Quả phật thủ là loại quả không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, may mắn, tài lộc, ra hoa kết trái quanh năm mà còn được gọi là "cây tiền tỷ” của bà con.
Theo thống kê của UBND xã Liên Châu, hiện toàn xã có trên 20 hộ trồng phật thủ với diện tích khoảng 25ha và diện tích trồng sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới.
Chị Nguyễn Thị Hoan - một trong những người đầu tiên trồng và thu lãi tiền tỷ mỗi năm từ cây phật thủ cho biết: Trước đây, phần lớn diện tích đất bãi của gia đình chị trồng chuối tiêu hồng và đu đủ.Sau nhiều năm trồng, mang chuối ra chợ bán, nhận thấy nhu cầu mua phật thủ dâng các đình, chùa và thờ cúng trên ban thờ gia tiên vào các ngày lễ, tết cao hơn nhiều so với mua chuối nên năm 2021, gia đình chị đã thuê thêm đất của các hộ dân, chuyển đổi hơn 4 mẫu đất sang trồng trên 900 cây phật thủ.
Chị Hoan thường xuyên kiểm tra chất lượng quả phật thủ trước khi cắt bán. Cây phật thủ được ví như "cây tiền tỷ" ở Liên Châu, huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc).Sau 2 năm trồng, chăm sóc và ứng dụng các kỹ thuật đặc biệt, vườn phật thủ cho ra quả gối vụ quanh năm, với số lượng bình quân từ 50 - 70 quả/cây, bán với giá từ 30.000 - 50.000 đồng/quả, năm 2023, gia đình chị thu gần 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động.
Theo chị Hoan, phật thủ không phải là loại cây trồng khó tính nhưng để có được vườn phật thủ quả đẹp, nhiều ngón cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm thì người trồng phải yêu và hiểu rõ quy luật sinh trưởng của cây.
Đó là, người trồng phải bón phân phải theo định kỳ, không bón ồ ạt và bón phải đều vì nếu nhiều quá hoặc ít quá cây sẽ chết.
Riêng việc bón các loại phân cao cấp, phân gà ủ trấu, phân lợn thì phải qua xử lý, bảo đảm phân mát mới được bón cho cây vì nếu phân còn nóng mà bón cây sẽ chết.
“Phật thủ không ăn được nhưng tiềm năng làm giàu từ loại quả bàn tay của phật này rất lớn, bởi chúng có mùi thơm dịu nhẹ, thời gian bảo quản dài từ 1 - 4 tháng. Đặc biệt, loại quả này còn được nhiều đơn vị thu mua làm tinh dầu thơm nên thị trường tiêu thụ rất rộng mở” - chị Hoan nói.
Sau nhiều năm trồng chuối tiêu hồng, bưởi diễn, cam canh, bà con nông dân đã chuyển dần sang trồng cây phật thủ, áp dụng hệ thống tưới tự động, theo dõi sát quy trình sinh trưởng, tưới phân, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng công nghệ số và giới thiệu sản phẩm qua các nền tảng mạng xã hội.
Bước đầu, loại cây này được đánh giá là tiềm năng, cây làm giàu mới của bà con nông dân, với lợi nhuận thu được cao gấp đôi, gấp ba so với các loại cây trồng khác.
Tới đây, khi địa phương trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, hoạt động gieo trồng, tiêu thụ sản phẩm được liên kết chuỗi thì thị trường tiêu thụ phật thủ ở Liên Châu sẽ còn vươn xa.
Năm 2023, loại cây này đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển, đưa thu nhập bình quân đầu người tăng lên 75,2 triệu đồng/người/năm.
Nuôi thành công gà rừng tai trắng bán đắt tiên
Anh Sỹ chăm sóc, kiểm tra gà rừng tai trắng tỉ mỉ mỗi ngày. Mô hình nuôi gà rừng tai trắng của anh Sỹ ở xã Tam Quan, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc).
Dẫn chúng tôi đi thăm khu nuôi hơn 250 con gà rừng tai trắng, anh Sỹ cho biết: Năm 2012, trong một lần đi tìm mua cây sưa ở tỉnh Thanh Hóa, anh đã bị thu hút và nảy ra ý tưởng làm giàu từ việc mua lại 10 cặp gà rừng có bộ lông sặc sỡ, mào đỏ chót và đôi tai trắng khác biệt do người dân địa phương bẫy trong núi đem về nuôi.
Để thuần hóa được gà rừng tai trắng và tạo môi trường tốt nhất cho gà phát triển, anh Sỹ đã dành nhiều thời gian quan sát, tìm hiểu tập tính của gà rừng rồi tiến hành làm giàn cho gà ngủ vào ban đêm...
Có thể nuôi thả gà rừng dưới các tán cây, tán rừng có nhiều cỏ dại, tạo sự thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
Khi có chút kinh nghiệm nuôi gà rừng, năm 2020, anh tiếp tục vào các tỉnh Bình Dương, Bình Phước mua thêm giống gà rừng tai trắng đem về lai tạo, nhân giống. Nhờ tỉ mỉ trong từng khâu chăm sóc, nhất là tạo được môi trường sống cho gà như nuôi thả tự nhiên trong rừng nên đàn gà rừng của gia đình anh cơ bản được thuần hóa, sinh trưởng, phát triển tốt.
Theo anh Sỹ, nuôi gà rừng tai trắng khó nhất là giai đoạn chăm sóc gà con 1 - 2 tháng tuổi vì đây là thời điểm gà mẫn cảm với thời tiết, cần bảo đảm nhiệt độ phù hợp, nước uống đầy đủ và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.
Bên cạnh đó, trang trại phải trồng nhiều cây xanh, vừa tạo bóng mát, vừa có chỗ cho gà trú ngụ cả ngày lẫn đêm.
Đặc biệt, do gà rừng chỉ ăn các loại thức ăn dân dã trong tự nhiên như quả đa, quả si, hạt cỏ dại, cây lương thực, thóc ngô, các loài động vật nhỏ, mối, kiến, giun đất, châu chấu... mà không ăn cám công nghiệp nên có sức đề kháng tốt, bộ lông óng đẹp, thịt chắc, thơm, vị ngọt.
Nhằm đáp ứng nhu cầu mua gà rừng tai trắng để ăn, làm cảnh ngày càng cao của người dân, anh Sỹ đang tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại, nhân đàn vật nuôi để xuất bán từ 500 - 1.000 con gà rừng mỗi năm.
Hiện nay với giá gà rừng giống bán là 500.000 đồng/đôi và giá gà rừng mái từ 300.000 - 500.000 đồng/kg và từ giá gà rừng trống là 700.000 đồng - 1 triệu đồng/kg gà trống có lông đẹp được nuôi từ 1 năm trở lên.
Với mô hình nuôi gà rừng tai trắng, trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình anh Sỹ thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng.
Góp phần tạo hướng đi mới cho bà con nông dân, anh Sỹ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi gà rừng, hỗ trợ con giống, kỹ thuật chăm sóc, bởi theo anh, nuôi gà rừng tai trắng không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà nó còn là một thú chơi mới, góp phần bảo tồn giống gà quý của Việt Nam...
Muôn cách làm giàu, nông dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ mạnh dạn đưa những giống cây trồng mới, con giống mới về gieo trồng, chăn nuôi mà còn chủ động nắm bắt, ứng dụng những tiến bộ của công nghệ số, khai thác tốt các thế mạnh, tiềm năng để phát triển du lịch, dịch vụ.
Đơn cử như anh Lâm Văn Trung, Giám đốc HTX Đại Lải, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) đã kết hợp với một số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn, biến hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần túy của HTX sang phát triển du lịch trải nghiệm.
Anh Trung đã biến những ruộng rau, vườn cây ăn quả trở thành một điểm tham quan hấp dẫn.
Hay mô hình hữu cơ trên cây ba kích và liên kết sản xuất, tiêu thụ trà hoa vàng theo hướng hữu cơ trên diện tích 4ha tại huyện Tam Đảo...
Một điển hình khác là mô hình trồng nho hạ đen tại các huyện Bình Xuyên và Yên Lạc, Sông Lô; mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ tại huyện Lập Thạch…
Đồng hành, khuyến khích nông dân làm giàu, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”.
Từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội Nông dân đã tổ chức gần 2.100 hội nghị tuyên truyền, giới thiệu, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hơn 150.600 lượt cán bộ, hội viên.
Hội phối hợp với doanh nghiệp giới thiệu, hướng dẫn nông dân tiếp cận máy móc, thiết bị nông nghiệp; xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật, quảng bá, tiêu thụ nông sản, sản phẩm làng nghề.
Thực hiện nhận ủy thác từ các ngân hàng hơn 50,7 tỷ đồng cho hơn 1.270 hộ vay phát triển kinh tế.
Thông qua phong trào, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã xuất hiện nhiều chủ trang trại, cá nhân sản xuất, kinh doanh giỏi có doanh thu hàng tỷ đồng/năm.
Trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi do Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì tổ chức, riêng năm 2023, có hơn 38.100 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Bằng sự chủ động, dám nghĩ, dám làm của bà con nông dân và việc đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” những năm gần đây, đời sống của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao.
Qua phong trào, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.