Dân Việt

Một quả đồi nằm ở vị trí giáp ranh 2 huyện của Thanh Hóa có gì mới lạ khiến người ta tò mò lên xem?

Khánh Lộc 28/04/2024 05:35 GMT+7
Nằm trên địa bàn hai xã Thạch Lập (huyện Ngọc Lặc) và Cẩm Liên (huyện Cẩm Thủy) của tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, đồi Hích đang là điểm đến được nhiều du khách yêu thích du lịch khám phá tìm về. Hành trình lên với đồi Hích mang đến không ít trải nghiệm thú vị.

 Mây trôi bồng bềnh, khí hậu mát mẻ, uống trà nóng nhìn bình minh lên buổi sớm, chiều buông lặng lẽ ngắm mặt trời khuất dần sau những ngọn núi, cắm trại qua đêm, hòa mình giữa thiên nhiên bao la và tĩnh lặng để có thể nghe được cả tiếng “thì thầm” của vạn vật...

Những trải nghiệm và xúc cảm ấy được “tìm thấy” khi về với đồi Hích - một “Đà Lạt nhỏ” của xứ Thanh.

Nằm trên địa bàn hai xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) và Cẩm Liên (Cẩm Thủy), thời gian qua, đồi Hích đang là điểm đến được nhiều du khách yêu thích du lịch khám phá tìm về. Hành trình lên với đồi Hích mang đến không ít trải nghiệm thú vị.

Từ trung tâm huyện Ngọc Lặc, đi thêm khoảng hơn 10km là tới địa bàn xã Thạch Lập. Đến thôn Hoa Sơn, khách du lịch lại “ngược ngàn” thêm hơn 4km đường rừng để lên đồi Hích. 

Một quả đồi nằm ở vị trí giáp ranh 2 huyện của Thanh Hóa có gì mới lạ khiến người ta tò mò lên xem?- Ảnh 1.

Đồi Hích là một bình nguyên mênh mông nằm ở vị trí giáp ranh giữa 2 huyện Ngọc Lặc và huyện Cẩm Thủy của tỉnh Thanh Hóa, từ đây du khách có thể bao quát cảnh vật và “săn” mây. Ảnh: Bùi Phương.

Do vẫn là đường dân sinh nên từ trục đường chính của xã lên được đồi Hích cũng là một... thử thách. Để đảm bảo, du khách có thể lựa chọn di chuyển bằng xe máy loại xe số hoặc xe ô tô hai cầu.

Sau khoảng 25 phút di chuyển chinh phục quãng đường rừng, đồi Hích hiển hiện trước mắt. Một bình nguyên mênh mông, bát ngát “mở ra” khiến du khách bỗng quên hết mọi mệt mỏi.

Khí hậu trong lành mát rượi nhanh chóng xua đi cái nóng oi ả của ngày nắng hạ. Hòa lẫn với gió là mùi của cỏ xanh, cây rừng tạo nên mùi hương nhẹ nhàng, tươi mát, trong lành thật khó diễn tả.

Như kẻ viễn khách tham lam, ta vội vàng dang tay đón gió, vội vã “mở” lồng ngực thật rộng và nhắm mắt để hít hà... rồi nhẹ nhàng nằm xuống bãi cỏ xanh mát, để tay chân tự do, khoan khoái mở mắt ngắm nhìn trời xanh bao la và ước, giá như khoảng lặng bình yên ấy có thể kéo... thật dài.

Đồi Hích thoải rộng, mênh mông là thế, lại được bao bọc núi đồi nối tiếp khiến cho cảnh sắc thiên nhiên vừa hùng vĩ mà cũng thật nên thơ, diễm tình. 

Trên đồi Hích, du khách có thể lên các đỉnh cao hơn như đỉnh Phòng Không, đỉnh Cổng Trời (theo cách gọi của người dân địa phương - PV) quan sát bốn phía, thu vào tầm mắt muôn màu bức tranh thiên nhiên và cuộc sống.

Trong các đỉnh núi cao trên đồi Hích, đỉnh Cổng Trời và khu vực bãi đá thường được nhiều du khách lựa chọn làm điểm “check in” để “săn” cảnh đẹp và cả “săn mây” đang vờn chạy dưới chân người.

Trời về chiều, những ráng nắng cuối ngày cũng đã theo mặt trời khuất dần sau những ngọn núi. Xa xa phía dưới, khói lam chiều đang thấp thoáng tỏa lên từ những mái nhà sàn, người dân trong thôn trên con đường làng uốn lượn thủng thẳng đuổi đàn trâu no cỏ sau ngày dài về với chuồng trại của gia đình...

Và lúc này, trên bình nguyên mênh mông, những lán trại cũng đã được căng lên để du khách qua đêm trên đồi Hích. Mùi thịt nướng thơm lựng, cơm nếp lam trong ống nứa, đĩa măng, rau rừng luộc... khiến những chiếc bụng đói thêm cồn cào. Với sự hỗ trợ dịch vụ của người dân địa phương, du khách dễ dàng có một bữa tối thú vị giữa đất trời bao la...

Đêm đã buông xuống, trên đồi Hích những lán trại đã được thắp sáng, lấp lánh giữa màn đêm tĩnh lặng. Không có tiếng còi xe, không khói bụi, chỉ có tiếng người rỉ rả nói chuyện, thi thoảng tiếng cười sảng khoái lại rộn lên... Giữa không gian bao la, ngước lên bầu trời đầy sao, có người bất chợt băn khoăn: Ai đã đặt tên cho nơi này là đồi Hích?

Anh Bùi Văn Phương, người dân tộc Mường ở Thạch Lập hỗ trợ khách du lịch các dịch vụ khám phá, cắm trại trên đồi Hích, cho biết: “Đồi còn có tên gọi là đồi Bà chúa Hích. Tương truyền, vào thời loạn lạc, bản làng bị giặc ngoại xâm giày xéo, một người phụ nữ đã dẫn dân làng theo đường rừng lên trên đồi Hích lánh nạn. 

Về sau, nhớ ơn bà, dân làng đã đặt cho bình nguyên rộng lớn này là đồi Bà chúa Hích. Với khí hậu ôn hòa mà mát mẻ, đồi Hích được nhiều bạn trẻ trong và ngoài tỉnh tìm về. Đặc biệt, vào dịp cuối tuần và các kỳ nghỉ lễ, các bạn trẻ, gia đình tìm về cắm trại, khám phá đồi Hích khá đông"...

Sau một đêm say giấc trên đồi Hích, cảm giác đón bình minh giữa núi đồi trùng điệp, bốn bề mây bồng bềnh vờn quanh khiến nhiều người không giấu được xúc cảm choáng ngợp, “ồ” lên tiếng reo vui thích thú. 

Trong cái se lạnh của buổi sớm mai trên đồi Hích, nhấp ngụm trà ấm được “lam” trong ống nứa cũng thật thi vị. Theo đó, những ống nứa được người dân vào rừng chặt về, chè xanh cũng hái ở trong rừng. Nước lấy từ suối cho vào ống nứa đun sôi trên bếp củi cùng lá chè xanh - hương vị cũng thật khác biệt.

Và theo chia sẻ của người dân nơi đây, không chỉ lam nước chè, lam cơm, mà còn có thể lam cả đồ ăn, thức uống trong ống nứa... từ những nguyên liệu có sẵn tại địa phương. Đó không chỉ là trải nghiệm rất khác so với cuộc sống sinh hoạt, nấu nướng thường ngày, qua đó có thể “dạy” mỗi người kỹ năng sinh tồn trong những điều kiện thiếu thốn...

Du lịch đồi Hích thú vị và hấp dẫn. Nhưng về Thạch Lập, nếu chỉ dừng lại ở đồi Hích thì có lẽ chuyến đi sẽ chưa thật trọn vẹn. Còn có thác Khe Cha, hang Bàn Đáy, hang Con... với cảnh sắc tuyệt đẹp như món quà của tạo hóa dành cho đất và người Thạch Lập cũng rất đáng để du khách khám phá.

Và bạn đừng vội rời đi nếu chưa vào thăm làng Lập Thắng - ngôi làng bình yên và xinh đẹp của người Mường với những nét văn hóa Mường đặc sắc còn lưu giữ. Đặc biệt, làng Lập Thắng còn là điểm đến du lịch cộng đồng của huyện Ngọc Lặc.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Lập (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) Lê Thị Vân cho biết: “Xã có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mường được bảo tồn, lưu giữ... là lợi thế để phát triển du lịch. 

Đặc biệt, thời gian qua, việc bảo tồn, phát triển nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường ở Lập Thắng gắn với phát triển du lịch cộng đồng đã được triển khai. Hy vọng Thạch Lập sẽ là điểm đến được nhiều du khách biết đến và tìm về.