Theo đại biểu trên, có thể đưa nhà máy nước di động (nhà máy nước thu nhỏ được thiết kế trong xe container) đến vùng khô hạn gay gắt cung cấp nước cho người dân một cách kịp thời.
Cách làm này có thể thực hiện tại các vùng sâu, vùng xa, các vùng bị nhiễm mặn hiện chưa có giải pháp tháo gỡ. Qua đó, có thể giải quyết được vấn đề về nước sạch cho người dân trong 3 tháng khô hạn.
Đối với vùng ít dân cư, có thể chỉ sử dụng nhà máy nước di động, nếu nhiều người dân sinh sống có thể đưa nhiều container vào cùng hoạt động, miễn là có nguồn điện phục vụ.
Hiện nay, ở ĐBSCL đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, có thể lấy nước đầu vào là nước ngọt và nước nhiễm mặn từ sông, rạch để xử lý thành nước sạch, với công suất đạt đến 3.000 m3/ngày.
Nước sạch sau khi xử lý được đấu nối vào đồng hồ tổng của trung tâm nước sạch nông thôn hoặc các trạm cấp nước hiện hữu tại các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long, rồi dẫn đến các hộ dân.
Tại hội thảo, đại diện chuyên gia Israel (họp qua hình thức trực tuyến) cũng cho biết, hiện nay ở nước này cũng sử dụng nhà máy nước di động phục vụ cho người dân ở một số nơi.
Ngoài ra, Israel đã xây dựng 5 nhà máy khử nước biển với tổng công suất 786 triệu m3/năm, tương đương khoảng 85% nhu cầu của đất nước. Đồng thời, Israel cũng sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tiên tiến nhất và kết quả là năng suất cây trồng ở đây tăng hơn gấp đôi.
"Chúng tôi khuyên các bạn nên xây dựng ngay các nhà máy khử mặn ở miền Nam Việt Nam và bổ sung khả năng tái chế nước thải để phục vụ cho nhu cầu nông nghiệp" - ông Palmach Zeenvy - chuyên gia của Israel nói.
Như Dân Việt đã thông tin, mùa khô năm 2024, tình trạng hạn mặn cực đoan lần thứ 3 xuất hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sau mùa khô năm 2016 và mùa khô 2020.
Tuy đến thời điểm này chưa ghi nhận thiệt hại về cây ăn trái, chỉ số ít diện tích lúa đông xuân ngoài quy hoạch giảm năng suất nhưng việc thiếu nước sinh hoạt diễn ra trầm trọng ở một số địa phương ven biển như Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau,...
Cụ thể tại huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), từ những ngày đầu tháng 4 đến nay, tình trạng thiếu nước sinh hoạt trở nên nghiêm trọng. Mặc dù người dân đã chủ động trữ nước nhưng không đủ sử dụng trong mùa khô năm 2024 này.
Theo Phòng NNPTNT huyện Gò Công Đông, do địa phương giáp biển nên các mô hình sản xuất trên địa bàn là nuôi trồng thủy sản và một số ít canh tác lúa. Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp huyện vận động bà con gieo sạ lúa sớm nên khi xâm nhập mặn xảy ra không gây thiệt hại. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay mà người dân đang phải đối mặt là thiếu nước sinh hoạt.
Nhu cầu sử dụng nước của người dân trên địa bàn huyện là 10.270 m3/ngày đêm, trong đó nguồn tự cung cấp chỉ khoảng 2.500 m3/ngày đêm, nhận nguồn từ Nhà máy nước Đồng Tâm 6.000 m3/ngày đêm. Như vậy, nguồn nước phục vụ thực tế là 8.500 m3/ngày đêm, còn thiếu 1.770 m3/ngày đêm.
Hiện người dân mua nước sinh hoạt do xe bồn chở đến tận nhà với giá khoảng 100.000 đồng/m3. Đối với những hộ gia đình khó khăn, đây là một khoản chi phí rất lớn. Do đó, nhiều hộ lựa chọn đội nắng, thức đêm đi lấy nước tại các xe chở nước từ thiện.
Được biết, ngành chức năng huyện Gò Công Đông đã mở 62 vòi cấp nước sinh hoạt miễn phí để phục vụ cho gần 3.000 hộ dân tại các xã ven biển.
Để chủ động trong việc cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiếu nước sinh hoạt.