Hiện vật cổ kỳ mỹ từng phải giấu dưới đáy ao ở một làng của Vĩnh Phúc là Bảo vật quốc gia
Hiện vật cổ kỳ mỹ từng phải giấu dưới đáy ao ở một làng của Vĩnh Phúc được công nhận Bảo vật quốc gia
Hồng Quân (Cổng TTĐT TTTT&XT Du lịch Vĩnh Phúc)
Thứ hai, ngày 05/02/2024 10:47 AM (GMT+7)
Hiện vật cổ là bảo tháp gốm men chùa Trò, xã Yên Phương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc vốn là đồ thờ tự tại chùa Trò (Đại Phúc Tự). Theo nội dung Quyết định số 1821 của Thủ tướng Chính phủ về công nhận Bảo vật quốc gia đợt 7 năm 2018, tháp gốm men chùa Trò ở Vĩnh Phúc là 1 trong 22 bảo vật được công nhận.
Vĩnh Phúc từ ngàn đời đã kết tụ những giá trị văn hóa, phản ánh óc thẩm mỹ tài hoa, tư duy sáng tạo, bàn tay khéo léo, trình độ kỹ thuật điêu luyện của “đất trăm nghề”.
Điển hình là nghề làm gốm có từ thời tiền sơ sử phát hiện tại di chỉ Đồng Đậu, đến những làng nghề nổi tiếng xứ Đoài xưa: Gốm Hương Canh – Hiển Lễ, mộc Bích Chu, kẻ Giang, kẻ Gốm, kẻ Mỏ…
Đây cũng là vùng đất đậm đà bản sắc, có sự tiếp biến trong tổng thể vùng văn hóa – văn minh dân tộc Việt lưu vực sông Hồng, là miền giao thoa giữa vùng văn hóa Hùng Vương với văn hóa Kinh Bắc – Thăng Long.
Sự tiếp biến và giao thoa ấy còn thể hiện qua hệ thống các di tích còn để lại trên đất Vĩnh Phúc, mang đậm dấu tích của Phật giáo, văn hóa Lý – Trần.
Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc-nơi lưu giữ, bảo quản, trưng bày hiện vật cổ là Tháp gốm men chùa Trò, xã Yên Phương, huyện Yên Lạc, được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2018.
Hiện vật Tháp gốm men chùa Trò, xã Yên Phương, huyện Yên Lạc vốn là đồ thờ tự tại chùa Trò (Đại Phúc Tự). Đây là ngôi chùa cổ, được xây dựng từ thời Lý – Trần.
Năm 1954, ngôi chùa bị giặc Pháp đốt cháy, đồ thờ tự bị thất tán; cây bảo tháp được giấu xuống ao. Khi hòa bình lập lại, nhân dân đã trục vớt lên, chuyển Bảo tàng tỉnh lưu giữ. Tháp có niên đại thời Trần (thế kỷ XIV).
Đây là tác phẩm gốm men độc bản, hình thức độc đáo, có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và khoa học trong kho tàng gốm cổ nói riêng, kho tàng di sản văn hóa Việt Nam nói chung.
Cây bảo tháp là tháp thờ bằng gốm men lớn nhất, nguyên vẹn nhất có trong kho tàng gốm cổ Đại Việt.
Trong khi tháp gốm men trắng hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chỉ còn lại 4 tầng và bệ, đã bị bong men hầu như toàn bộ.
Cây bảo tháp men ngọc Việt Nam, lưu giữ tại Bảo tàng Adam Malik, Jakarta (Indonesia) cũng chỉ còn lại phần chân đế.
Những phát hiện khảo cổ học tại các phế tích chùa – tháp thời Lý – Trần cũng chỉ là những mảnh vỡ, có số lượng rất ít.
Những ghi chép trong “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Việt sử lược” đã chỉ ra rằng, thời Lý Nhân Tông, năm 1105, ngay cả một Quốc tự như Diên Hựu ở Thăng Long cũng chỉ có hai cây bảo tháp nhỏ bằng gốm trắng, đặt thờ trước sân chùa. Điều đó phản ánh sự quý hiếm của loại hình di vật này.
Nét nghệ thuật đặc sắc còn lữu giữ trên hiện vật cổ là cây bảo tháp gốm men chùa Trò, xã Yên Phương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
Hoa văn trang trí tháp chùa Trò có đề tài vô cùng phong phú mang đậm yếu tố nghệ thuật Phật giáo, bảo lưu truyền thống gốm dân tộc, thể hiện sự giao thoa, tiếp biến văn hóa.
Về màu sắc men, tháp gốm chùa Trò sử dụng ba màu men chính: men ngọc chủ đạo, men trắng làm nền, men nâu điểm xuyết.
Đó cũng là ba màu men chính của gốm Đại Việt thời Lý – Trần, đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển gốm Việt Nam.
Tháp hiện còn 9 tầng, lòng tháp rỗng, cao 1,45m, rộng đế 0,5m. Tháp được làm bằng gốm, có dạng một khối hộp hình vuông, rộng ở đế và thu nhỏ dần về phía đỉnh.
Bốn mặt các tầng bảo tháp đều có cửa hình tò vò. Tính từ đế lên tới đỉnh, tháp được làm thành ba thớt, tương ứng với ba phần: Đế, bệ và thân
Đế bảo tháp được tạo 4 khối tương tự nhau, sau đó ghép lại thành một khối hộp vuông vững chãi. Trên đế có hai băng hoa văn trang trí hoa văn cánh sen, cúc dây.
Bệ tháp là một khối hộp hình vuông, có 4 chân quỳ ở 4 góc. Các chân quỳ trang trí hình lá đề với kỹ thuật khắc nổi, nét sâu, thô, rồi được tô men nâu trên những gờ lá đề – phản ánh kỹ thuật đặc trưng và chủ đạo của gốm hoa nâu thời Lý – Trần – dòng gốm duy nhất, chỉ có ở Việt Nam từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV.
Bệ bảo tháp chùa Trò-Bảo vật đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc là một khối hộp hình vuông, có 4 chân quỳ ở 4 góc. Các chân quỳ trang trí hình lá đề với kỹ thuật khắc nổi, nét sâu, thô, rồi được tô men nâu trên những gờ lá đề...
Thân bệ tháp chia thành hai phần, phần trên giật cấp thu nhỏ hơn phần dưới. Phần dưới của bệ tháp là hai băng hoa văn cánh sen kép men ngọc, đúc nổi, được bố cục hai lớp xen kẽ, úp – ngửa, ngược chiều nhau.
Phần trên 4 mặt được tạo 4 hình ô-van, trong chạm nổi hoa lá dây, sừng tê, ngọc báu. Tất cả tổ hợp hoa văn trên đều được phủ men nâu, trên nền trắng, khiến cho họa tiết chính được hiển lộ rõ ràng.
Thân bảo tháp cũng là một khối hộp vuông, được làm rời nhau, nay còn lại 9 tầng. Tính từ dưới lên gồm 2 phần: phần thứ nhất có kích thước lớn hơn cả và cũng là tầng gây ấn tượng khác biệt so với những tầng trên.
Có 4 cửa, bố trí ở chính giữa 4 mặt. Vòm cửa hình tò vò, có mí ở phía trên, trang trí hoa văn xoắn móc. Trước mỗi cửa tháp có hai vị kim cương, trang bị giáp, kiếm chỉnh tề, đứng hai bên, làm nhiệm vụ canh giữ cho ngôi bảo tháp.
Hiện vật cổ là Tháp gốm men chùa Trò, xã Yên Phương, huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) vốn là đồ thờ tự tại chùa Trò (Đại Phúc Tự). Đại Phúc Tự là ngôi chùa cổ, được xây dựng từ thời Lý – Trần.
Tường của tháp nổi bật là mảng hoa văn hai bên cửa, với họa tiết rồng giáng (rồng có đầu quay xuống, đuôi quay lên) trên nền men trắng. Rồng có thân uốn hình sin, bờm và mào lửa tốc về phía trước, xung quanh là mây đang bay.
Hình ảnh rồng trên bảo tháp chùa Trò mang đặc trưng nổi bật của nghệ thuật trang trí rồng thời Trần.
Trên cửa là hệ thống con sơn chồng đấu được phủ men nâu, đỡ bên dưới là những đấu lớn phủ men trắng.
Bốn góc là con sơn năm đấu, giữa là con sơn ba đấu tạo thành 16 con sơn quanh mái tháp. Xen kẽ con sơn là lá đề men ngọc, trong lòng lá đề là tượng phật trong tư thế thiền định.
Phần thứ hai, giả mái rồi liên kết với phần dưới, qua hình ảnh 12 Kinari (tượng đầu người mình chim) bốn góc và bốn mặt.
Tháp gốm men chùa Trò, Bảo vật quốc gia của tỉnh Vĩnh Phúc được tìm thấy ở xã Yên Phương, huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) vốn là đồ thờ tự tại chùa Trò (Đại Phúc Tự). Đại Phúc Tự là ngôi chùa cổ, được xây dựng từ thời Lý – Trần.
Đệm giữa các Kinari là cánh sen cách điệu, trong là hai chấm tròn nổi, trên to dưới nhỏ, cách điệu viên ngọc báu của đạo Phật. Phía trên của phần này đua ra ngoài, xung quanh trang trí băng hoa văn nổi, hẹp, đề tài rồng đệm tam giác, trong có hoa dây.
Toàn bộ băng này được phủ men trắng, viền ngoài được phủ men nâu. Bên trên giật cấp, diềm tạo băng hoa văn lá đề men ngọc, trong lòng lá đề là tượng phật trong tư thế thiền định.
Chính giữa các băng lá đề, ở bốn mặt là tượng phật ngồi thiền men trắng ngà.
Tám tầng bảo tháp chùa Trò bên trên tương đối giống nhau về phong cách kiến trúc và trang trí hoa văn. Mái lợp ngói ống được cách điệu thành những bông hoa cúc nổi 7 cánh phủ men ngọc. Trên đầu ngói ống là lá đề, bên trong là hình tháp nổi.
Diềm mái phủ men trắng khắc chìm hồi văn chữ S gấp khúc – loại hoa văn thường gặp trên nghệ thuật đồ đồng thời Đông Sơn, có niên đại hơn 1000 năm trước đó.
Tất cả tầng của bảo tháp còn lại đều có 4 cửa, nhưng không có tượng kim cương trấn giữ. Thay vào đó là tám khung hoa văn nổi phủ men trắng trang trí tượng phật trong tư thế ngồi thiền. Tám khung hoa văn này được bố cục đối xứng qua cửa và được viền ngoài là khung men nâu.
Men phủ trên 8 tầng bảo tháp này giống tầng dưới cùng, đó là sự hòa phối màu, giữa xanh ngọc, trắng và nâu của người thợ gốm Đại Việt, tạo nên giá trị đặc trưng, mang tính thời đại của ngôi tháp. 446 tượng Phật bố trí từ trên xuống dưới, tạo nên cảm giác tầng tầng, lớp lớp, 4 phương, 8 hướng, đâu đâu cũng có hình ảnh đức Phật.
Đây có lẽ cũng là chủ đích của các nghệ nhân, nhằm tạo nên một tác phẩm thờ tự mang đặc trưng của Phật giáo Thiền tông.
Với những giá trị quý báu đó, ngày 24/12/2018,Tháp gốm men chùa Trò đã được công nhận là bảo vật quốc gia cần được bảo tồn và phát huy giá trị.
Trong thời gian tới Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc sẽ biên soạn, xuất bản sách giới thiệu, tuyên truyền quảng bá về tháp gốm men chùa Trò.
Cùng với đó, tạo không gian trưng bày đặc biệt tại phần trưng bày thường trực Bảo tàng tỉnh, thiết kế bảng thông tin chung, sử dụng công nghệ để tra cứu, nghiên cứu các giá trị của hiện vật…phục vụ khách tham quan và thực hiện việc bảo quản đặc biệt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.