Một người dân Thanh Hóa học hết cấp 2 được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế độc quyền cho sản phẩm gì?

Hoài Thu - Hữu Dụng Thứ tư, ngày 15/06/2022 06:00 AM (GMT+7)
Mặc dù không được đào tạo bài bản qua trường lớp, thế nhưng bằng sự đam mê sáng tạo, người đàn ông mới học hết cấp 2 ở tỉnh Thanh Hóa đã sáng chế thành công "Cụm khóa phanh an toàn dùng cho thang máy" và được cấp bằng sáng chế độc quyền.
Bình luận 0

Clip: Ông Ninh Đức Thanh được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho sáng chế "Cụm khóa phanh an toàn dùng cho thang máy"

Sản phẩm của ông Ninh Đức Thanh, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) vừa được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

Từ cậu bé chỉ học hết cấp 2

Chúng tôi ghé thăm xưởng cơ khí chuyên sản xuất, thi công các loại bạt xếp, bạt cuốn của ông Ninh Đức Thanh (SN 1964) nằm trên đường Lê Lai, phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa vào một ngày giữa tháng 6 trời nắng như đổ lửa. Ông Thanh đang cùng thợ hoàn thiện nốt những tấm bạt để kịp lắp đặt cho khách hàng.

Ông Ninh Đức Thanh cũng chính là chủ nhân của sáng chế "Cụm khóa phanh an toàn dùng cho thang máy" được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích năm 2021.

Thanh Hóa: Người đàn ông được Bộ KH-CN cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích dù chỉ học hết cấp 2 - Ảnh 2.

Ông Ninh Đức Thanh là chủ nhân của sáng chế "Cụm khóa phanh an toàn dùng cho thang máy". Ảnh: HT

Trao đổi với phóng viên, ông Thanh cho biết, ông sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề cơ khí nên từ nhỏ ông đã được tiếp xúc với nghề, dần dần yêu nghề từ lúc nào không hay.

Năm 15 tuổi, vì hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả lại đông anh em, nên ông Thanh chỉ được học hết cấp 2 rồi nghỉ ở nhà phụ giúp công việc cho bố. Vốn là con nhà nghề cùng với tố chất thông minh sẵn có, ông học hỏi rất nhanh. Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã trở thành thợ cơ khí lành nghề.

Mấy năm sau, ông Thanh dùng số tiền dành dụm được, mở xưởng cơ khí riêng. Do có tay nghề vững, xưởng của ông nhanh chóng được mọi người biết đến và tín nhiệm, các đơn hàng ngày một nhiều.

Trong thời gian đó, ông Thanh cũng tham gia lắp đặt máy vận thăng nâng hàng tại các công trình xây dựng. Đó cũng là thời điểm ông Thanh phát hiện một số công nhân ở công trường thường có thói quen sử dụng thang để di chuyển lên xuống.

Thanh Hóa: Người đàn ông được Bộ KH-CN cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích dù chỉ học hết cấp 2 - Ảnh 3.

Sáng chế của ông Thanh được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích năm 2021. Ảnh: HT

"Theo nguyên tắc, hầu hết các máy vận thăng ở các công trình xây dựng không được phép chở người trong cabin mà chỉ được phép vận chuyển hàng hóa nhưng vì thuận tiện, một số người vẫn liều lĩnh di chuyển bằng thang này.

Đây là điều cực kỳ nguy hiểm bởi thang thường không có khóa phanh an toàn, nếu chẳng may xảy ra sự cố đứt cáp, thang rơi tự do sẽ nguy hiểm đến tính mạng", ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, mỗi lần đi lắp đặt, ông đều cảnh báo và đề nghị chủ hàng không dùng thang để vận chuyển người. Tuy nhiên, nhiều người đã phớt lờ cảnh báo của ông mà vẫn cho người đi trong thang.

Ông Thanh lo lắng cho sự an nguy của người khác, khiến ông không khỏi trăn trở phải tạo ra một cái gì đó an toàn cho thang máy, đặc biệt là máy vận thăng sử dụng tại các công trình. Suy nghĩ này luôn thường trực trong đầu ông nhiều năm liền.

Thanh Hóa: Người đàn ông được Bộ KH-CN cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích dù chỉ học hết cấp 2 - Ảnh 4.

Sản phẩm có cấu tạo phù hợp nhằm giữ không cho buồng thang rơi tự do khi không may xảy ra sự cố hoặc thang bị đứt cáp. Ảnh: HT

Đến tấm bằng độc quyền giải pháp hữu ích

Đến năm 2019, một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu ông về "Cụm khóa phanh an toàn dùng cho thang máy". Không chần chừ, ông Thanh bắt tay ngay vào mày mò, nghiên cứu, chế tạo sản phẩm.

Ban đầu, các sản phẩm của ông làm ra cho kết quả không như mong đợi, còn mắc một số lỗi. Tuy nhiên, ông Thanh vẫn không hề nản lòng, tiếp tục dốc hết tâm sức của mình cho việc nghiên cứu để cải tiến bộ sản phẩm cụm khóa phanh an toàn.

Sau khi sản phẩm cơ bản được hoàn thành sau nhiều tháng trời nghiên cứu, chế tạo, ông Thanh tiến hành thực nghiệm tính hiệu quả của sản phẩm.

Thanh Hóa: Người đàn ông được Bộ KH-CN cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích dù chỉ học hết cấp 2 - Ảnh 5.

Cụm khóa phanh an toàn được gắn trực tiếp vào thang máy. Ảnh: HT

Ông Thanh cũng cho biết, để phục vụ cho thử nghiệm sản phẩm của mình, ông đã không ngần ngại đục thông ngôi nhà 3 tầng của mình tạo thành một buồng thang máy.

Bước đầu, ông Thanh chỉ thử nghiệm với hàng hóa. Sau hàng trăm lần thử nghiệm tính an toàn với hàng hóa đều thành công, ông Thanh chính thức thử nghiệm với chính mình.

"Mặc dù đã thử nghiệm hàng trăm lần với hàng hóa đều cho kết quả tốt nhưng khi trực tiếp đứng trong thang máy, tôi vẫn có chút bất an. Sau khi bấm nút để thang rơi tự do, ngay lập tức, cụm khóa phanh an toàn bung ra giữ chặt chiếc thang. Toàn bộ quá trình diễn ra chỉ trong vài tích tắc. Khi biết mình đã an toàn cũng là lúc tôi biết công sức mình bỏ ra bao lâu nay đã gặt hái được thành quả".

Thanh Hóa: Người đàn ông được Bộ KH-CN cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích dù chỉ học hết cấp 2 - Ảnh 6.

Thang máy thử nghiệm được ông Thanh đặt phía cuối ngôi nhà. Ảnh: HT

Theo ông Thanh, cụm khóa phanh có kết cấu bao gồm: khung cụm khóa được gắn cố định bên trên buồng thang, các phương tiện tỳ được tạo ra ở mặt trên khung cụm khóa, hai đòn khóa được lắp xoay với khung cụm khóa... các thiết bị được lắp đặt, liên kết với nhau giữ không cho buồng thang rơi tự do khi không may xảy ra sự cố hoặc thang bị đứt cáp.

Cuối năm 2019, ông Thanh nộp hồ sơ xin xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho giải pháp Cụm khóa phanh an toàn dùng cho thang máy của mình. Sản phẩm của ông sau đó được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá là đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ và được cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích năm 2021.

Hiện, ông Thanh đã sản xuất, lắp đặt cụm khóa phanh an toàn cho một số khách hành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Xưởng sản xuất của ông cũng đang tạo việc làm thường xuyên cho 2 – 4 lao động với mức thu nhập 7 – 10 triệu đồng/người/tháng.

Thanh Hóa: Người đàn ông được Bộ KH-CN cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích dù chỉ học hết cấp 2 - Ảnh 7.

Ông Thanh đục thông ngôi nhà 3 tầng của mình tạo thành một buồng thang máy để thử nghiệm sản phẩm cụm khóa phanh. Ảnh: HT

Ngoài giải pháp cụm khóa phanh an toàn dùng cho thang máy, ông Thanh còn có những sáng chế tiêu biểu như: cầu thang tự động, bàn tròn bán kính lớn quay tự động dùng trong các phòng ăn quy mô lớn của khách sạn, nhà hàng…

Nói về những dự định trong tương lai, ông Thanh cho biết sẽ nâng cấp, cải tiến sản phẩm của mình ngày càng hoàn thiện. Ông cũng hy vọng sẽ có doanh nghiệp có tiềm năng phát triển sản phẩm, sản xuất đại trà để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem