội viên nông dân nuôi yến phát triển mô hình.

Tạo điều kiện cho nông dân đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Đóng góp thêm ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh phát biểu: Tại nội dung Điều 49 và Điều 51 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định chỉ tổ chức kinh tế được chuyển nhượng đất nông nghiệp khi có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp tỉnh chấp thuận. Tuy nhiên, thực tế không chỉ có tổ chức kinh tế mà các cá nhân, hộ gia đình cũng có nhu cầu chuyển nhượng đất nông nghiệp nên đề nghị bổ sung thêm 2 đối tượng này vào dự thảo luật.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Nông dân TP Hồ Chí Minh đề xuất bổ sung đất xây dựng nhà nuôi yến - Ảnh 3.

Tại TP HCM, đặc biệt là tại huyện Cần Giờ mô hình nuôi yến rất phát triển. Trong ảnh: Một nhà nuôi chim yến ở huyện Cần Giờ, TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Cũng theo bà Xuân, tại Điều 51 quy định, đối với cá nhân sử dụng đất nông nghiệp do được nhà nước giao đất, do chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác thì chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng xã, phường, thị trấn hoặc xã, phường, thị trấn giáp ranh trong cùng một huyện cho cá nhân khác.

Thực tế hiện nay, rất nhiều nông dân có con sinh sống tại các quận, huyện ở xa nơi có đất sản xuất nông nghiệp và cũng không làm nông nghiệp. Như vậy, quy định này sẽ gây khó khăn cho việc cho, nhận đất giữa các cá nhân trong hộ gia đình và hội viên nông dân không thể chuyển nhượng đất nông nghiệp cho con của mình nhận thừa kế tài sản là không phù hợp và trái với quyền thừa kế tài sản trong bộ luật Dân sự.

"Hội viên nông dân TP Hồ Chí Minh kiến nghị các cấp cần tiếp tục thực hiện tốt công tác giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để khuyến khích người sử dụng đất gắn bó hơn với đất đai và yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh.

Cần quy định rõ các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất ngay sau khi Quốc hội ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) để đảm bảo công khai, minh bạch"- Chủ tịch Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh cho biết.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất đảm bảo đúng quy định, đặc biệt là các loại đất được sử dụng đa mục đích, nhưng đồng thời cần tạo điều kiện tối đa cho người nông dân được sản xuất nông nghiệp thuận lợi, nhất là các hộ đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Do đó cần có sự phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quy trình, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, tạo điều kiện cho người dân thực hiện dễ dàng và thuận lợi.

Tại khoản 3, điều 172, Chương XIII. Chế độ sử dụng các loại đất "Người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan, được sử dụng một tỷ lệ đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch. Đối với đất trồng lúa thì thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 176 của Luật này."

Hội viên nông dân TP Hồ Chí Minh đề nghị cần được hướng dẫn nêu rõ tỷ lệ bao nhiêu phần trăm diện tích đất được xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất, các công trình đó cần được cụ thể là những công trình gì, diện tích của mỗi loại công trình để thuận lợi trong triển khai thực hiện.

Đồng thời, hội viên nông dân kiến nghị bổ sung quy định "Người sử dụng đất có quyền xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất và bảo vệ tài sản trên đất", do hiện nay nhiều mô hình áp dụng phương pháp sản xuất ứng dụng cong nghệ cao, kết hợp chăn nuôi, chế biến…. Tuy nhiên chưa có cơ chế, chính sách, cơ chế cho việc xây dựng các công trình hỗ trợ sản xuất, các công trình phụ trợ đảm bảo cho việc sản xuất dẫn đến tình trạng phổ biến hiện nay là hội viên, nông dân không dám đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao do không được xây dựng các công trình phụ trợ sản xuất, đảm bảo an toàn trong sản xuất.

Chủ tịch Hội Nông dân TP HCM cho biết: Một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần xem xét đến mô hình đô thị có thể phát triển nông nghiệp đô thị như TP HCM. Trong đó, khu vực đô thị có nhiều khu đất xây nhà cao tầng có thể làm nông nghiệp. Việc phát triển nông nghiệp theo hướng này sẽ tạo cảnh quan đô thị và kích thích các ngành khác phát triển, đặc biệt là ngành du lịch.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem