Mùa khô bất ổn ở Đồng bằng sông Cửu Long: Mặn thọc sâu vào đất liền
Mùa khô bất ổn ở Đồng bằng sông Cửu Long: Mặn thọc sâu vào đất liền, lần đầu ghi nhận tôm, cua chết (Bài 1)
Huỳnh Xây
Chủ nhật, ngày 14/04/2024 06:03 AM (GMT+7)
Khác với mùa khô những năm trước, năm 2024, xâm nhập mặn thọc sâu vào đất liền nhiều hơn, một số nơi có thời điểm độ mặn cao hơn cả 2 đợt xâm nhập mặn lịch sử ở ĐBSCL (năm 2016, năm 2020). Ngoài ra, năm nay còn xảy ra tình trạng tôm, cua chết hàng loạt.
LTS: Mùa khô năm 2024, tình trạng hạn mặn cực đoan lần thứ 3 xuất hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sau mùa khô năm 2016 và mùa khô 2020. Tuy đến thời điểm này chưa ghi nhận thiệt hại về cây ăn trái, chỉ số ít diện tích lúa đông xuân ngoài quy hoạch giảm năng suất nhưng xảy ra nhiều hiện tượng khá bất ổn, đó là nước mặn thọc sâu vào đất liền nhiều hơn, tôm cua chết hàng loạt; tình trạng sụt lún, sạt lở đất nặng nề và bất ngờ hơn bao giờ hết.
Đây cũng là mùa khô đầu tiên ở ĐBSCL có địa phương công bố tình huống khẩn cấp để tập trung các nguồn lực ứng phó với tình trạng sạt lở, sụt lún đất và địa phương khác công bố tình huống khẩn cấp để ứng phó với việc thiếu nước sinh hoạt (những năm mùa khô cực đoan trước đây là công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, chủ yếu để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, khắc phục thiệt hại cho lúa và cây ăn trái).
Trước thực tế này, Dân Việt sẽ khởi đăng loạt bài "Mùa khô bất ổn ở miền Tây" để có cái nhìn tổng quát hơn về mùa khô ở ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và khó lường, tác động đến nhiều mặt đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân, đòi hỏi phải có những giải pháp ứng phó cả trước mắt và lâu dài.
Nước mặn thọc sâu vào đất liền
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, trong mùa khô năm 2024, tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL diễn ra sớm, giữa tháng 11 năm 2023 đã xuất hiện và đi sâu vào bên trong đất liền. Đợt xâm nhập mặn sâu được ghi nhận từ ngày 8-13/3 cho thấy, ranh mặn 4 g/l vào sâu 40-50 km, có nơi sâu hơn; ranh mặn 1 g/l tại Tiền Giang có nơi xâm nhập sâu tới 70km.
Đến cuối tháng 3, mức độ xâm nhập mặn tại Tiền Giang, Bến Tre (2 địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn) được đo cao hơn so với năm 2016. Cụ thể, tại Bến Tre, độ mặn 1 g/l xâm nhập ở sông Cửa Đại vào khoảng 69 km, sông Hàm Luông vào khoảng 72 km, sông Cổ Chiên 58 km.
Tại Tiền Giang, có thời điểm, độ mặn lớn nhất thực đo tại các vùng cửa sông ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Như ngày 12/3, độ mặn quan trắc được tại trạm Mỹ Tho là 6,8 g/l (cùng kỳ năm 2016 là 3,9 g/l).
Tại các tỉnh ven biển khác như Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau… độ mặn được đo thấp hơn đợt xâm nhập mặn lịch sử ở ĐBSCL (năm 2016, năm 2020) nhưng vẫn cao hơn so với trung bình nhiều năm.
Về cảnh báo xâm nhập mặn trong thời gian tới, ông Lê Ngọc Quyền – Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ (Tổng cục Khí tượng, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay, tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài, nguồn nước từ thượng nguồn thấp nên nước mặn vẫn tiếp tục xâm nhập sâu vào nội đồng tại các tỉnh ĐBSCL đến cuối tháng 5 mới dứt điểm. Trong đó, các đợt xâm nhập mặn sẽ rơi vào khoảng thời gian từ ngày 8-14/4, 23-28/4, 6-12/5, riêng đợt xâm nhập cao nhất vào thời kỳ 8-14/4.
Vùng cây ăn trái an toàn, số ít diện tích lúa ngoài quy hoạch giảm năng suất
Mặc dù nước mặn thọc sâu vào đất liền, có thời điểm độ mặn đo được cao hơn cả đợt xâm nhập mặn lịch sử ở ĐBSCL (năm 2016, năm 2020) nhưng do công tác dự báo sớm, người dân chủ động ứng phó tốt, trữ nước sẵn trong ao nên đến thời điểm này, diện tích cây ăn trái ở các địa phương vùng ĐBSCL chưa ghi nhận thiệt hại, theo báo cáo của ngành nông nghiệp.
Ông Bùi Văn Thắm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre nói: "Từ kinh nghiệm phòng chống hạn mặn của các năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã làm tốt công tác chuẩn bị, dự báo chính xác, kịp thời. Từ đó, người dân đã chủ động ứng phó, đến thời điểm này chưa ghi nhận thiệt hại về lĩnh vực nông nghiệp".
Đối với cây lúa, đa số người dân các địa phương cũng chủ động gieo sạ sớm nên không ảnh hưởng bởi hạn mặn, riêng chỉ ở Sóc Trăng, người dân gieo sạ ngoài kế hoạch của ngành nông nghiệp khoảng 6.000ha, trong đó ghi nhận có 573 ha lúa bị ảnh hưởng và 32 ha bị thiệt hại hoàn toàn.
Khi hỏi về thiệt hại của hạn mặn gây ra, ông Ngô Minh Long – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, địa phương đẩy lịch thời vụ sớm hơn 20 ngày để "né" mặn nên không có diện tích lúa bị ảnh hưởng.
Được biết, tháng 9/2023, Bộ NNPTNT khuyến cáo có khoảng 56.260 ha lúa vụ đông xuân và 43.300 ha cây ăn trái vùng ven biển ĐBSCL thuộc vùng nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Rất mừng là theo số liệu từ Bộ NNPTNT, tính đến ngày 6/4, trà lúa đông xuân vùng ĐBSCL đã thu hoạch 1.304.301 ha/1.488.182 ha xuống giống, đạt 87,6%, các vùng cây ăn trái vẫn an toàn.
Lần đầu ghi nhận tôm cua chết hàng loạt
Nước mặn xâm nhập, kết hợp với nắng nóng kéo dài làm cho độ mặn trong vuông tôm, cua tăng cao bất thường, dẫn đến việc tôm, cua chết hàng loạt. Tình trạng này được phóng viên ghi nhận xảy ra ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Đây là điểm bất thường mà từ trước đến nay người dân nơi đây gặp phải.
Theo đa số người dân, độ mặn thích hợp cho nuôi tôm, cua dao động từ 10 - 20‰. Tuy nhiên, có thời điểm, độ mặn trong ao nuôi lên đến 25‰, thậm chí là cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Hồ ở ấp Thái Hòa, xã Nam Thái, huyện An Biên cho biết, độ mặn trong vuông tôm của gia đình có lúc lên đến 26‰, còn ở ngoài kênh có thời điểm hơn 30‰.
Theo ông Hồ, đây là độ mặn vượt ngưỡng mà con tôm, cua có thể sinh sống và phát triển. Về nguyên nhân độ mặn của nước tăng cao, ông Hồ cho hay, một phần là do nắng nóng kéo dài. Chưa dừng lại ở đó, việc nắng nóng kéo dài vào ban ngày còn làm cho con tôm bị sốc nhiệt.
Do số lượng tôm, cua chết rất nhiều nên đến thời điểm này, ông Hồ chỉ bán được khoảng 7 triệu đồng với 1,5ha (nuôi kết hợp tôm và cua). Trong khi thời điểm này năm trước, ông bán được hơn 30 triệu đồng.
Cũng như ông Hồ, gia đình ông Mặc Hoàng Đâu ở ấp Thái Hòa, xã Nam Thái A, huyện An Biên cũng gặp tình trạng tương tự. Vụ tôm, cua đầu năm 2014, gia đình ông thả nuôi trên tổng diện tích 2 ha, chỉ thu hoạch và bán được khoảng 5 triệu đồng. Nếu như những năm trước, vụ tôm đầu năm đến thời điểm này, gia đình đã thu về từ 25-30 triệu đồng.
Ông Đâu chia sẻ, vụ tôm, cua này, tôi nuôi được khoảng 1 tháng rưỡi thì bắt đầu xuất hiện tình trạng tôm, cua chết, thời điểm chết nhiều nhất là trong những ngày giữa tháng 3 vừa qua.
Ông Đâu nhận định: "Con tôm, cua chết hàng loạt là do nắng nóng kéo dài, cùng với đó là độ mặn dưới kênh, sông tăng cao. Hai nguyên nhân này còn là tác nhân làm cho bệnh trên con tôm, cua tăng lên".
Hiện nay, gia đình ông Đâu đang cải tạo lại vuông tôm, đợi có mưa xuống giúp giảm độ mặn trong nước. Lúc đó, mới thả lại vụ nuôi mới.
Theo Phòng NNPTNT huyện An Biên, tính đến cuối tháng 3/2024, người dân toàn huyện thả nuôi gần 26.000 ha tôm, tập trung nhiều ở các xã Nam Yên, Nam Thái, Nam Thái A. Tính đến ngày 2/4, có khoảng 500 ha nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại.
Việc tôm, cua chết hàng loạt không chỉ diễn ra ở huyện An Biên, mà còn xuất hiện ở An Minh, Vĩnh Thuận thuộc tỉnh Kiên Giang.
Thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cho thấy, đã có hơn 642 ha nuôi tôm, cua của nông dân bị thiệt hại do thời tiết diễn biến phức tạp, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao, cùng với nước mặn xâm nhập vào kênh mương ở một số khu vực.
Ông Trần Bá Hoằng - Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ NNPTNT) cho biết, từ năm 2015 đến nay, ĐBSCL trải qua 2 năm hạn mặn cực đoan là mùa khô 2016 và 2020. Năm nay cũng là năm hạn mặn cao hơn trung bình nhiều năm. Dựa trên những dự báo sớm, dự báo chuyên ngành, Bộ NNPTNT và các địa phương đã có những chỉ đạo điều hành sản xuất hợp lý. Nhờ vậy, đến thời điểm này, thiệt hại chỉ xảy ra ở một số nơi do canh tác ngoài khuyến cáo.
Còn ông Lê Ngọc Quyền – Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ (Tổng cục Khí tượng, Bộ TNMT) thì cho biết,ngay từ tháng 9/2023, đơn vị đã cảnh báo sớm khu vực nào ở ĐBSCL chịu tác động bởi xâm nhập mặn, để người dân, chính quyền địa phương chủ động xuống giống sớm, né mặn, tích trữ nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.