Thiếu nước ngọt, một tỉnh ở ĐBSCL công bố tình huống khẩn cấp
Mùa khô bất ổn ở Đồng bằng sông Cửu Long: Thiếu nước sinh hoạt, một tỉnh công bố tình huống khẩn cấp (Bài 2)
Huỳnh Xây
Thứ hai, ngày 15/04/2024 06:06 AM (GMT+7)
Mùa khô năm 2024, tỉnh Tiền Giang đã công bố tình huống khẩn cấp về thiếu nước sinh hoạt tại huyện Gò Công Đông. Đây cũng là lần đầu tiên ở ĐBSCL, lãnh đạo địa phương công bố tình huống khẩn cấp để huy động lực lượng tìm kiếm nguồn nước bổ sung giúp người dân duy trì sản xuất, sinh hoạt.
Công bố tình huống khẩn cấp về thiếu nước sinh hoạt
Theo ghi nhận của phóng viên, vào những ngày đầu tháng 4, tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở các xã thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang trở nên nghiêm trọng. Mặc dù người dân đã chủ động trữ nước nhưng không đủ sử dụng trong mùa khô năm 2024 này.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Văn Đường ở ấp Cồn Cống, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông thể hiện sự bất ngờ trước diễn biến phức tạp của tình trạng hạn mặn năm nay. Ông Đường cho rằng, đã tận dụng nhiều dụng cụ trữ nước ngọt để sử dụng trong mùa khô này nhưng vẫn "không đủ đâu".
Vì vậy, hàng ngày, ông phải đi đến điểm cấp nước công cộng (do chính quyền địa phương bố trí) để chở nước về nhà, phục vụ cho sinh hoạt. Nếu không có những điểm này, ông Đường cũng không biết xử lý ra sao.
Cũng như gia đình ông Đường, gia đình bà Nguyễn Thị Thúy Nga ở cùng ấp Cồn Cống phải đi đến điểm cấp nước công cộng đem nước về nhà sử dụng, bởi phần nước trữ trước đó đã không còn.
Bà Nga thông tin: "Từ năm 2023, gia đình tôi đã trữ nước ngọt, sau đó có lắng thêm nước mặn để rửa đồ ăn, rửa cá, tôm hay giặt đồ. Nhưng hiện nay, nguồn nước trữ sẵn không còn".
Theo ông Phan Xuân Thu - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân, UBND xã chỉ đạo các ngành liên quan thường xuyên kiểm tra các điểm nước công cộng để đảm bảo luôn có nước đầy đủ cho bà con nhân dân trên địa bàn. Riêng với các hộ gia đình neo đơn, người già yếu, xã phân công đoàn thanh niên, lực lượng dân quân hỗ trợ đưa nước tới nhà.
Theo Phòng NNPTNT huyện Gò Công Đông, do địa phương giáp biển nên các mô hình sản xuất trên địa bàn là nuôi trồng thủy sản và một số ít canh tác lúa. Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp huyện vận động bà con gieo sạ lúa sớm nên khi xâm nhập mặn xảy ra không gây thiệt hại. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay mà người dân đang phải đối mặt là thiếu nước sinh hoạt.
Nhu cầu sử dụng nước của người dân trên địa bàn huyện là 10.270 m3/ngày đêm, trong đó nguồn tự cung cấp chỉ khoảng 2.500 m3/ngày đêm, nhận nguồn từ Nhà máy nước Đồng Tâm 6.000 m3/ngày đêm. Như vậy, nguồn nước phục vụ thực tế là 8.500 m3/ngày đêm, còn thiếu 1.770 m3/ngày đêm.
Hiện người dân mua nước sinh hoạt do xe bồn chở đến tận nhà với giá khoảng 100.000 đồng/m3. Đối với những hộ gia đình khó khăn, đây là một khoản chi phí rất lớn. Do đó, nhiều hộ lựa chọn đội nắng, thức đêm đi lấy nước tại các xe chở nước từ thiện.
Được biết, ngành chức năng huyện Gò Công Đông đã mở 62 vòi cấp nước sinh hoạt miễn phí để phục vụ cho gần 3.000 hộ dân tại các xã ven biển.
Để chủ động trong việc cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiếu nước sinh hoạt.
Trong quyết định, ông Vĩnh yêu cầu Sở NNPTNT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Tân Phú Đông và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức vận chuyển nước ngọt từ nơi khác về các ao chứa nước tại huyện Tân Phú Đông, phục vụ duy trì hoạt động sản xuất nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn huyện Tân Phú Đông theo đúng quy định của pháp luật.
Đảm bảo kịp thời cung cấp nước sinh hoạt cho người dân một cách hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến mặn xem xét kết thúc sớm hoặc kéo dài thời gian vận chuyển nước ngọt.
Được biết, đây cũng là lần đầu tiên ở ĐBSCL, lãnh đạo một địa phương ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp để huy động lực lượng, tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Những năm mùa khô cực đoan trước đây là công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, chủ yếu để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, khắc phục thiệt hại cho lúa và cây ăn trái.
Người dân Bến Tre đi xin từng thùng, sử dụng tiết kiệm từng giọt
Cũng như một số địa phương ở tỉnh Tiền Giang, vào những ngày này, người dân xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre phải đi xin từng thùng nước ngọt đem về nhà, phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày. Nguyên nhân là do hạn mặn kéo dài, nguồn nước dưới sông bị nhiễm mặn, nguồn nước được cung cấp từ các nhà máy cũng có độ mặn.
Theo tìm hiểu, việc người dân xã Quới Sơn thiếu nước ngọt sinh hoạt đã diễn ra vài tuần qua. Tình trạng này gây ra nhiều khó khăn cho người dân.
Điểm người dân đến lấy nước ngọt gần trụ sở Công an xã Quới Sơn (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Nơi này được đầu tư hệ thống cung cấp nước ngọt miễn phí cho người dân.
Ngoài ra, cũng có lúc, xe tải chở nước ngọt đến xã cho người dân lấy miễn phí. Nhiều bà con đến xin chở từng thùng nước về, chỉ trong thời gian ngắn là hết nước.
Khi hỏi về việc đi xin nước ngọt về sử dụng, anh Nguyễn Ngọc Thảo - người dân ở xã Quới Sơn cho biết, nguồn nước máy bị nhiễm mặn, rất khó để tắm, rửa rau nên phải đi xin từng thùng.
"Mỗi năm, vào mùa khô là tình trạng thiếu nước sạch lại xảy ra. Đặc biệt, năm nay hạn mặn kéo dài, việc thiếu nước trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, vài ngày tôi phải đi xin nước một lần, sử dụng tiết kiệm từng giọt" - anh Thảo nói.
Ông Trần Văn Chuyền (ngụ ở ấp 8, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cho biết, tình trạng thiếu nước ngọt sử dụng xảy ra khoảng 1 tháng trở lại đây.
Theo ông Chuyền, mặc dù gần trụ sở Công an xã Quới Sơn có điểm để người dân lấy nước miễn phí, nhưng vẫn không cung cấp đủ. Để có nước sạch sử dụng, ông phải đi xa hơn (Quốc lộ 57B) để lấy nước, chở về nhà.
Ngoài xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, việc người dân thiếu nước sạch sử dụng và phải đi xin từng thùng nước còn xảy ra ở một số địa phương khác ở tỉnh Bến Tre.
Hiện nay, tỉnh Bến Tre có 67 nhà máy cấp nước sạch đang hoạt động, với tổng công suất 10.500m3/giờ (khoảng 250.000m3/ngày đêm), chủ yếu khai thác từ nguồn nước mặt tại chỗ để xử lý. Trong đó, có hàng chục nhà máy nước bị nhiễm mặn.
Do hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh, một số nhà máy nước vẫn chịu ảnh hưởng trực tiếp của xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến hoạt động cấp nước sinh hoạt. Các doanh nghiệp cũng như các đơn vị kinh doanh nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã và đang nỗ lực tìm nguồn nước ngọt cung cấp cho các nhà máy xử lý nước nói trên.
Mới đây, vào ngày 27/3, qua kiểm tra công tác phòng chống hạn mặn trong mùa khô năm 2023-2024, tình hình cấp nước tại một số nhà máy nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát từng xã, từng vùng người dân thiếu nước ngọt sử dụng, nước sinh hoạt nhiễm mặn để có phương án xử lý.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cũng đề nghị các địa phương tiếp tục nhân rộng, mở thêm nhiều điểm cấp nước ngọt miễn phí cho người dân, cố gắng mỗi ấp có một điểm cấp nước miễn phí. Đồng thời, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm.
Để chia sẻ khó khăn đối với nhân dân trong việc sử dụng nước sạch sinh hoạt do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý, vận hành và khai thác bị ảnh hưởng xâm nhập mặn năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam vừa ký ban hành công văn về chủ trương giảm giá nước sạch sinh hoạt.
Thời gian giảm giá nước sẽ thực hiện ở 2 kỳ hóa đơn trong kỳ 4 và kỳ 5/2024. Số tiền giảm là 10% cho tất cả các mục đích sử dụng nước, gồm nước sinh hoạt các hộ dân cư, phục vụ công cộng, đơn vị hành chính sự nghiệp, hoạt động sản xuất và kinh doanh dịch vụ,...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.